1. Vai trò của tập luyện đối với Hội chứng sau bại liệt
Bệnh bại liệt xảy ra do virus bại liệt (poliovirus) tấn công hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là tế bào thần kinh vận động ở tủy sống. Hội chứng sau bại liệt được xác định là một bệnh lý của hệ thần kinh có thể xuất hiện 15 - 50 năm sau khi bị bệnh bại liệt.
Khi mắc Hội chứng sau bại liệt, người bệnh có biểu hiện yếu cơ, đau cơ, đau khớp và tình trạng này sẽ nặng dần. Bên cạnh đó còn gặp triệu chứng mệt mỏi, teo cơ bắp và mất dần cơ, cảm thấy khó thở, khó nuốt, rối loạn giấc ngủ.
Hiện nay, chưa có cách điều trị cho tất cả các dấu hiệu và các triệu chứng khác nhau của Hội chứng sau bại liệt mà người bệnh chỉ được quản lý các triệu chứng, giúp cuộc sống thoải mái và độc lập. Theo đó, việc tập luyện sẽ giúp người bệnh:
- Tăng cường sức mạnh của các cơ bị yếu do tổn thương thần kinh.
- Duy trì và cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp, giảm nguy cơ cứng khớp.
- Giảm đau cơ, tăng cường khả năng giữ thăng bằng khi đi đứng.
- Giúp bệnh nhân tăng cường khả năng nuốt.
- Thư giãn giảm stress, ngủ ngon giấc hơn.
2. Các bài tập theo từng nhóm cơ dành cho người bệnh mắc Hội chứng sau bại liệt
2.1 Bài tập cho cơ tay
Tác dụng: Giúp mạnh cơ tay, giảm co cơ cứng khớp vùng tay.
Bài tập 1: Nắm và thả
Cách thực hiện: Nắm chặt một quả bóng cao su hoặc khăn trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.
Nắm và thả đồ vật là bài tập cơ tay tốt cho người bệnh mắc Hội chứng sau bại liệt.
Bài tập 2: Cầm nắm đồ vật
Cách thực hiện:
- Để lên bàn tay có ngón tay cò súng 1 vật (có thể là giấy hoặc khăn ăn).
- Nắm chặt vật với lực mạnh nhất có thể, giữ đồ vật nằm gọn trong lòng bàn tay. Siết chặt nắm tay và giữ trong vài giây.
- Từ từ thả tay và trở về vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần.
Bài tập 3: Xoay cổ tay
Cách thực hiện:
- Đặt úp bàn tay lên bàn, áp hoàn toàn lòng bàn tay, ngón tay xuống mặt bàn.
- Giữ nguyên vị trí, chỉ dùng lực cổ tay để xoay ngửa bàn tay hết cỡ sao cho mu bàn tay áp xuống mặt bàn.
- Giữ lại tư thế khoảng 5 giây. Xoay lòng bàn tay về tư thế úp. Lặp lại 10 lần.
Cách thực hiện xoay cổ tay.
Bài tập 4: Uốn cong và duỗi cổ tay
Cách thực hiện:
- Đặt úp bàn tay xuống bàn hoặc một mặt phẳng.
- Từ từ nâng các ngón tay hướng lên trần nhà và uốn cong cổ tay về phía trước, sau đó duỗi thẳng ra.
- Lặp lại 10 lần cho mỗi tay.
Động tác uốn cong và duỗi cổ tay.
2.2. Bài tập cho cơ chân
Tác dụng: Giúp tăng trương lực cơ chân, giảm co cơ, cứng các khớp ở chân, giữ thăng bằng khi đứng.
Động tác giữ thăng bằng
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, giữ cân bằng cơ thể.
- Bàn chân phải giữ nguyên, giơ chân trái về phía trước hoặc áp vào má trong đùi bên phải, dang hai tay sang hai bên, siết chặt cơ bụng.
- Giữ trong 15 giây, trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện tương tự với bên còn lại.
Đứng thăng bằng một chân giúp tăng cường cơ chân.
Duỗi và co cơ chân
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế và duỗi thẳng chân ra trước.
- Kéo ngón chân về phía cơ thể trong 5 giây, sau đó thả lỏng.
- Lặp lại 10 lần cho mỗi chân.
Cách thực hiện duỗi và co cơ chân.
Kéo dãn cổ chân
Cách thực hiện:
- Một tay người nhà giữ cẳng chân, một tay giữ bàn chân và gót chân.
- Sau đó, bàn chân bệnh nhân dựa vào cẳng tay người nhà, người nhà kéo gót chân và đẩy mũi bàn chân trong khoảng 30 giây, thực hiện động tác này trong 15 lần.
Ngồi dậy
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, hai đầu gối cong và hai bàn chân đặt phẳng trên sàn.
- Hai tay để sau đầu hoặc khoanh trước ngực.
- Dùng cơ bụng để ngồi dậy, sau đó từ từ hạ xuống. Lặp lại 10 lần.
Bài tập ngồi dậy từ tư thế nằm tăng cường cơ chân, cơ bụng.
2.3. Bài tập cơ vùng đầu cổ
- Gập và duỗi cổ
Cách thực hiện:
- Từ từ gập cổ, cúi về phía trước, cằm chạm hõm ức, sau đó đưa cổ trở về vị trí trung tính rồi ngửa ra sau.
- Lặp lại 10 lần. Giúp giãn cơ cổ thư giãn tinh thần.
- Tập nuốt: Người bệnh được hướng dẫn nuốt nước bọt và đẩy mạnh lưỡi vào vòm miệng cứng.
- Nâng cao thanh quản: Người bệnh được yêu cầu nói giọng có âm độ cao trong vài giây. Điều này giúp duy trì thanh quản ở vị trí cao.
- Tập động tác Masako: Người bệnh đưa lưỡi tiến về phía trước giữa hai hàm răng, giữ nguyên lưỡi ở vị trí đó và nuốt. Bài tập này giúp tăng sức mạnh của thành sau họng trong quá trình nuốt.
- Tập lắc đầu, tập nâng đầu: Để người bệnh nằm thư giãn ở tư thế ngửa, yêu cầu người bệnh ngẩng đầu lên để nhìn vào các ngón chân tạo điều kiện mở cơ thắt thanh quản trên, thông qua tăng cường đưa phần trên của thanh quản và xương móng ra trước.
Bài tập nâng đầu nhìn ngón chân tăng cường cơ cổ.
2.4. Bài tập hít thở sâu
Tác dụng: Giúp thư giãn tinh thần, ngủ ngon dễ thở.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế hoặc sàn nhà, thẳng lưng và vai. Sau đó đặt tay lên đầu gối và chân ở tư thế ngồi hoa sen.
- Mắt nhắm lại hít thở bình thường trong một phút để thư giãn toàn bộ khuôn mặt;
- Thở ra tầm 4 - 5 giây đẩy hết khí ra bên ngoài hóp bụng vào tới xương sống. Hít vào thật chậm. Giữ đúng nhịp điệu thời gian, có thể tập trong vòng 3 đến 5 phút.
Ngoài ra, người mắc Hội chứng sau bại liệt cũng có thể tham gia các hoạt động đi bộ, đạp xe tại chỗ, chơi bóng bàn giúp thư giãn tinh thần, lưu thông khí huyết, mạnh cơ tay chân, giảm co cơ cứng khớp, ngủ ngon hơn.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng sau bại liệt
Hoạt động thể chất giúp người mắc Hội chứng sau bại liệt quản lý triệu chứng, nhưng cần tránh thực hiện các bài tập lạm dụng cơ bắp, khớp xương và tuyệt đối không tập thể dục đến mức đau đớn hay mệt mỏi.
- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập luyện vào buổi sáng sau khi thức dậy lúc cơ thể tràn đầy năng lượng. Tránh tập luyện khi quá đói, quá no, đêm khuya.
- Cách tập không gây hại sức khỏe
- Nên khởi động kỹ trước khi tập và thả lỏng sau khi tập, chọn bài tập phù hợp với cơ thể, phối hợp nhiều bài tập.
- Uống đủ nước trong khi tập luyện và duy trì ngủ đủ giấc mỗi ngày. Người bệnh nên dừng tập khi thấy mệt mỏi, trường hợp đau bụng, hoa mắt, chóng mặt nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Khi bệnh cấp tính khó thở, đau nhức cơ, mệt mỏi nhiều không nên tập luyện, khi bệnh điều trị ổn định mới tập. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ nếu cần thiết.
- Tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ chuyên ngành.
Mời bạn xem tiếp video:
Sốt cao liên tục 2 ngày bệnh nhi 10 tháng tuổi mắc bệnh liệt mềm cấp | SKĐS