Bên cạnh chế độ ăn uống và điều trị bằng thuốc, tập luyện đúng cách cũng là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục. Vậy người bệnh loét thực quản nên tập luyện như thế nào để không làm bệnh nặng thêm.
- 1. Vai trò của tập luyện đối với người loét thực quản
- 2. Các bài tập cho người loét thực quản
- 2.1. Đi bộ nhẹ nhàng
- 2.2. Hít thở bụng (hít thở cơ hoành)
- 2.3. Tư thế yoga nhẹ nhàng
- 2.4. Đạp xe chậm hoặc yoga giãn cơ
- 3. Lưu ý khi tập luyện
- 3.1. Thời điểm tập tốt nhất trong ngày
- 3.2. Khi đang ốm hoặc bệnh nặng có nên tập?
- 3.3. Những điều cần tránh khi tập
1. Vai trò của tập luyện đối với người loét thực quản
Bên cạnh thuốc điều trị thì vai trò của tập luyện đối với người loét thực quản cũng rất quan trọng giúp tình trạng bệnh cải thiện nhanh hơn và tránh tái phát.
Mục tiêu bài tập giúp cho người bệnh:
- Cải thiện nhu động thực quản và tiêu hóa: Vận động nhẹ nhàng giúp kích thích nhu động ruột và dạ dày, tăng cường lưu thông máu đến hệ tiêu hóa, từ đó cải thiện chức năng tiêu hóa, làm giảm tình trạng trào ngược - nguyên nhân chủ yếu gây loét thực quản.

Hình ảnh viêm loét thực quản.
- Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Béo phì và thừa cân gây tăng áp lực ổ bụng, thúc đẩy acid dạ dày trào ngược lên thực quản. Tập thể dục điều độ giúp duy trì cân nặng lý tưởng, từ đó giảm nguy cơ tái phát và tiến triển của vết loét.
- Giảm stress - yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn: Căng thẳng thần kinh làm tăng tiết acid dạ dày và làm giảm khả năng tự phục hồi niêm mạc. Tập luyện giúp giải tỏa căng thẳng, điều hòa nhịp tim, cải thiện giấc ngủ, qua đó hỗ trợ quá trình lành loét.
- Tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng: Khi hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, người bệnh ăn ngon miệng hơn, ít đầy trướng, từ đó hấp thu tốt dưỡng chất cần thiết cho tái tạo lớp niêm mạc bị tổn thương.
2. Các bài tập cho người loét thực quản
Việc lựa chọn bài tập phù hợp cần dựa vào tình trạng bệnh lý, thể lực cá nhân và tuân thủ nguyên tắc: Nhẹ nhàng - nhịp nhàng - đều đặn. Dưới đây là một số bài tập an toàn và hiệu quả cho người đang bị loét thực quản:
2.1. Đi bộ nhẹ nhàng
- Thời lượng: 20 - 30 phút mỗi ngày.
- Tác dụng: Giúp cải thiện tiêu hóa, giảm trào ngược sau ăn, không gây áp lực lên vùng bụng.
Lưu ý: Nên đi bộ sau bữa ăn tối thiểu 1 giờ để tránh làm tăng nguy cơ trào ngược.
2.2. Hít thở bụng (hít thở cơ hoành)
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa hoặc ngồi thẳng lưng.
+ Đặt tay lên bụng, hít sâu bằng mũi, cảm nhận bụng phồng lên.
+ Thở ra chậm qua miệng, bụng xẹp xuống.
+ Tập 10 - 15 phút/ngày, có thể chia thành 2 - 3 lần.
- Tác dụng: Làm dịu thần kinh, giảm co thắt dạ dày, cải thiện chức năng cơ thắt thực quản dưới.

Tư thế quả núi phù hợp với người loét thực quản.
2.3. Tư thế yoga nhẹ nhàng
- Tư thế quả núi (Tadasana):
+ Đứng thẳng, các ngón chân chụm lại, gót chân tách nhẹ. Người tập giữ vai thả lỏng, tay ôm sát người, hít thật sâu, từ từ nâng tay cao qua đầu và đan các ngón tay lại với nhau giống như một ngọn núi.
+ Đẩy nhẹ gót chân để đứng trên các mũi chân (giữ cơ thể trên một đường thẳng từ bàn tay đến chân), ưỡn nhẹ người, mặt hơi nâng lên nhìn thẳng về phía trước; dồn trọng lượng cơ thể lên các đầu ngón chân, cố gắng duỗi căng hết sức có thể vai, ngực, cánh tay.
+ Giữ nguyên tư thế trái núi trong khoảng 20 giây là bạn có thể thở ra rồi nhẹ nhàng đưa tay, đưa chân xuống vị trí ban đầu.

Tư thế kim cương giúp giảm đầy hơi và trào ngược.
- Tư thế kim cương (Vajrasana):
+ Quỳ trên thảm yoga, đặt hai đầu gối sát nhau, mu bàn chân duỗi thẳng và áp sát xuống sàn, thả lỏng vai và hít thở sâu.
+ Từ từ hạ thấp người xuống, đặt mông ngồi lên gót chân (đảm bảo các ngón chân cái chạm vào nhau và gót chân hướng ra ngoài), điều chỉnh sao cho bạn cảm thấy thoải mái ở mắt cá chân và đầu gối. Nếu cần, bạn có thể đặt một tấm chăn mỏng hoặc gối nhỏ dưới gót chân để giảm áp lực.
+ Đặt hai lòng bàn tay úp lên đùi, ngửa lòng bàn tay lên hoặc chắp tay trước ngực (chọn vị trí tay thoải mái nhất), giữ lưng thẳng, vai thả lỏng, cằm song song với mặt đất. Mắt nhìn thẳng về phía trước hoặc nhắm mắt lại.
+ Hít thở sâu và đều, cảm nhận sự kéo giãn ở mắt cá chân, đầu gối và đùi. Khi hít vào, cảm nhận cột sống được kéo dài và nâng lên. Khi thở ra, thả lỏng cơ thể và thư giãn sâu hơn vào tư thế.
+ Duy trì tư thế trong 5-10 phút hoặc lâu hơn nếu bạn cảm thấy thoải mái, tập trung vào hơi thở và cảm nhận sự tĩnh lặng trong tâm trí. Nếu bạn cảm thấy tê chân, hãy đứng dậy và đi lại một chút để khôi phục lưu thông máu. Từ từ nâng người lên, trở về tư thế quỳ gối, thả lỏng cơ thể và hít thở sâu.
Tác dụng: Tư thế kim cương đặc biệt tốt sau bữa ăn, giúp giảm đầy hơi và trào ngược.

Người loét thực quản nên đạp xe chậm.
2.4. Đạp xe chậm hoặc yoga giãn cơ
- Đạp xe ở cường độ thấp, tối đa 30 phút/lần, không gập bụng quá mức.
- Yoga kéo giãn cơ vùng ngực, vai, cổ giúp thư giãn thần kinh và hỗ trợ điều hòa hô hấp như tư thế em bé, tư thế rắn hổ mang…
Tư thế em bé:
+ Bắt đầu ở tư thế quỳ gối, ngồi xuống sao cho mông chạm vào gót chân.
+ Đưa hai cánh tay ra phía trước, hạ người xuống sát thảm và dồn trọng lượng cơ thể vào mông.
+ Giữ nguyên tư thế này và duy trì hơi thở đều đặn trong vòng 30 giây đến 1 phút.
Tư thế rắn hổ mang:
+ Nằm sấp với hai tay đặt dưới vai, chân duỗi thẳng ra phía sau.
+ Từ từ nâng người lên bằng cách dùng lực tay để đẩy ngực ra phía trước, giữ phần hông và chân không rời khỏi sàn.
+ Ngẩng đầu lên cao và duy trì hơi thở đều đặn, giữ vị trí này khoảng 15-30 giây.
3. Lưu ý khi tập luyện
3.1. Thời điểm tập tốt nhất trong ngày
+ Tập vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là lý tưởng nhất.
+ Không nên tập ngay sau khi ăn, đặc biệt là các bài vận động mạnh hoặc tư thế cúi gập người.
+ Tập sau bữa ăn tối thiểu 1 - 2 giờ để tránh tăng áp lực ổ bụng gây trào ngược.
3.2. Khi đang ốm hoặc bệnh nặng có nên tập?
+ Nếu đang sốt, mệt mỏi, hoặc đau vùng ngực nhiều, nên tạm ngưng tập luyện.
+ Ưu tiên nghỉ ngơi, ăn uống đúng cách và theo dõi tiến triển của bệnh.
+ Khi phục hồi, nên quay lại tập luyện nhẹ nhàng, từng bước, không vội vàng.
3.3. Những điều cần tránh khi tập
- Không tập bài vận động mạnh vùng bụng như gập bụng, nâng tạ nặng, cúi gập sâu.
- Tránh các động tác làm tăng áp lực trong ổ bụng hoặc ép vào vùng ngực - bụng.
- Không nín thở khi tập vì có thể làm tăng áp lực nội tạng và gây trào ngược.
- Luôn mặc đồ rộng, thoáng khí và uống nước ấm, không dùng nước lạnh khi tập.
- Nếu xuất hiện đau ngực, tức bụng, buồn nôn hoặc chóng mặt khi tập, cần dừng lại và theo dõi.
Loét thực quản là một tình trạng không thể chủ quan, đòi hỏi phải điều trị toàn diện từ thuốc men, chế độ ăn cho đến vận động hợp lý. Tập luyện đúng cách không chỉ giúp cải thiện tiêu hóa mà còn góp phần làm lành tổn thương, giảm tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn đang bị loét thực quản, hãy bắt đầu với những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng, kiên trì và lắng nghe cơ thể mình. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào để đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng bệnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách đơn giản để phân biệt loét dạ dày và loét hành tá tràng | SKĐS #shorts