Hà Nội

Bài tập cho người hạ canxi máu

12-04-2024 08:08 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hạ canxi máu có thể gây nhiều hệ quả xấu với sức khỏe. Nếu bạn thực hiện hàng ngày một số bài tập không chỉ giúp thư giãn, cải thiện tinh thần mà còn giúp tránh được di chứng của bệnh...

Hạ canxi máu là tình trạng mức canxi trong máu thấp hơn mức trung bình, canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,4 mg/dL (2,1 mmoL/L) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi ion hóa dưới 4,2 mg/dL (1,05 mmoL/L).

Hạ canxi máu có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Chế độ ăn uống thiếu canxi
  • Suy tuyến cận giáp
  • Bệnh thận
  • Thiếu vitamin D
  • Các nguyên nhân khác: Viêm tụy cấp, thuốc …

Biểu hiện của hạ canxi máu

  • Hạ canxi máu nhẹ có thể không có triệu chứng hoặc gây co rút cơ.

1. Vai trò của tập luyện và massage với người bệnh hạ canxi máu

Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa hạ canxi máu. Việc tập luyện thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bao gồm:

  • Tăng cường hấp thu canxi: Hoạt động thể chất giúp tăng cường lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, từ đó giúp cơ thể hấp thu canxi từ thức ăn tốt hơn.
  • Giảm nguy cơ loãng xương: Hạ canxi máu là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến loãng xương. Tập luyện thường xuyên giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.
  • Cải thiện sức khỏe cơ bắp: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc co cơ và truyền tín hiệu thần kinh. Khi thiếu canxi, cơ bắp có thể yếu đi, dẫn đến mệt mỏi, chuột rút và co thắt cơ. Tập luyện giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện khả năng vận động và giảm nguy cơ té ngã.
  • Nâng cao sức khỏe tinh thần: Tập luyện giúp giải phóng endorphin, giảm căng thẳng và lo âu, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
z5335114879011_f1bfbbf7c2abae28d4eba9239eeac1b8

Tập luyện hàng ngày giúp người bệnh hạ canxi máu nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh

2.1 Tập thở

Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức khoảng 5-8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Việc kê gối ở mông làm cho trọng lượng của các cơ quan đè vào cơ hoành, do đó khi hít vào cơ hoành thở sẽ phải gắng sức hơn vì có trở ngại; đó là cách luyện cơ hoành.

Cách thực hiện:

  • Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4-6 giây (hít ngực bụng nở).
  • Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây (Giữ hơi hít thêm). Giơ luân phiên từng chân cao khoảng 20 cm để luyện cơ bụng rắn chắc, đồng thời tăng tác dụng xoa bóp nội tạng ở thời giữ hơi.
  • Thời 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kềm, không thúc. Thời gian 4-6 giây (thở không kềm thúc).
  • Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây (nghỉ nặng ấm thân).

Tập 2-3 lần/ngày, mỗi lần 20 hơi thở

2.2 Xoa đầu mặt

Tư thế: Ngồi hoa sen, hai tay để dưới cằm, đầu ngước lên.

Cách thực hiện: Xoa từ dưới cằm lên đỉnh đầu, đầu cúi xuống, tay tiếp tục xoa từ đỉnh đầu xoa xuống ót, sau tai, ra trước cổ, trở về tư thế ban đầu, tiếp tục làm 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.

xoa mặt

Tư thế chuẩn bị xoa đầu mặt.

2.3 Xoa chi trên

Tư thế: Ngồi thẳng chân hoặc thòng chân bên cạnh giường

Cách thực hiện: Đưa tay trái thẳng ra trước úp xuống, bàn tay phải đè lên bàn tay trái, vuốt từ bàn tay vào đến vai, đồng thời dang tay sang ngang. Ngửa tay trái lên, xoa từ trong ra ngoài (theo chiều thuận các kinh ở tay) đồng thời đưa tay trở ra trước, úp tay lại, trở lại từ đầu. Làm 10-20 lần. Thở tự nhiên.

2.4 Xoa chi dưới

Tư thế: Ngồi thòng chân hoặc duỗi chân

Cách thực hiện: Hơi co đầu gối trái, chân phải thẳng, hai bàn tay đặt trên đầu gối trái, xoa từ trên xuống phía trước và phía bên cẳng chân, rồi vòng tay ra phía sau và trong, xoa từ cổ chân lên đến mông 10-20 lần, đổi bên. Thở tự nhiên.

ngồi duỗi chân

Xoa chi dưới.

2.5 Ngồi hoa sen

Tư thế: Xếp bằng kép: Hai bàn chân bắt chéo để lên đùi, lòng bàn chân ngửa lên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn).

Cách thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động qua thân lại 2 – 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên trái, giữ nguyên như vậy rồi hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động qua thân lại 2 – 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên phải; trở lại tư thế ban đầu, nghỉ

Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 5 hơi thở.

2.6 Yoga

- Tư thế em bé (Balasana)

Cách thực hiện: Ngồi quỳ lên hai gót chân. Hai gót quay qua hai bên và hai ngón chân cái chạm vào nhau. Tách hai gối ra để tạo khoảng trống vừa với thân người.

Giơ hai tay lên cao rồi thở ra, gập người về phía trước, trán chạm sàn, thân nằm giữa hai gối và tay vươn dài phía trước. Căng giãn cột sống hết mức có thể và hít thở sâu ở tư thế này. Đầu óc hoàn toàn thư giãn. Từ từ nâng người lên trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 3-5 lần.

- Tư thế cái cây (Vrksasana)

Từ tư thế quả núi, co chân trái lên cao vừa đủ để cho lòng bàn chân áp vào đùi phải, phần gót chân đè nhẹ vào đùi. Mũi bàn chân hướng xuống đất. Đầu gối xoay ngang, không hướng ra trước.

Áp hai lòng bàn tay lại với nhau và đặt ra trước sát với ngực. Mắt tập trung nhìn vào một điểm phía trước. Lúc này đầu và lưng tạo thành một đường thẳng. Dồn khí xuống đan điền, trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ để giữ thăng bằng.

Nâng hai tay hướng lên cao thẳng hàng với đỉnh đầu, cánh tay thẳng áp vào sát bên tai, hai lòng bàn tay vẫn áp vào nhau. Điều hòa hô hấp và giữ yên tư thế đang đứng từ 10 giây đến 1 phút.

Trở về tư thế chuẩn bị, hít thở sâu và thả lỏng. Đổi chân trụ và lặp lại động tác. Thực hiện 3-5 lần.

tư thế cái cây

Tư thế cái cây.

- Các bài tập khác

Người bệnh hạ canxi máu cũng có thể tham gia các hoạt động thể chất khác như

  • Đi bộ: Đi bộ với tốc độ vừa phải 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện lưu thông máu và giúp cơ bắp vận động linh hoạt hơn
  • Bơi lội: Bơi lội 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện sức mạnh cơ bắp.
  • Tập tạ nhẹ: Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện mật độ xương
  • Tập thăng bằng: Bài tập thăng bằng giúp giảm nguy cơ té ngã, đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Thời điểm tập tốt nhất trong ngày

Thời điểm tập lý tưởng nhất nên là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Việc tập luyện vào buổi sáng sớm giúp cơ thể sản sinh ra các hormon endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và mệt mỏi để người tập bắt đầu một ngày mới với tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng. Không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ.

Cách tập luyện thể lực không gây hại sức khỏe

  • Nên tập luyện ít nhất 1-2 giờ sau bữa ăn, đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt
  • Nên khởi động kỹ trước khi tập luyện và giãn cơ sau khi tập luyện.
  • Tập luyện với cường độ vừa phải, không nên tập luyện quá sức.
  • Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu, hãy ngừng tập luyện và nghỉ ngơi.

Lưu ý: Trước khi thực hiện bài tập nào người bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.

Bên cạnh tập luyện, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Hãy bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, cá mòi, cá hồi, rau lá xanh. Vitamin D có thể được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời thông qua việc phơi nắng hoặc bổ sung từ thực phẩm chức năng theo chỉ định của chuyên gia y tế.

Mời bạn xem tiếp video:

Cách kiểm soát đường huyết cho người không mắc tiểu đường | SKĐS


ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn