Bài tập cho người bị thống kinh

30-04-2025 07:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Khi người bị thống kinh tập luyện thể dục có thể điều hòa nội tiết tố trong cơ thể giúp giảm thiểu tình trạng rong kinh và các triệu chứng khác đi kèm.

1. Người bị thống kinh có nên tập thể dục?

Biểu hiện của thống kinh thường là các cơn đau co thắt tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt. Việc này có phần hạn chế các hoạt động sinh hoạt, công việc của chị em. Một số người ngại vận động trong thời gian này.

Thực tế việc tập thể dục góp phần giảm triệu chứng đau và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Bài tập cho người bị thống kinh- Ảnh 1.

Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.

Khi người bị thống kinh tập luyện thể dục có thể điều hòa nội tiết tố trong cơ thể giúp giảm thiểu tình trạng rong kinh và các triệu chứng khác đi kèm. Hoạt động thể chất cũng giúp giảm quá trình viêm nhiễm trong cơ thể. Từ đó làm giảm các cơn đau bụng kinh và các triệu chứng khó chịu khác. Cùng với đó, tinh thần của người bệnh được nâng cao, tăng cường thể lực góp phần vào quá trình trị bệnh.

Không phải bài tập nào cũng phù hợp với người bị thống kinh. Việc lựa chọn các bài tập phù hợp và thực hiện đúng cách là rất quan trọng để tránh gây hại cho sức khỏe. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia để có một chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh.

2. Một số bài tập cơ bản cho người bị thống kinh

2.1. Đi bộ, chạy bộ

Đây là hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp để tập luyện khi phụ nữ có kinh nguyệt. Đi bộ, chạy bộ góp phần tăng cường lưu thông máu trong cơ thể, máu kinh nguyệt được đào thải nhanh chóng, hạn chế cục máu đông hay máu đen. Nhưng khi luyện tập cần có cường độ phù hợp với thể trạng của bản thân.

Bài tập cho người bị thống kinh- Ảnh 2.

Chạy bộ là hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp để tập luyện khi phụ nữ có kinh nguyệt.

2.2. Các bài tập co giãn cơ

Các bài tập co giãn cơ có thể hỗ trợ xoa dịu các cơn đau bụng kinh, hạn chế tối đa việc đau cơ, mỏi cơ. Cùng với đó, bài tập giãn cơ còn mang lại hiệu quả giúp cơ thể được dẻo dai, khỏe mạnh, mở rộng phạm vi chuyển động và độ linh hoạt của cơ thể.

2.3. Tập plank

Plank là động tác sử dụng các cơ để giữ cơ thể thăng bằng ở một vị trí cố định, từ đó tăng sức mạnh của các cơ lõi. Đây là bài tập phổ biến giúp tăng cường sức mạnh cho vùng bụng và mông. Điều đặc biệt là plank có khả năng giảm cảm giác khó chịu do đau bụng kinh, đồng thời giúp săn chắc cơ bụng, giảm mỡ bụng hiệu quả.

2.4. Tập yoga

Yoga là một phương pháp tập luyện nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, giúp giảm căng thẳng và cân bằng nội tiết tố. Những bài tập yoga nên thực hiện vào khoảng thời gian 2-3 ngày trước thời kỳ kinh nguyệt để mang lại hiệu quả thư giãn cơ thể, cải thiện triệu chứng chuột rút, đau vú, mệt mỏi cơ bắp và đau nhức.

2.5. Tập hít thở

Tập hít thở sâu cũng có thể giúp giảm đau và dễ chịu hơn trong thống kinh. Hít thở sâu kích thích giải phóng endorphin, giúp cải thiện phản ứng căng thẳng và giảm đau. Với phản ứng căng thẳng, hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể cảnh báo các đường dẫn thần kinh để kích hoạt tuyến thượng thận, sau đó giải phóng adrenaline vào máu.

Bài tập cho người bị thống kinh- Ảnh 3.

Yoga là một phương pháp tập luyện nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, giúp giảm căng thẳng và cân bằng nội tiết tố.

3. Khuyến cáo cho người bệnh thống kinh khi tập thể dục

  • Các tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp có thể tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Nhưng những bài tập thể dục cường độ cao, quá sức sẽ ảnh hưởng xấu đến thể trạng nói chung và tình trạng bệnh của chị em.
  • Mỗi người bệnh có thể trạng và tình trạng bệnh khác nhau. Hãy tham vấn bác sĩ và các chuyên gia trị liệu để có được bài tập phù hợp với mục tiêu của bản thân, khiến mình cảm thấy thoải mái và thích thú khi tập.
  • Nên chọn thời điểm luyện tập vào buổi sáng khi cơ thể vừa mới được nạp năng lượng sau giấc ngủ. Các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp khởi động ngày mới một cách thoải mái, đồng thời tăng cường tuần hoàn máu và giảm căng thẳng.
  • Nếu chị em cảm thấy quá mệt mỏi, chóng mặt, hoặc đau trong quá trình tập luyện, hãy dừng lại ngay lập tức. Không nên ép buộc cơ thể phải hoàn thành bài tập.
  • Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị, tập luyện, chị em cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống - sinh hoạt an toàn, lành mạnh, khoa học.
  • Thực hiện một số cách phòng tránh bệnh phụ khoa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân như vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như trong kỳ kinh nguyệt.
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế các yếu tố gây stress, căng thẳng bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hormone sinh dục trong cơ thể nữ giới.
  • Chủ động chia sẻ tình trạng bệnh và những bất thường trong quá trình điều trị, tuân thủ theo khuyến cáo và chỉ định của bác sĩ.
Câu hỏi thường gặp về thống kinhCâu hỏi thường gặp về thống kinh

SKĐS - Thống kinh nguyên phát thường lành tính, ít nguy hiểm, triệu chứng giảm dần theo thời gian. Thống kinh thứ phát có thể do tiềm ẩn bệnh lý cần thăm khám sớm để có phương án điều trị.


BS CKI. Phạm Thanh Hà
Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh
Ý kiến của bạn