- 1. Tác dụng của các bài tập đối với người mắc lao màng phổi
- 2. Một số bài tập cho người mắc lao màng phổi
- 2.1 Bài tập hít thở sâu
- 2.2 Bài tập thở mím môi
- 2.3 Bài tập thổi bóng
- 2.4 Bài tập xoay vai nhẹ nhàng
- 2. 5 Các bài tập vận động nhẹ nhàng
- 3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người bệnh lao màng phổi
1. Tác dụng của các bài tập đối với người mắc lao màng phổi
Lao màng phổi là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao thứ hai trong những bệnh lý lao ngoài phổi, chỉ xếp sau lao hạch bạch huyết.
Lao màng phổi có thể gây ra một số biến chứng như viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, dày dính màng phổi…
Các bài tập thở được chứng minh là có khả năng giúp tăng dung tích phổi, cải thiện khả năng trao đổi khí, loại bỏ khí ứ đọng trong phổi, phục hồi sự linh hoạt của màng phổi và lồng ngực sau tổn thương do lao. Chính vì vậy các bài tập này là cách rất hiệu quả trong việc cải thiện chức năng hô hấp cho người bệnh lao màng phổi.
Các bài tập vận động giúp giảm đau ngực, giảm co cứng cơ vùng ngực, phục hồi phạm vi vận động của lồng ngực, giúp người bệnh thở thoải mái hơn. Lao màng phổi thường khiến người bệnh suy nhược cơ thể, các bài tập vận động có thể cải thiện lưu thông máu, cải thiện trao đổi chất, tăng sức bền và tăng cường sức khỏe tổng thể cho người bệnh.
Người mắc lao màng phổi có nguy cơ dính màng phổi, giảm khả năng giãn nở của phổi nếu ít vận động, chính vì thế các bài tập nhẹ nhàng có thể ngăn ngừa hiện tượng dính và xơ hóa màng phổi, hỗ trợ quá trình phục hồi hô hấp, đồng thời ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ viêm nhiễm tái phát.
Thông qua các bài tập, chức năng hô hấp được cải thiện, hệ miễn dịch được tăng cường, điều này giúp tăng hiệu quả của phác đồ điều trị lao, giảm tác dụng phụ của thuốc lao. Vận động nhẹ nhàng giúp giải phóng endorphin, mang lại cảm giác thư giãn và tích cực hơn cho người mắc lao màng phổi.
Tập luyện giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh lao màng phổi.
2. Một số bài tập cho người mắc lao màng phổi
2.1 Bài tập hít thở sâu
Đây là bài tập thường xuyên được sử dụng hỗ trợ điều trị cho các bệnh hô hấp, giúp tăng dung tích phổi, cải thiện lưu thông khí và giảm khó thở cho người bệnh. Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, hít vào từ từ, hít sâu và cảm nhận lồng ngực căng, mở rộng; giữ hơi thở trong 5-10 giây sau đó thở ra từ từ; lặp lại từ 10-15 lần cho mỗi lần tập.
Hít thở sâu giúp tăng dung tích phổi cho người mắc lao màng phổi.
2.2 Bài tập thở mím môi
Đây là bài tập giúp người bệnh kiểm soát hơi thở tốt hơn, giảm áp lực trong phổi và giảm cảm giác khó chịu khi thở. Người bệnh hít vào bằng mũi, mím môi như thổi sáo, rồi thở ra từ từ qua miệng, thời gian thở ra cần kéo dài hơn thời gian hít vào, thực hiện 10-15 lần cho mỗi lần tập.
Thở mím môi giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh lao màng phổi.
2.3 Bài tập thổi bóng
Đây cũng là bài tập giúp cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường sức mạnh cơ hoành, hỗ trợ trong quá trình phục hồi của người bệnh lao màng phổi.
Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái, giữ thẳng lưng, hít vào thật sâu bằng mũi để không khí đầy phổi, cảm nhận lồng ngực nở rộng; đưa bóng lên miệng từ từ thổi hơi qua miệng để làm phồng bóng, thổi chậm rãi và đều đặn, không cần cố gắng thổi phồng bóng trong một lần.
2.4 Bài tập xoay vai nhẹ nhàng
Người bệnh đứng hoặc ngồi, thả lỏng hai vai; xoay vai theo vòng tròn về phía trước 5-10 lần sau đó xoay ngược lại 5-10 lần. Đây là bài tập giúp thư giãn các cơ vùng vai và ngực, là các cơ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình hô hấp, đồng thời giúp cải thiện tư thế và giảm đau ngực.
2.5 Các bài tập vận động nhẹ nhàng
Người bệnh có thể thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, các bài tập yoga, thái cực quyền…
Đây là các bài tập giúp cải thiện sức bền tổng thể, tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ hô hấp cho người bệnh. Các bài tập này nên được thiết kế với cường độ và thời gian phù hợp cho từng giai đoạn phục hồi của người bệnh.
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người bệnh lao màng phổi
- Người bệnh lao màng phổi chỉ nên thực hiện các bài tập vận động khi sức khỏe đã bắt đầu cải thiện.
- Khi còn các triệu chứng cấp tính như sốt, khó thở nghiêm trọng, đau ngực, người bệnh nên nghỉ ngơi và tuân thủ theo phác đồ điều trị; tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập luyện.
- Các bài tập thở có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để tối ưu hiệu quả.
- Trong giai đoạn đầu tập luyện nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, tránh các bài tập cường độ cao, có thể tăng thời gian và cường độ khi sức khỏe cải thiện nhưng phải luôn lắng nghe cơ thể để không tập luyện quá sức.
- Trong quá trình tập luyện cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị lao.
- Luôn luôn theo dõi các triệu chứng bệnh trong quá trình luyện tập, dừng tập ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu như khó thở tăng đột ngột, đau ngực, mệt mỏi quá mức, ho nhiều hoặc ho ra máu và báo ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng bất thường kéo dài hoặc nặng thêm.
Mời bạn xem tiếp video:
Một số xét nghiệm chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay | SKĐS