Bài tập cho người lỵ amip đường ruột

16-09-2024 09:55 | Tra cứu bệnh

Mặc dù tập thể dục không loại bỏ hoàn toàn bệnh lỵ amip đường ruột, nhưng sẽ giúp giảm triệu chứng ở hầu hết mọi người. Một chế độ ăn uống và tập luyện tốt sẽ góp phần hỗ trợ bệnh nhân bị lỵ amip đường ruột dần phục hồi sức khỏe.

Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừaLỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừaLỵ amip là tình trạng nhiễm trùng đường ruột xảy ra do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Bệnh có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau bụng cấp, nhiều trường hợp còn có triệu chứng không rõ ràng.

1. Vai trò của tập luyện đối với người lỵ amip đường ruột

Bệnh lỵ amip đường ruột xảy ra khi các amip gây bệnh xâm nhập niêm mạc đại tràng, tạo các vết loét chảy máu, đồng thời kích thích đám rối thần kinh cảm giác và bài tiết chất nhầy gây co thắt và tăng nhu động ruột.

Trong trường hợp vết loét ít, bệnh chỉ gây tiêu chảy, các vết loét xơ hóa nằm cạnh nhau có thể gây biến dạng đại tràng dẫn đến viêm đại tràng mạn.

  • Bệnh lỵ amip đường ruột có các thể sau:

Thể cấp tính:

Với thể này sẽ có các triệu chứng:

  • Có thể không sốt hoặc sốt nhẹ;
  • Toàn thân ít thay đổi;
  • Có thể bị tiêu chảy vài lần trong ngày;
  • Đau bụng mơ hồ.
Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 2.

Đi bộ thường xuyên có thể cải thiện trướng bụng, đầy hơi, giúp đại tiện dễ dàng hơn.

Thể tối cấp (ác tính):

Ở thể này, tổn thương hoại tử lan khắp đại tràng. Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng với các biểu hiện:

  • Sốt cao có khi hạ thân nhiệt;
  • Cơ thể suy nhược;
  • Lơ mơ;
  • Mất nước;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Nôn nhiều;
  • Đại tiện không tự chủ;
  • Đi cầu ra chất nước nhầy thối lẫn máu;
  • Gan có thể to và đau;
  • Bụng trướng…

Bệnh lỵ amip mạn tính:

Ở thể mạn tính, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sau:

  • Đau bụng lâm râm liên tục và rối loạn tiêu hóa;
  • Tiêu chảy xen kẽ táo bón;
  • Đầy hơi;
  • Ăn không tiêu;
  • Suy nhược;
  • Biếng ăn;
  • Sụt cân.

Để điều trị bệnh lỵ amip đường ruột, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc thì các bài tập thể dục giúp người bệnh ăn uống ngon miệng, hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh như:

  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Đầy hơi;
  • Trướng bụng;
  • Cải thiện sức khỏe đường ruột.

2. Các bài tập hỗ trợ người bệnh lỵ amip đường ruột

2.1. Các bài tập giúp giảm đầy hơi, trướng bụng

Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 3.

Hít thở giả bằng lồng ngực giúp đẩy lùi các triệu chứng đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch.

Bài tập hít thở giả bằng lồng ngực

  • Ngồi xếp bằng, hai tay đặt trên đầu gối, hít vào bằng mũi và thở ra một hơi dài.
  • Sau đó, không hít vào mà ấn nhẹ tay lên đầu gối, tưởng tượng xương sườn mở ra và rốn hóp vào, giữ nguyên tư thế vài giây rồi thả lỏng ra.
  • Thực hiện 15 lần.

Nhờ hít thở bằng lồng ngực, cơ thể có cơ hội tự điều chỉnh, giảm bớt căng thẳng, vì thế mà hệ tiêu hóa lấy lại được cân bằng, các triệu chứng đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch khó tiêu sẽ dần được đẩy lùi.

Tư thế nửa cây cầu giúp giảm khó tiêu

  • Nằm ngửa, hai chân co, gót sát mông, hai bàn chân rộng bằng hông.
  • Nâng phần hông và lưng lên khỏi thảm. Khi đã vào tư thế, ấn rốn vào cột sống càng nhiều càng tốt và giữ nguyên trong 5 nhịp thở rồi thả lỏng ra.
  • Thực hiện 3 lần.

Tư thế này kích hoạt hệ tiêu hóa, làm giảm chứng ậm ạch, khó tiêu.

Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 4.

Tư thế nửa con thuyền giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.

Tư thế nửa con thuyền

  • Ngồi trên thảm, co đầu gối về phía ngực và nhấc chân lên khỏi mặt đất.
  • Bắp chân song song với mặt sàn, cánh tay duỗi thẳng.
  • Giữ nguyên tư thế này trong 5 nhịp thở rồi nghỉ.

Tư thế này làm săn chắc các cơ bụng, đồng thời tác động tới các cơ quan trong ổ bụng, qua đó tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.


Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 5.

Tư thế cái ghế vặn giúp giảm các chứng đầy hơi, trướng bụng.

Tư thế cái ghế vặn

  • Đứng, hai chân chụm lại, gập chân và dồn trọng lượng cơ thể về phía sau.
  • Đặt khuỷu tay trái ở bên ngoài đầu gối phải, đưa hai bàn tay cầu nguyện vào giữa ngực.
  • Giữ tư thế trong 5 nhịp thở trước khi đổi bên.

Tư thế này cũng giống như như tư thế lunge xoắn có tác dụng tới hoạt động của các cơ quan trong ổ bụng, nhờ đó giảm các chứng đầy hơi, trướng bụng.

Tư thế nằm vặn mình

  • Nằm trên thảm, hai đầu gối chụm vào nhau, đưa về phía ngực và dang rộng hai tay thành hình chữ thập.
  • Hạ đầu gối sang bên phải và nhìn sang bên trái.
  • Giữ nguyên tư thế này trong 5 nhịp thở rồi đổi bên.

Tư thế này làm thư giãn các cơ và cơ quan ở vùng bụng, giảm các triệu chứng khó chịu thường xảy ra do đi ngoài nhiều lần.

Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 6.

Các tư thế yoga giúp giảm đầy hơi, trướng bụng.

Yoga giúp giảm đầy hơi, trướng bụng

Các tư thế yoga tác động đến các cơ bụng, từ đó có thể giải phóng khí thừa ở trong hệ tiêu hóa ra ngoài. Các tư thế ngồi xổm hoặc nằm thẳng giúp thư giãn cơ ruột và giải phóng lượng khí thừa từ quá trình chuyển hóa thức ăn, giúp giảm hội chứng khó tiêu.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tập yoga ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.

Massage bụng giúp giảm chứng đầy hơi

Việc massage bụng theo đường đi của ruột già có thể giúp thư giãn và làm dịu cơ ruột, đồng thời giúp khí và phân di chuyển dễ dàng ra khỏi cơ thể.

2.2. Một số bài tập giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa

Đi bộ

Giúp tăng thêm co bóp cho ruột, cho phép tiêu hóa thức ăn thông qua các cơ quan tiêu hóa. Việc đi bộ thường xuyên có thể cải thiện trướng bụng, đầy hơi, đại tiện dễ dàng hơn.

Đạp xe

Khoảng 10 – 15 phút giúp thức ăn lưu thông qua ruột dễ dàng hơn và giảm mất nước qua phân, hỗ trợ hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề về tiêu hóa.

Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 7.

Đạp xe giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề về tiêu hóa.

Gập bụng

Bài tập này tập trung vào các cơ bụng để giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hiệu quả trong việc giảm khí gas trong ống tiêu hóa.

Bên cạnh đó, bài tập này cũng có hiệu quả trong việc cải thiện đường thoát của phân. Bạn nên tập gập bụng hai lần mỗi ngày, mỗi lần 10 – 12 động tác.

Hít thở sâu

Hít thở sâu không chỉ tốt cho thanh quản và cổ họng mà còn có thể giúp ổn định quá trình tiêu hóa thức ăn.

2.3. Bốn động tác giúp ăn uống ngon miệng, phục hồi sức khỏe nhanh hơn

Động tác 1

Nằm sấp, hai chân duỗi, hai tay chống sàn, cùi trỏ ép sát hai bên lườn.

Dùng lực ở tay, đẩy thân trên lên cao hết biên độ sao cho căng cơ lưng, giữ yên tư thế 3-5 giây, rồi trở về vị trí ban đầu.

Động tác 2

Nằm sấp, đưa hai tay ra sau nắm lấy 2 cẳng chân, kéo căng, thư giãn trong 5 giây. Hạ tay và chân.

Động tác 3

  • Quỳ trên hai gối, mũi bàn chân thẳng.
  • Hai tay đưa cao qua đầu, mắt nhìn hướng tay.
  • Lần lượt hạ tay trái sâu, chạm gót chân trái.
  • Tiếp tục hạ tay phải chạm gót chân phải.
  • Trượt cả hai tay vào và nắm lấy cổ chân.
  • Gữ cơ thể cố định trong 5 giây, rồi trở về tư thế ban đầu.

Động tác 4

  • Đứng thẳng.
  • Đưa hai tay lên cao.
  • Lần lượt gập chân trái đồng thời hạ tay trái xuống nắm lấy mũi bàn chân.
  • Kéo căng chân trong 5 giây.
  • Trở về. Đổi bên.
Bài tập cho người lỵ amip đường ruột- Ảnh 9.

4 động tác giúp người bệnh lỵ amip đường ruột ăn uống ngon miệng và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

3. Người bệnh lỵ amip đường ruột cần lưu ý gì khi tập luyện?

  • Trước khi thực hiện bài tập, bạn nên khởi động kỹ các khớp tay và chân.
  • Không ăn no bởi bài tập tác động chủ yếu lên bụng. Ăn no sẽ gây khó khăn cho việc tập luyện.
  • Ngoài ra, nên uống đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục để tránh mất nước.

Bệnh lỵ amip đường ruột có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Do vậy, khi gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Mất nhiều nước;
  • Lơ mơ;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Nôn nhiều;
  • Đại tiện không tự chủ;
  • Đi cầu ra chất nước nhầy thối lẫn máu;... cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Chế độ ăn cho người bệnh lỵ amip đường ruộtChế độ ăn cho người bệnh lỵ amip đường ruột

SKĐS - Để chữa lỵ amip đường ruột, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục.


BS. Nguyễn Tuấn Hằng
Bác sĩ
Ý kiến của bạn