Hà Nội

Bài tập cho người bị bệnh viêm cầu thận

23-09-2024 16:34 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập thể dục rất quan trọng, giúp cho người bệnh viêm cầu thận sống vui vẻ và hạnh phúc hơn, cải thiện sức khỏe và giảm tình trạng bệnh.

1. Vai trò của tập thể dục với bệnh viêm cầu thận

Viêm cầu thận là biểu hiện lâm sàng của một thương tổn viêm của những cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp. 

Theo BS. Đàm Minh Khuê - Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh viêm cầu thận hoàn toàn có thể tập thể dục. Người bị bệnh có những bài tập phù hợp sẽ giúp nâng cao sức khỏe và có nhiều năng lượng hơn. Khi tập thể dục điều độ, sẽ năng động và linh hoạt hơn, giúp thực hiện các công việc hằng ngày một cách dễ dàng hơn. Người bệnh nên gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và đưa ra các bài tập phù hợp.

Tập thể dục có tác dụng tích cực đến sức khỏe tổng thể, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh thận như: Hạ huyết áp, giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết. Duy trì tập thể dục đều đặn và lâu dài giúp xương chắc khỏe, tăng sức bền và sức mạnh cơ bắp, giữ cân nặng ổn định và cải thiện giấc ngủ, máu lưu thông tốt hơn. Hơn nữa, hoạt động này còn cải thiện trạng thái tinh thần, giúp người bệnh duy trì lối sống lành mạnh.

Khi mắc bệnh, việc nghỉ ngơi đầy đủ vô cùng quan trọng, nhưng tập thể dục có thể giúp cải thiện tình trạng về bệnh viêm cầu thận, đặc biệt nếu đang ở trong giai đoạn đầu. Việc tập thể dục có thể giúp người bệnh tràn đầy năng lượng hơn. Thông thường người bệnh sẽ bắt đầu một chương trình tập luyện và thấy rằng ít bị mệt mỏi hơn. Điều này nhờ cơ bắp của họ đang dần trở nên quen thuộc với các hoạt động. Tập thể dục sẽ tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng như khả năng làm việc của cơ tim, tăng cường lưu lượng máu đến thận.

Bài tập cho người bị bệnh viêm cầu thận- Ảnh 1.

Người bệnh trước khi tập luyện cần tới gặp để tham khảo ý kiến bác sĩ.

2. Các môn thể thao phù hợp với người bệnh viêm cầu thận

Theo các bác sĩ, các môn thể dục, thể thao phù hợp với người bệnh viêm cầu thận là đi bộ, đạp xe (với các dụng cụ trong nhà hoặc hoạt động ngoài trời), bơi lội, khiêu vũ, aerobic hoặc các hoạt động có sử dụng các nhóm cơ lớn của cơ thể. Các hoạt động khác như bài gym nhẹ nhàng, đơn giản hoặc làm vườn, làm việc nhà... cường độ thấp cũng tốt. Cụ thể như sau:

2.1 Đi bộ

Mỗi người nên tham gia luyện tập thể dục, thể thao với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Duy trì thói quen đi bộ đều đặn giúp tăng cường sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Để duy trì thói quen đi bộ, nên sắp xếp thời gian và lập kế hoạch vào một khoảng thời gian cố định trong ngày. Nếu quá khó để đi bộ trong 30 phút cùng một lúc, hãy thực hiện các đợt nhỏ đều đặn (10 phút), 3 lần mỗi ngày và tăng dần thành các đợt dài hơn.

Trước khi bắt đầu luyện tập, cần thực hiện một số động tác để làm ấm cơ thể, giãn cơ trong khoảng 5 - 10 phút. Khi đi bộ, đầu luôn thẳng, hướng về trước, lưng thẳng, hai tay cử động thoải mái theo nhịp sải chân. Thực hiện các bước nhẹ nhàng, dễ dàng và đảm bảo rằng gót chân của bạn chạm xuống trước các ngón chân.

2.2 Đạp xe

Nếu đạp xe, trọng lượng cơ thể lúc này sẽ do cơ đùi trước và cơ đùi sau chịu trách nhiệm, các khớp gối, khớp cổ chân sẽ được giảm áp lực đi tương đối nhiều. Đạp xe làm tăng nhịp tim của chúng ta, giúp máu tuần hoàn khắp cơ thể tốt hơn, đốt cháy lượng calo dư thừa để bạn giảm cân và khỏe mạnh.

Đạp xe là một bài tập tuy đơn giản nhưng lại mang đến những lợi ích to lớn cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy cố gắng dành thời gian đạp xe 30 - 45 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe một mình, dành thời gian tận hưởng những khung cảnh đi qua. Có thể rủ người thân và bạn bè cùng tham gia, vừa có thể gắn kết hơn với những người xung quanh, có thêm niềm vui cũng như động lực trên những cung đường vừa có thể cải thiện sức khỏe bản thân.

2.3 Tập aerobic

Tập aerobic giúp điều hòa tim mạch. Đây là hình thức tập luyện điều chỉnh nhịp thở, kiểm soát lượng oxy đi đến các cơ trên cơ thể. Theo đó, lợi ích của việc tập aerobic là: Cải thiện sức khỏe tim mạch; Giảm nguy cơ mắc bệnh tim; Giảm huyết áp; Tăng HDL - một loại cholesterol tốt; Giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu; Giúp giảm cân hoặc tăng cân theo nhu cầu; Cải thiện chức năng phổi; Làm giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi.

Mỗi buổi tập aerobic bao gồm khởi động và hạ nhiệt. Giai đoạn khởi động không nên thực hiện các động tác kéo giãn mà nên tăng dần tốc độ, cường độ của bài tập. Điều này giúp cơ thể tăng lưu lượng máu tới các cơ, giảm khả năng chấn thương cơ hoặc khớp. Khởi động cần kéo dài 5 - 10 phút. Trước khi kết thúc buổi tập, cần hạ nhiệt. Theo đó, hạ nhiệt có thời gian tương tự khởi động với tốc độ giảm dần. Các bài tập giãn cơ sau tập aerobic sẽ rất thích hợp.

2.4 Luyện tập yoga

Yoga giúp kiểm soát hơi thở tốt hơn và góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần. Theo nhiều nghiên cứu, yoga giúp giải tỏa stress, phấn chấn và vui vẻ hơn. Đặc biệt, một số tư thế yoga xua tan mọi lo âu, căng thẳng, nhờ đó mà hệ miễn dịch bạn cũng được cải thiện, chống lại bệnh tật.

Có nhiều hình thức tập yoga, có thể tập một mình hoặc tập theo nhóm. Khi tập theo nhóm, có cơ hội để giao lưu chia sẻ với mọi người, mở rộng giao tiếp xã hội, nhờ đó mà đánh bay trầm cảm. Tập luyện nói chung, trong đó bao gồm cả yoga giúp tuần hoàn máu tốt hơn, nhờ đó mà sức khỏe tim mạch được tăng cường, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp,...

Bài tập cho người bị bệnh viêm cầu thận- Ảnh 2.

Tập luyện yoga giúp cải thiện về sức khỏe và tinh thần.

3. Khi tập thể dục cần lưu ý những gì?

Trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Những bệnh nhân mắc thêm bệnh tiểu đường, bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi hoặc các tình trạng sức khỏe khác thì có thể cần thêm các hướng dẫn an toàn khác khi tập aerobic. Người bệnh cần lên kế hoạch tập luyện cho bản thân.

Về thời gian tập luyện, đầu tiên nên tập ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày. Sau đó nên nâng thời gian tập lên. Bởi vì 30 phút thường không đem lại nhiều lợi ích. Nếu có thể, bạn nên tăng thời gian tập thể dục lên 45 đến 60 phút mỗi ngày. Muốn đạt được hiệu quả tập luyện, cần tập ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, và cách ngày, ví dụ như thứ 2 - thứ 4 - thứ 6. Thời gian vận động thích hợp nhất là buổi sáng và chiều, tránh lúc thời tiết nóng bức.

Về cường độ tập luyện, tùy vào sức của mỗi người sẽ có mức độ tập luyện khác nhau, nhưng các bác sĩ có một số lời khuyên như sau: Không nên tập quá mệt, sau khi tập xong vẫn cảm thấy khỏe như bình thường là được (nếu tập xong mà vẫn còn mệt kéo dài thì cần giảm cường độ tập luyện trong lần sau). Cơ bắp sau khi tập không cảm thấy quá đau và vẫn có thể tập trong lần kế tiếp.

Cường độ tập ở mức cảm thấy thoải mái. Bắt đầu chậm rãi để làm nóng, sau đó tăng dần đến cường độ mong muốn rồi giảm dần khi gần về đến đích. Để cơ thể có thể quen dần từ từ và tránh được chấn thương.

Người bệnh nên lên kế hoạch tập luyện vào các ngày trong tuần. Tập sau khi ăn 1 tiếng trở lên. Tránh tập vào thời điểm nóng bức trong ngày. Nên tập vào buổi sáng hoặc buổi tối. Không nên tập luyện trước khi đi ngủ 1 tiếng trở xuống.

Bài tập cho người bị bệnh viêm cầu thận- Ảnh 4.

Tập thể dục trong trạng thái mạnh khỏe, thoải mái.

4. Khi nào thì nên dừng tập luyện?

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bệnh không nên tập luyện khi: Đang sốt, thay đổi lịch chạy thận. Khi mới thay đổi thuốc, mới xuất viện, vừa ăn quá nhiều. Khi thời tiết quá nóng và khô (nên tập trong phòng có máy lạnh). Khi có vấn đề về xương khớp mà khi tập luyện sẽ làm bệnh nặng hơn. Sau khi dừng tập vì các lý do này, muốn tập luyện trở lại cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Người bệnh hãy dừng tập luyện ngay khi thấy các dấu hiệu sau: Quá mệt mỏi; Khó thở; Đau ngực; Hồi hộp, tim đập nhanh; Đau bụng; Chuột rút; Choáng váng, xây xẩm.

Bài tập cho người bị bệnh viêm cầu thận- Ảnh 5.

Người bệnh không nên tập luyện quá sức.

Người bệnh lưu ý, không nên tham gia các môn thể thao dễ va chạm, cường độ nặng, có tính đối kháng và phải theo hoặc hơn sức của đối phương như bóng đá, bóng rổ, tennis, võ thuật, nâng tạ, xách đồ nặng, thực hiện các động tác yoga như trồng chuối, đu dây.

Không nên thực hiện bài tập tác động nặng lên vùng thắt lưng như hoạt động dùng lực để đẩy tạ từ dưới lên trên hoặc khuân vác vật nặng. Các hoạt động này có thể gây áp lực lên cầu thận và tăng thoát đạm ra đường tiểu, góp phần làm bệnh nặng hơn.

Người mắc viêm cầu thận có thể có những biểu hiện như phù, tiểu máu, sốt, tăng huyết áp... Dựa trên cơ sở hình thái học của cầu thận có thể chia thành viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn. Nếu không điều trị kịp thời viêm cầu thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Không có phương pháp nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh viêm cầu thận. Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh chúng ta cần thay đổi lối sống và có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

Xem thêm:

Hội chứng viêm cầu thận là gì?Hội chứng viêm cầu thận là gì?

SKĐS - Người mắc viêm cầu thận có thể có những biểu hiện như phù, tiểu máu, sốt, tăng huyết áp... Nếu không điều trị kịp thời viêm cầu thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thậnChế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận

SKĐS - Một chế độ ăn khoa học và phù hợp tác động tích cực đến quá trình thải độc của thận, tốt cho các hoạt động trong cơ thể người bệnh viêm cầu thận.





Thanh Hằng
Ý kiến của bạn