Bài tập cho người mắc Hội chứng Mittelschmerz

10-04-2025 09:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Mittelschmerz là hiện tượng đau bụng giữa chu kỳ kinh nguyệt, thường xảy ra vào thời điểm rụng trứng - khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ 28 ngày. Cơn đau thường khu trú ở một bên bụng dưới, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, đôi khi lên đến 1 - 2 ngày...

Mức độ đau có thể nhẹ âm ỉ hoặc dữ dội, đôi khi kèm theo ra ít máu hoặc dịch âm đạo. Nguyên nhân chủ yếu là do nang trứng vỡ để giải phóng trứng, gây kích thích màng bụng và các mô xung quanh.

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Mittelschmerz

Hội chứng Mittelschmerz lành tính, không gây nguy hiểm và thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng, kéo dài hoặc kèm theo sốt, buồn nôn cần loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm ruột thừa, u nang buồng trứng xoắn hoặc thai ngoài tử cung. Ngoài ra, việc theo dõi và ghi nhận thời điểm đau có thể giúp phụ nữ nhận biết thời kỳ rụng trứng, hỗ trợ trong việc lên kế hoạch mang thai hoặc tránh thai tự nhiên.

Tập luyện thể dục đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của Hội chứng Mittelschmerz. Mặc dù Mittelschmerz là hiện tượng sinh lý bình thường và thường không cần can thiệp y tế, nhưng cơn đau vẫn có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Trong nhiều trường hợp, hoạt động thể chất vừa phải giúp làm dịu cơn đau, cải thiện tuần hoàn máu vùng chậu và giảm căng cơ bụng dưới. Hoạt động thể chất giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vùng chậu, từ đó giảm tình trạng sung huyết và co thắt - nguyên nhân gây đau khi rụng trứng. Máu lưu thông tốt cũng hỗ trợ quá trình lành tự nhiên của cơ thể, giúp cơn đau kết thúc nhanh hơn.

Bên cạnh đó, việc tập luyện đều đặn giúp cơ thể sản sinh endorphin - chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giảm đau tự nhiên. Endorphin còn giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và làm dịu cảm giác khó chịu trong giai đoạn rụng trứng.

Ngoài ra, tập luyện thể dục còn giúp điều hòa nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen và progesterone, từ đó góp phần làm ổn định chu kỳ kinh nguyệt và giảm tính bất thường của quá trình rụng trứng. Một số bài tập yoga hoặc pilates còn có tác dụng kéo giãn cơ bụng dưới, làm giảm co thắt và giúp người tập thư giãn cơ thể, đặc biệt hữu ích với những người bị đau nhẹ đến trung bình.

Chính vì thế, việc duy trì thói quen vận động giúp người bệnh nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện khả năng chịu đựng của cơ thể đối với các cơn đau sinh lý và góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau trong thời gian rụng trứng.

2.Các bài tập tốt cho người mắc Hội chứng Mittelschmerz

2.1.Bài tập đứng tấn

- Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng hai chân rộng bằng hông; hai tay đưa thẳng ra phía trước.
  • Từ từ hạ người thấp xuống sao cho hai đùi song song với mặt đất, giữ lưng thẳng, hai đầu gối không vượt quá hai mũi chân.
  • Giữ nguyên tư thế này 1-2 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác khoảng 10-12 lần.

- Tác dụng: Bài tập này giúp kích thích tuần hoàn máu ở hông, mông và bụng dưới - khu vực liên quan trực tiếp đến vùng đau khi rụng trứng; giúp giảm ứ trệ tuần hoàn, từ đó giảm cảm giác đau và nặng bụng; đồng thời hỗ trợ thư giãn nhóm cơ vùng hông - đùi - bụng dưới, làm dịu tình trạng căng cơ quanh buồng trứng có thể xảy ra trong quá trình rụng trứng.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Mittelschmerz- Ảnh 2.

Bài tập đứng tấn kích thích tuần hoàn máu ở hông (ảnh minh họa).

2.2. Tư thế con bò - con mèo

- Cách thực hiện:

  • Chống đỡ cơ thể bằng hai tay và hai đầu gối.
  • Ưỡn ngực xuống hết cỡ và hít vào, mặt hướng lên trên.
  • Từ từ thở ra và cong lưng lên trên, mặt cúi xuống, lúc này bạn sẽ cảm nhận được sự mở ra của hai bả vai.
  • Thực hiện động tác lặp lại 5-10 lần.

- Tác dụng: Động tác cong lưng và kéo giãn nhẹ nhàng trong tư thế con bò, con mèo giúp làm mềm và thư giãn các cơ vùng bụng dưới, nơi thường bị co cứng trong giai đoạn rụng trứng. Ngoài ra, tư thế này còn hỗ trợ giải phóng áp lực tích tụ ở vùng chậu và xương cùng, giúp làm dịu cảm giác đau âm ỉ hoặc nhói ở một bên bụng; đồng thời giúp giảm cảm giác cứng cột sống và hạn chế tình trạng đau lan xuống vùng thắt lưng - một biểu hiện phụ có thể gặp ở Hội chứng Mittelschmerz.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Mittelschmerz- Ảnh 3.

Tư thế con bò - con mèo giúp thư giãn các cơ vùng bụng dưới (ảnh minh họa).

2.3. Tư thế tam giác

- Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng, mở rộng hai chân cách nhau khoảng 3-4 bàn chân.
  • Điều chỉnh cho chân phải hướng ra bên ngoài một góc 90 độ, chân trái hướng theo chân phải một góc nhỏ khoảng 15 độ. Trong quá trình thực hiện cần đảm bảo toàn bộ bàn chân đặt xuống sàn. Toàn bộ trọng lượng cơ thể đứng trên hai bàn chân.
  • Uốn người qua phía bên phải, tay phải hạ xuống chạm sàn, đảm bảo phần cổ tay luôn thẳng.
  • Tay trái nâng lên tạo với tay phải một đường thẳng đứng.
  • Tùy khả năng có thể đặt tay phải lên chân hoặc chạm xuống sàn, đảm bảo hông trái luôn được kéo giãn, mắt hướng theo tay trái.
  • Hít sâu và thu mình về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác tương tự với bên còn lại.
  • Thực hiện bài tập khoảng 10 - 15 lần.

- Tác dụng: Động tác kéo dài thân người sang bên giúp mở rộng và giãn cơ vùng bụng dưới - nơi thường bị co thắt trong giai đoạn rụng trứng. Ngoài ra, tư thế này còn giảm cảm giác căng tức và đầy bụng, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm chướng bụng - một triệu chứng đi kèm phổ biến ở Hội chứng Mittelschmerz.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Mittelschmerz- Ảnh 4.

Tư thế tam giác giúp mở rộng và giãn cơ vùng bụng dưới.

2.4. Massage vùng bụng

- Cách thực hiện:

  • Có thể nằm xuống hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất.
  • Xoa nóng hai bàn tay với nhau rồi đặt lên bụng bắt đầu xoa bóp theo chiều kim đồng hồ.
  • Dùng lực tay vừa phải, tránh làm tổn thương các mô mềm.
  • Massage đều tay trong vòng 10 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Tác dụng: Massage nhẹ nhàng giúp làm mềm các cơ vùng bụng, giảm co thắt quanh buồng trứng - nguyên nhân chính gây đau khi rụng trứng. Bên cạnh đó, tác động cơ học từ massage giúp thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn đến buồng trứng và tử cung, hỗ trợ giảm tình trạng ứ trệ gây đau âm ỉ.

3. Lưu ý khi tập luyện

- Tránh các bài tập cường độ cao, vận động mạnh vùng bụng (như plank, nhảy), vì có thể làm tăng áp lực lên buồng trứng đang rụng trứng.

- Sáng sớm hoặc chiều muộn là hai thời điểm lý tưởng để tập thể dục, khi cơ thể thư giãn và nhiệt độ môi trường ổn định; tránh tập ngay sau ăn no hoặc khi đang quá đói để không gây áp lực lên vùng bụng.

- Khởi động nhẹ nhàng 5 - 10 phút để làm nóng cơ thể và tăng tuần hoàn trước khi vào tư thế chính.

- Nếu cảm thấy đau tăng, tức bụng hoặc chóng mặt, nên dừng lại ngay.

- Giữ tư thế trong thời gian ngắn, không kéo giãn quá mức, đặc biệt là vùng bụng và hông.

- Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng trong từng chuyển động giúp làm dịu hệ thần kinh và giảm cảm giác đau.

- Mặc trang phục thoải mái để dễ dàng thực hiện các động tác.

- Chọn không gian yên tĩnh, sạch sẽ và tập trung khi luyện tập.

Đơn giản mà hiệu quả: Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện tình trạng bệnh "Hay quên" | SKĐS


BSNT. Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn