Bài tập cho người bệnh tiểu đường thai kỳ

02-10-2024 11:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi Đái tháo đường thai kỳ) là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Ngoài điều trị bằng thuốc và chế độ ăn thì một chế độ luyện tập hợp lý là hết sức quan trọng.

1. Lợi ích của hoạt động thể chất khi mang thai

Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên trong thai kỳ cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ. Hoạt động thể chất không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

Đối với phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ, hoạt động thể chất giúp đường máu ổn định hơn, từ đó giảm nguy cơ phải sử dụng thuốc điều trị.

Ngoài ra, luyện tập còn có tác dụng kiểm soát cân nặng, đặc biệt hữu ích cho những người thừa cân hoặc béo phì, giúp ngăn ngừa việc tăng cân quá mức trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, phụ nữ duy trì tập luyện sẽ có sức khỏe tốt hơn, giảm nguy cơ tiền sản giật, hạn chế tình trạng sinh mổ và góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cần tập luyện để giảm đường huyết.

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cần tập luyện để giảm đường huyết.

Có phải tất cả phụ nữ mang thai mắc tiểu đường đều có thể hoạt động thể chất?

Tất cả phụ nữ khi mang thai đều có thể hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, tức là những hoạt động sinh hoạt thường ngày, đi bộ nhẹ…
Tuy nhiên, một số thai phụ có chống chỉ định khi tham gia những hoạt động cường độ trung bình trở lên, đó là:
  • Thai phụ mắc đái tháo đường type 1 kiểm soát đường máu không tốt, đang có biến chứng cấp tính.
  • Thai phụ đái tháo đường mắc kèm bệnh tim bẩm sinh/ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng/ các bệnh về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
  • Có tình trạng nhau bong non/ suy cổ tử cung/ nhau tiền đạo sau tuần 28/ dọa sinh non/ hạn chế tăng trưởng/ tiền sản giật…

2. Những bài tập tốt cho người bệnh tiểu đường thai kỳ

Các bài tập aerobic như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc thậm chí làm việc nhà, làm vườn là những lựa chọn an toàn và hiệu quả cho phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ. Những hoạt động này giúp cơ thể vận động đều đặn, ổn định đường huyết và tăng cường sức khỏe tim mạch. Để đạt được hiệu quả, các bà bầu nên tập ít nhất 30 phút/ngày, từ 3 đến 5 ngày trong tuần (tổng cộng 150 phút/tuần).

Ngoài ra, các bài tập tăng cường sức cơ như tập Kegel cũng rất quan trọng. Những bài tập này giúp củng cố cơ sàn chậu, hỗ trợ quá trình sinh nở và ngăn ngừa các vấn đề về đường tiết niệu sau sinh. Các bài tập sức cơ nên thực hiện 2-3 lần/tuần, mỗi lần lặp lại từ 8-12 động tác cho mỗi nhóm cơ chính.

Yoga và Pilates cũng là những hình thức vận động phù hợp, giúp tăng tính linh hoạt và dẻo dai cho cơ thể. Đặc biệt, phụ nữ có thể tham gia các lớp tiền sản để được hướng dẫn bài bản và an toàn hơn.

Bài tập cho người bệnh tiểu đường thai kỳ- Ảnh 2.

Các bài tập aerobic như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc thậm chí làm việc nhà, làm vườn là những lựa chọn an toàn và hiệu quả cho phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ.

Thời điểm tốt nhất để bắt đầu hoạt động thể chất

Tốt nhất nên bắt đầu hoạt động thể chất/ tập thể dục từ trước khi mang thai và duy trì thói quen đó trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần phải thích nghi với thai kỳ bằng cách lựa chọn các hoạt động phù hợp.

Thời điểm lý tưởng để thực hiện các bài tập là khoảng 20-30 phút sau bữa ăn. Đây là lúc đường máu tăng dần, và những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ quãng ngắn hoặc rửa bát đĩa có thể giúp ổn định đường huyết nhanh chóng hơn. Duy trì các hoạt động sau bữa ăn sẽ giúp cơ thể dễ dàng kiểm soát được lượng đường máu, giảm nguy cơ hạ hoặc tăng đột ngột.

Khi đã tạo được những thói quen hoạt động thể chất, duy trì và tìm những hoạt động mới, phù hợp để tiếp tục giữ thói quen hoạt động. Cần tránh những hoạt động nặng như chơi tennis, cầu lông, chạy bộ…

3. Cách tập không gây hại đối với người bệnh tiểu đường thai kỳ

  • Đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc làm việc nhà/ làm vườn đều là các hoạt động aerobic. Nên thực hiện ít nhất 30 phút/ngày, từ 3 đến 5 ngày trong tuần (đạt 150 phút/tuần). Với những người mới bắt đầu, có thế chia nhỏ hoạt động với khoảng 10-15 phút, tích lũy để đạt 30 phút/ngày.
  • Bài tập sức cơ, tập trung vào các nhóm cơ chính nên thực hiện 2-3 lần/tuần, lặp lại động tác từ 8-12 lần cho mỗi nhóm cơ. Đặc biệt, các bài tập cơ sàn chậu như bài tập Kegel.
  • Có thể lựa chọn các môn Yoga, Pilates để luyện tập tính linh hoạt, dẻo dai.
  • Trong 20-30 phút sau ăn là thời điểm đường máu tăng dần, có thể duy trì hoạt động nhẹ sau khi ăn như rửa bát đĩa, đi bộ nhẹ… để ổn định đường máu.

Để tập luyện an toàn và hiệu quả, phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ cần chú ý khởi động từ 5-10 phút trước khi tập và thực hiện các động tác hạ nhiệt sau khi tập cũng trong 5-10 phút để cơ thể điều hòa. Khi tập luyện, cần duy trì mức độ vừa phải – nghĩa là có thể nói chuyện được trong khi tập nhưng không đến mức hụt hơi hay cảm thấy kiệt sức.

Theo dõi đường máu là điều vô cùng quan trọng. Đối với phụ nữ chỉ điều chỉnh lối sống mà không dùng thuốc, nguy cơ hạ đường máu thấp hơn. Tuy nhiên, không nên hoạt động khi đói và luôn sẵn sàng phương án xử lý khi có biểu hiện hạ đường máu. Đối với phụ nữ tiêm Insulin, cần thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn về cường độ và thời gian tập luyện hợp lý, tránh tập ngay sau khi tiêm Insulin.

Các dấu hiệu như đường máu dưới 4 mmol/L (hạ đường máu) hoặc trên 13,9 mmol/L (đường máu quá cao) đều là dấu hiệu cần dừng tập ngay lập tức.

Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, tránh các bài tập có tư thế nằm ngửa, thay vào đó nên tập ở tư thế đứng hoặc nằm nghiêng. Thực hiện động tác kéo giãn nhẹ nhàng, tránh đổi hướng đột ngột để không làm tổn thương dây chằng. Ngoài ra, cần đảm bảo hít thở đều đặn – thở ra khi gắng sức và hít vào khi thư giãn, không nín thở khi tập luyện.

Việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ tinh bột và uống đủ nước cũng rất cần thiết, tránh tập luyện trong điều kiện nóng ẩm hoặc khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi.

Bài tập cho người bệnh tiểu đường thai kỳ- Ảnh 3.

Tập yoga là cách vận động giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

4. Người bệnh tiểu đường thai kỳ đang ốm có nên tập không?

Khi bị ốm, phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ nên tạm dừng tập luyện và dành thời gian nghỉ ngơi để theo dõi sức khỏe. Cần chú ý tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ổn định đường huyết.

Tập luyện trong tình trạng ốm có thể khiến cơ thể suy yếu và tăng nguy cơ biến chứng, do đó cần phải dừng lại ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: Chảy máu âm đạo hoặc rỉ ối Khó thở trước khi gắng sức chóng mặt, đau đầu, cảm giác ngất xỉu đau ngực, đau hoặc sưng bắp chân giảm cử động của thai hoặc có dấu hiệu chuyển dạ sớm và cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và theo dõi.

Tóm lại, hoạt động thể chất có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường thai kỳ, nhưng cần được thực hiện đúng cách và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện và dừng ngay khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn tối đa trong thai kỳ.

Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳThuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi Đái tháo đường thai kỳ) là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong giới hạn mục tiêu, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.


Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn