Bài tập cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát

06-08-2024 19:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí xuất hiện đột ngột trong khoang màng phổi gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, người mắc bệnh ngoài hướng dẫn, điều trị của bác sĩ cần có những bài tập bổ trợ nhằm phục hồi chức năng hô hấp và ngăn ngừa bệnh tái phát.

1. Cách tập không gây hại cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Một trong những cách điều trị tràn khí màng phổi tự phát tại nhà đơn giản và hiệu quả đó là luyện tập hít thở hàng ngày. Bài tập này hỗ trợ cải thiện hoạt động của hệ hô hấp, trong đó có các cơ quan như phổi, khu vực lồng ngực…

Ngoài ra, vận động thể chất đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tim mạch, cải thiện tình trạng tâm lý và giảm nguy cơ mắc các bệnh. Tuy nhiên, người mắc bệnh tràn khí màng phổi tự phát tập thể dục với cường độ phù hợp với thể trạng hiện tại và lựa chọn hình thức tập thể dục thích hợp.

Người mắc bệnh có thể tham khảo một số bài tập thể dục vừa sức như: tập yoga, đi bộ hoặc luyện tập vật lý trị liệu,… Các bài tập này khá nhẹ nhàng và hỗ trợ điều hòa huyết áp cũng như khả năng hô hấp.

Bài tập cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, việc luyện tập thể dục thể thao đều đặn cũng là cách giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng, áp lực, giữ được tinh thần lạc quan trong suốt quá trình điều trị.

Tuy nhiên, khi luyện tập thể thao nên vận động vừa sức, không nên thực hiện các bài tập nặng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn khi tập thể dục, chú ý đến môi trường tập, điều kiện thời tiết. Tránh tập trong không khí ô nhiễm, khói bụi hoặc nơi có tác nhân kích thích khác có thể gây kích ứng.

2. Vậy người bệnh đang ốm có nên tập không?

Tập luyện thể chất cường độ nhẹ đến vừa thường không gây vấn đề gì khi bạn chỉ mắc cảm thường và không bị sốt. Tuy nhiên, khi có một số triệu chứng, bạn không nên vận động mạnh để tránh tác động xấu.

Khi nào là an toàn để tập luyện?

Khi có các triệu chứng dưới đây, thường thì tập luyện sẽ không gây vấn đề gì, tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước để có chế độ tập phù hợp.

Cảm nhẹ

Cảm nhẹ do nhiễm siêu vi vùng mũi và họng. Do triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, hầu hết mọi người bị nghẹt mũi, hắt hơi, ho nhẹ, đau đầu…

Nếu là cảm nhẹ, không cần phải dừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy đủ sức. Nếu bạn cảm thấy không đủ sức để theo kịp cường độ thường ngày, hãy giảm cường độ tập luyện.

Nghẹt mũi

Nghẹt mũi kèm theo các triệu chứng khác như ho có đờm hoặc tức ngực, người bệnh không nên tập luyện. Tuy nhiên, nếu chỉ là nghẹt mũi, bạn có thể tập bình thường. Tập luyện có thể giúp khơi thông đường mũi, giúp thở dễ dàng hơn.

Đau họng nhẹ

Đau họng thường do nhiễm siêu vi như cảm thường hoặc cúm. Trong một số trường hợp, khi đau họng đi kèm với sốt, ho có đờm hoặc khó nuốt, bạn nên dừng tập một khoảng thời gian. Khi sức khỏe dần ổn định, dần tập lại với cường độ phù hợp và nhớ uống đủ nước giúp giảm đau họng khi tập thể dục.

Riêng với những triệu chứng như: Sốt; Ho có đờm, Ho kéo dài; Cúm thì người bệnh nên nghỉ ngơi, không tập thể dục để cơ thể phục hồi trở lại. Ngoài ra, không nên vận dụng các bài tập hít thở nếu cơ thể đang gặp phải một số vấn đề như: sưng phù chân, khó thở/thở nông, đau tim/đau ngực; Dừng bài tập lại nếu trong quá trình tập gặp phải các triệu chứng: thở nông, chóng mặt, tím tái, đau ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi,...

3. Thời điểm tập tốt trong ngày cho người bị tràn khí màng phổi

Bài tập cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát- Ảnh 2.

Các hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện hệ hô hấp của người bệnh.

Người mắc bệnh này có thể thực hiện các bài tập hít thở, thể dục vào buổi sáng sau khi thức dậy. Đây là thời điểm thích hợp bởi không khí trong lành, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động khác.

Người bệnh không nên vận động thể chất quá nặng trong quá trình điều trị bệnh. Thay vào đó là hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện hô hấp và ổn định huyết áp. Một số trường hợp sẽ được hỗ trợ tập vật lý trị liệu hô hấp.

Đặc biệt, người bệnh hãy tránh xa khói thuốc. Bởi, khói thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến chức năng của hệ hô hấp. Nếu bệnh nhân bị tràn khí màng phổi tự phát kết hợp với sự hiện diện của khói thuốc lá sẽ càng khiến cấu trúc phổi bị tổn thương, tăng rủi ro tắc nghẽn và nhiễm trùng tại phổi.

4. Những bài tập tốt cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Tập hít thở sâu

Bài tập cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát- Ảnh 3.

Tập hít thở sâu cũng là một trong những cách điều trị bệnh về phổi hiệu quả.

Tập hít thở sâu cũng là một trong những cách điều trị tràn khí màng phổi tự phát tại nhà mà người bệnh có thể áp dụng hàng ngày. Hít sâu và thở ra từ từ sẽ giúp hỗ trợ tăng sức khỏe và sức đề kháng cho phổi, lồng ngực. Đầu tiên, hãy kê gối và ấn nhẹ vào ngực khi ho hoặc hít thở sâu. Cố gắng hít thở sâu và giữ lâu nhất có thể, sau đó, thở hết khí ra ngoài.

Bệnh nhân có thể được cung cấp một vài dụng cụ hỗ trợ để giúp hít thở sâu. Đặt miếng nhựa vào miệng, tập hít thở chậm và sâu. Sau đó, cho hết khí ra ngoài và ho. Lặp lại các bước này 10 lần mỗi giờ.

Uốn người và hít thở

Uốn người và hít thở cũng là một trong số bài tập vô cùng dễ thực hiện mà bạn có thể tự luyện tập mỗi ngày để giúp tăng cường sức khỏe cho phổi. Để thực hiện bài tập uốn người và hít thở, đầu tiên người bạn sẽ đứng ở tư thế thẳng, sau đó thả lỏng hai khớp gối rồi từ từ uốn cong người và gập xuống sát đất nhất có thể, đồng thời thở nhẹ nhàng cho khí thoát ra ngoài.

Tiếp theo, bạn sẽ từ từ ngẩng đầu lên để trở về tư thế đứng thẳng ban đầu, kết hợp đồng thời với việc hít khí vào trong phổi và giữ trong vòng 20 giây. Đưa hai tay thẳng hướng lên trời để khoang phổi được mở rộng ra hơn, giúp phổi hô hấp tốt hơn. Bạn hãy thực hiện lập đi lập lại động tác uốn người và hít thở khoảng 4 lần cho mỗi lần tập để có được hiệu quả cao nhé.

Ngồi đúng tư thế và thở

Nhiều người trong chúng ta vẫn thường có thói quen ngồi xiên quẹo, ưỡn ẹo lưng mà không hề hay biết rằng đây là những tư thế ngồi không hề tốt cho việc hô hấp của phổi. Khi bạn hít thở và ngồi sai tư thế, sẽ khiến phổi không mở rộng được hết cỡ, hơi thở sẽ không được sâu từ đó sẽ làm giảm đi lượng ôxy trong máu.

Bạn cần chỉnh sửa lại tư thế ngồi cho đúng để giúp phổi hô hấp được tốt hơn. Khi ngồi hãy giữ cho lưng luôn thẳng, hai chân duỗi ra thoải mái và đầu gối phải thấp hơn hông để khoang phổi được mở rộng hết mức...

Chế độ ăn cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phátChế độ ăn cho người bệnh tràn khí màng phổi tự phát

SKĐS - Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí xuất hiện đột ngột trong khoang màng phổi do những thương tổn bệnh lý của phổi - màng phổi gây ra. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị tràn khí màng phổi tự phát.

Tập thể dục buổi sáng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.




BS CKII Lương Văn Phùng
PGĐ Bệnh viện Phổi Nghệ An
Ý kiến của bạn