Bài tập cho người bệnh thoái hóa khớp háng

22-10-2024 09:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập thể dục, vận đông đúng cách sẽ giúp người bệnh thoái hóa khớp háng giảm tải trọng lên các khớp, làm chậm quá trình thoái hóa, mài mòn khớp, giúp ngăn ngừa được các cơn đau khớp háng về sau.

Thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp háng nói riêng vừa là bệnh lí vừa là sinh lý của cơ thể. Sinh lý là do khi tuổi tác con người ngày càng cao, bộ máy hoạt động của cơ thể cũng bị suy yếu gây ra.

Bên cạnh triệu chứng đau khớp háng khi vận động thì còn có thể gai xương, tê bì, cứng khớp đồng thời giảm tiết dịch khớp khiến cho khớp không cử động trơn tru được.

Theo chuyên gia về xương khớp Nguyễn Chí Chương, đau khớp háng do thoái hóa khớp háng là một bệnh lý khiến người bệnh rất khổ sở, khó chịu khi di chuyển, đôi khi còn bị phụ thuộc vào người khác.

Tuy nhiên, các phương pháp tập luyện thể dục thể thao phần nào có thể đẩy lùi tình trạng bệnh, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân.

1. Người bệnh thoái hóa khớp háng có nên luyện tập khi đang bị đau

Nhiều người bị đau xương khớp lo ngại rằng khớp sẽ bị đau nếu vận động nhiều nên họ không tập thể dục, ít vận động và dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.

Bài tập cho người bệnh thoái hóa khớp háng- Ảnh 1.

Người bệnh thoái hóa khớp háng cần tham khảo và lựa chọn bài tập phù hợp. Ảnh minh họa

Việc nghỉ ngơi cho cơ bắp thư giãn sau khi vận động là điều cần thiết, nhưng không nhất thiết là bạn phải chuyển từ lối sống năng động sang lối sống tĩnh tại, ít vận động. Đây là một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về thoái hóa khớp.

Khi tập thể dục đúng cách, tầm vận động và khả năng chịu đau của khớp sẽ được cải thiện. Ngoài ra, tập thể dục còn ngăn ngừa sự phát triển của thoái hóa khớp.

Tuy nhiên, cần tham khảo và lựa chọn bài tập phù hợp và đúng cách. Bởi khi vận động sai thì sẽ gây đau và khớp có thể bị biến dạng dần dần. Một khi khớp bị biến dạng, việc điều trị phẫu thuật sau này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

2. Những bài tập chữa đau khớp háng hiệu quả

2.1 Bài tập duỗi thẳng chân

Bài tập này khá đơn giản. Bạn chỉ cần nằm sấp mặt xuống, úp mặt hay xoay về một phía tùy cảm nhận của mỗi người để thấy thỏa mái hơn. Siết cơ bụng và gồng mông để nâng một chân lên khỏi mặt sàn, giữ hông luôn chạm sàn. Và giữ nguyên tư thế trong 5 - 10 giây và lặp lại khoảng 3 - 5 lần.

Bài tập cho người bệnh thoái hóa khớp háng- Ảnh 2.

Tập thể dục đúng cách giúp ngăn ngừa sự phát triển của thoái hóa khớp háng. Ảnh minh họa

2.2 Bài tập tư thế bắc cầu

Bạn nằm ngửa mặt lên, hai đầu gối mở rộng bằng vai, lòng bàn chân áp chặt xuống thảm. Đồng thời, cánh tay thả lỏng xuôi theo người. Từ từ nâng xương chậu và lưng lên khỏi mặt sàn kết hợp với hơi thở hết ra sao cho từ đầu gối đến vai tạo thành đường thẳng. Giữ tư thế bắc cầu trong 5 giây và từ từ hạ lưng, mông xuống.

2.3 Bài tập xoay hông khi nằm

Với bài tập chữa đau khớp háng này, bạn cần nằm ngửa và gập đầu gối lại, đồng thời mở đầu gối rộng bằng hông. Sau đó từ từ dạng đầu gối ra rồi khép vào. Tiếp tục như thế với bên còn lại. Lưu ý trong bài tập, lưng luôn được giữ trên thảm tập, không nâng lên theo chân.

2.4 Bài tập trượt gót chân

Trong tư thế nằm ngửa trên thảm tập, người tập bắt đầu gập chân lại và trượt đầu gối về phía ngực. Sau đó trượt gót chân xuống và từ từ duỗi thẳng đầu gối. Lặp lại động tác này từ 10-20 lần mỗi bên.

2.5 Bài tập mở rộng hông

Với bài tập trị đau khớp háng này, bạn cần sự trợ giúp của một chiếc ghế tựa hoặc thành tủ, kệ,… Đây là các vật dụng tạo điểm tựa cho bạn khi đứng. Trong tư thế đứng thẳng, vịn vào lưng ghế, bạn kéo thẳng chân về phía sau mà không cong đầu gối. Siết chặt cơ mông để giữ tư thế này trong vòng 5 giây. Lặp lại với chân còn lại.

2.6 Bài tập kéo đầu gối đến ngực

Nằm ngửa. Lần lượt kéo từng đầu gối về phía ngực cho đến khi bạn cảm thấy phần cơ lưng căng nhẹ, trong lúc này vẫn giữ thẳng chân còn lại. Giữ nguyên động tác này trong khoảng 10 giây. Lặp lại 5 – 10 lần.

2.7 Bài tập squat

Ở bài tập chữa đau khớp háng này, bạn cũng có thể cần sự hỗ trợ từ các vật dụng tạo điểm tựa như ghế. Vịn hai tay lên ghế sau đó thực hiện động tác ngồi xổm xuống và đứng lên. Lưu ý rằng khi mông hạ xuống và lưng thẳng thì đầu gối không nên đưa ra phía trước vượt quá ngón chân.

3. Lưu ý khi tập các bài tập chữa thoái hóa khớp háng tại nhà

Bài tập cho người bệnh thoái hóa khớp háng- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Nếu muốn bắt đầu thực hiện các bài tập chữa đau khớp háng tại nhà, trước tiên bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về tình trạng bệnh hiện tại và đưa ra lời khuyên cụ thể. Từ đó, bạn sẽ quyết định tập tại nhà hay cần can thiệp từ các chuyên viên vật lý trị liệu.

- Lưu ý nếu tự tập, bạn nên bắt đầu tập từ từ để các bó cơ và xương khớp có thời gian thích nghi. Luôn khởi động bằng cách giãn cơ, làm nóng cơ thể 5-10 phút trước khi tập.

- Ngưng tập nếu tiếp tục đau khớp háng dữ dội hơn hoặc xuất hiện cảm giác đau ở các khu vực khác.

- Nên kiên trì tập luyện mỗi ngày sẽ giúp đạt được hiệu quả giảm đau tốt nhất.

Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, bệnh có nhiều nguyên nhân và tiến triển từ từ, có khả năng gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm khả năng vận động của người bệnh.


M.H (th)
Ý kiến của bạn