Bài tập cho người liệt ruột

24-02-2025 15:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa liệt ruột. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn bài tập phù hợp để tránh gây áp lực quá mức lên hệ tiêu hóa.

1. Vai trò của tập luyện đối với người liệt ruột

Liệt ruột là tình trạng rối loạn nhu động ruột, khiến ruột không thể co bóp để đẩy thức ăn và dịch tiêu hóa xuống dưới. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm phẫu thuật vùng bụng, nhiễm trùng, mất cân bằng điện giải, tổn thương thần kinh hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc như opioid...

Triệu chứng chính của liệt ruột bao gồm chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và táo bón hoặc không thể đi ngoài. Trong các trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến tắc ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Chẩn đoán liệt ruột thường dựa trên khám lâm sàng, chụp X-quang bụng, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định mức độ tổn thương. Phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm nhịn ăn tạm thời, truyền dịch, điều chỉnh rối loạn điện giải và sử dụng thuốc kích thích nhu động ruột nếu cần, trong một số trường hợp nặng, có thể phải can thiệp ngoại khoa.

Bên cạnh đó, tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh liệt ruột. Khi vận động, các cơ trơn trong đường ruột được kích thích, giúp cải thiện nhu động ruột và giảm nguy cơ ứ đọng thức ăn, khí và dịch tiêu hóa. Điều này giúp người bệnh giảm các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Các bài tập nhẹ nhàng hoặc xoa bóp bụng có thể giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tăng lưu thông máu đến đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, các bài tập còn giúp người bệnh giảm căng thẳng, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của ruột. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn bài tập phù hợp để tránh gây áp lực quá mức lên hệ tiêu hóa.

2. Các bài tập cho người liệt ruột

2.1. Bài tập rắn hổ mang

- Cách thực hiện:

+ Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, bàn chân khép vào nhau, đặt hai bàn tay ngang tầm ngực.

+ Nâng phần trên cơ thể trong thì hít vào, mắt nhìn lên cao, đầu ngửa.

+ Đặt cơ thể xuống nhẹ nhàng trong thì thở ra.

+ Lặp lại động tác từ 3-5 lần.

- Tác dụng: Bài tập này giúp thư giãn dạ dày, thư giãn cơ vùng bụng, đồng thời khi nâng phần thân trên lên, áp lực nhẹ nhàng lên vùng bụng giúp kích thích hoạt động của ruột, hỗ trợ thức ăn và khí di chuyển tốt hơn trong đường tiêu hóa, góp phần cải thiện tình trạng ứ đọng thức ăn, giảm nguy cơ tắc ruột.

Bài tập cho người liệt ruột- Ảnh 1.

Bài tập rắn hổ mang kích thích hoạt động của ruột (ảnh minh họa)

2.2. Gập đầu gối vào bụng

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên thảm, duỗi thẳng hai chân và thả lỏng cơ thể.

+ Hít vào sâu, đồng thời co một hoặc cả hai đầu gối lên sát bụng.

+ Dùng hai tay ôm lấy đầu gối, giữ nguyên tư thế trong 10-15 giây, kết hợp thở sâu.

+ Thở ra từ từ, thả lỏng tay và duỗi chân về vị trí ban đầu.

+ Lặp lại động tác từ 5-10 lần.

- Tác dụng: Động tác gập đầu gối giúp tạo áp lực nhẹ lên vùng bụng, kích thích ruột co bóp tốt hơn; hỗ trợ quá trình đẩy thức ăn và khí thừa ra ngoài, giúp giảm cảm giác đầy hơi, khó chịu; đồng thời, khi thực hiện động tác này còn làm cho máu được lưu thông tốt hơn đến dạ dày, ruột và gan, do đó cải thiện chức năng tiêu hóa.

Bài tập cho người liệt ruột- Ảnh 2.

Gập đầu gối vào bụng giúp máu lưu thông tốt hơn đến dạ dày, ruột... (ảnh minh họa).

2.3. Xoa vùng bụng

- Cách thực hiện:

+ Trước tiên người bệnh uống khoảng 300-500ml nước, chờ 3-5 giây cho nước xuống dưới ruột.

+ Tiếp theo xác định điểm cách rốn khoảng 2-3 cm phía bên phải, sau đó đặt úp bàn tay tại điểm đã xác định.

+ Dùng hai bàn tay xoa theo chiều kim đồng hồ, làm liên tục khoảng 30 vòng, theo chiều nhu động ruột.

- Tác dụng: Động tác xoa vùng bụng giúp tăng cường lưu thông máu đến hệ tiêu hóa, kích thích ruột co bóp và di chuyển thức ăn dễ dàng hơn; giảm tình trạng ứ đọng phân, hỗ trợ phòng ngừa táo bón do liệt ruột. Đồng thời xoa bóp còn kích thích dây thần kinh phó giao cảm, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm căng thẳng thần kinh - một yếu tố làm trầm trọng hơn bệnh liệt ruột.

2.4. Day ấn huyệt trung quản

+ Vị trí huyệt: Nằm ở trên rốn 4 thốn (1 thốn bằng bề rộng của đốt khớp thứ 3 ngón tay cái), hoặc lấy trung điểm của mũi ức và rốn thì đó là huyệt.

+ Cách thực hiện: Người bệnh nằm ngửa hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi, sau đó dùng ngón tay cái để day bấm huyệt trung quản trong 1 phút.

+ Tác dụng: Khi day bấm huyệt trung quản sẽ làm tăng cường nhu động của dạ dày và ruột, kích thích tiết dịch, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu, từ đó điều trị tốt các chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, liệt ruột…

Bài tập cho người liệt ruột- Ảnh 4.

Day ấn huyệt trung quản giúp tăng cường nhu động của ruột, dạ dày.

2.5. Day ấn huyệt thiên khu

+ Vị trí: Từ rốn đo ngang ra 2 thốn thì đó là huyệt.

+ Cách thực hiện: Người bệnh nằm ngửa hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi, sau đó dùng ngón tay cái hoặc hai ngón giữa để day ấn đồng thời cả hai huyệt thiên khu ở hai bên rốn trong vòng 1 phút.

+ Tác dụng: Theo Y học cổ truyền, day bấm huyệt thiên khu có tác dụng điều hòa vị tràng, lý khí tiêu trệ, từ đó giúp phòng và hỗ trợ điều trị các chứng bệnh liệt ruột, đau bụng vùng quanh rốn, đầy bụng, sôi bụng, ăn không tiêu…

Bài tập cho người liệt ruột- Ảnh 5.

Day ấn huyệt thiên khu phòng và hỗ trợ điều trị liệt ruột.

2.6. Day ấn huyệt túc tam lý

+ Vị trí: Sờ dọc theo bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, khi đến gần khớp gối ngón tay của bạn bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ vị trí đó đo ra ngoài một khoát ngón tay là huyệt túc tam lý, khi ấn có cảm giác tê tức nặng lan xuống bàn chân (một khoát ngón tay bằng với chiều rộng của đốt ngón tay cuối cùng của ngón giữa).

+ Cách thực hiện: Người bệnh ở tư thế ngồi, dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa để day ấn huyệt túc tam lý trong 1 phút.

+ Tác dụng: Huyệt túc tam lý có công năng điều hòa Tỳ vị, kiện vận Tỳ dương, hóa thấp tiêu trệ, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, chuyên được dùng để phòng và chữa các bệnh lý thuộc đường tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Bài tập cho người liệt ruột- Ảnh 6.

Day ấn huyệt túc tam lý phòng và chữa các bệnh đường tiêu hóa.

3. Những lưu ý khi tập luyện

  • Người bệnh nên khởi động nhẹ nhàng trước khi tập, tránh các bài tập cường độ cao ngay từ đầu.
  • Buổi sáng và sau bữa ăn 1-2 giờ là thời điểm tập tốt nhất, giúp kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả.
  • Uống đủ nước nhưng không uống quá nhiều ngay trước khi tập vì mất nước có thể làm trầm trọng hơn tình trạng liệt ruột. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ngay trước khi tập có thể gây cảm giác đầy bụng, khó chịu.
  • Nếu trong quá trình tập có dấu hiệu đau bụng dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, nên dừng ngay và nghỉ ngơi.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh; hạn chế thực phẩm gây đầy hơi, táo bón (đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường, thực phẩm chế biến sẵn); tăng cường chất xơ, uống đủ nước để hỗ trợ nhu động ruột.
  • Nếu đang ốm nặng, sốt cao, đau bụng dữ dội, hoặc có biến chứng của liệt ruột: Không nên tập thể dục, cần nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? | SKĐS


BSNT. Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn