Hà Nội

Bài tập cho người bệnh sa sinh dục

07-11-2024 15:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Trong một số trường hợp, có thể giảm bớt triệu chứng hoặc đảo ngược tình trạng sa sinh dục nhẹ bằng cách thực hiện các bài tập cơ vùng chậu kết hợp biện pháp tự chăm sóc khác.

1. Cách tập không gây hại cho người bệnh sa sinh dục

Tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung, nâng cao thể trạng và đặc biệt quan trọng để duy trì mật độ khoáng chất của xương, khả năng vận động. Các bài tập thể dục cụ thể cho bệnh sa sinh dục có thể cải thiện và kiểm soát các triệu chứng rất nhiều.

Trong các trường hợp nhẹ hoặc trung bình (sa cấp độ 1 đến độ 3), có thể chưa cần can thiệp phẫu thuật. Đôi khi phần tử cung sa có thể tự hồi phục, trở lại vị trí bình thường, hoặc ít nhất là không bị tụt xuống sâu hơn. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng, việc thực hiện các bài tập sàn chậu hoặc sử dụng dụng cụ đặt âm đạo có thể cải thiện được các triệu chứng.

Các bài tập chữa sa sinh dục sẽ giúp tăng cường các cơ ở phần dưới của xương chậu. Bài tập này đặc biệt thích hợp cho những phụ nữ bị són tiểu và tạo đáp ứng nhanh nhạy, chống lại sự tăng áp lực trong bụng đột ngột ở các hoạt động thường ngày như khi chạy, nhảy, ho, hắt hơi, vác nặng…

Các bài tập đặc biệt, được gọi là Kegel, có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu. Đây có thể là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết trong những trường hợp sa tử cung nhẹ.

Trong các bài tập sàn chậu, bạn học cách chủ động kiểm soát các cơ ở sàn chậu. Các bài tập này có thể dễ dàng thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, để chắc chắn bạn đang làm đúng và có thể cảm nhận lực cơ một cách rõ nhất, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để có thể tham khảo các bài tập phù hợp và tốt nhất với các triệu chứng cụ thể của bạn.

Bài tập cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 1.

Cùng với chế độ ăn hợp lý, tập thể dục là một trong những biện pháp tốt cho sức khỏe người bệnh.

Để tăng cơ hội thành công và cải thiện tốt các triệu chứng, phụ nữ bị sa dạ con cần thực hiện theo hướng dẫn và tập thường xuyên. Để hạn chế tái phát bệnh lý sàn chậu, bạn cần duy trì tập luyện liên tục, thường xuyên.

2. Thời điểm tập tốt trong ngày cho người bệnh sa sinh dục

Bạn có thể thực hiện các bài tập này ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào (4-6 lần/ngày).

Bài tập cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 2.
Lợi ích của các bài tập thể dục cho người bị sa sinh dục.

3. Những bài tập tốt cho người bệnh sa sinh dục

Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ… sẽ giúp hệ thống tim mạch, cơ, gân và dây chằng của bạn khỏe mạnh và cũng sẽ giúp bạn duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao và độ tuổi của bạn. Bạn có thể dành ra từ 20-30 phút mỗi ngày cho các bài tập này.

Bên cạnh đó, để kiểm soát và tăng cường cơ sàn chậu, hỗ trợ giảm các triệu chứng của sa sinh dục, các bài tập sàn chậu vô cùng lý tưởng cho tập luyện, có tác dụng giúp cải thiện khả năng kiểm soát vận động của sàn chậu. Đặc biệt các bài tập Kegel rất hiệu quả trong việc tăng cường cơ sàn chậu của bạn.

Sàn chậu khỏe hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan vùng chậu của bạn, ngăn tình trạng sa nặng hơn và giảm các triệu chứng liên quan đến sa sinh dục.

Bài tập cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 3.

6 bài tập tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.

Để thực hiện các bài tập Kegel bạn cần:

  • Siết (co) cơ sàn chậu như thể bạn đang cố gắng ngăn chặn khí đi ra ngoài.
  • Giữ cơn co trong 5 giây, và sau đó thư giãn trong 5 giây. Nếu điều này quá khó, hãy bắt đầu bằng cách giữ 2 giây và thư giãn trong 3 giây.
  • Cố gắng giữ co thắt cơ sàn chậu lên tối đa trong 10 giây/lần.
  • Đặt mục tiêu và cố gắng thực hiện bài tập này mỗi ngày 5-6 lần, mỗi lần 10 phút và nên gắn với các thói quen trong ngày để khi làm thói quen đó thì tập Kegel.

Các bài tập Kegel có thể mang lại hiệu quả cao trong khi bạn được hướng dẫn và đảm bảo bạn đang siết chặt các cơ đúng cách trong khoảng thời gian tốt nhất. Khi bạn đã học được phương pháp tập luyện thích hợp, bạn có thể thực hiện các bài tập Kegel một cách kín đáo bất cứ lúc nào, cho dù bạn đang ngồi tại bàn làm việc hay thư giãn trên ghế dài.

Tùy theo nhu cầu và tình trạng của chị em, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ và bài tập cụ thể như:

  • Gói thể dục sàn chậu: Hướng dẫn tập thể dục sàn chậu sau sinh tại phòng tập sàn chậu 3 buổi/tuần. Chuyên viên sàn chậu sẽ tập kỹ và giải thích từng động tác để bạn tập đúng và thuộc bài. Sau 3 buổi, bạn hoàn toàn có thể tự tập được ở nhà, thời gian 30 phút/buổi.
  • Gói tập máy: Tập sàn chậu với máy tập chuyên dụng phản hồi sinh học, kích thích điện cơ, 3 buổi/tuần, thời gian 30 phút/buổi. Nhiều chị em tự tập tuy nhiên do không có hướng dẫn của chuyên gia nên có thể dẫn đến tác dụng ngược, ảnh hưởng đến hệ thống cơ sàn chậu, khiến tình trạng như són tiểu, sa tử cung nặng nề hơn. Khi tập với máy tập chuyên dụng dưới hướng dẫn của chuyên gia sàn chậu, bạn sẽ dễ dàng tập co đúng nhóm cơ sàn chậu cần tập, cải thiện nhanh chóng tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu.
  • Gói kết hợp: Kết hợp 2 buổi tập với máy chuyên dụng và 1 buổi tập thể dục sàn chậu. Đây là gói dành cho khách hàng muốn được tập chuyên sâu hơn nhằm điều trị và phòng ngừa hiệu quả các rối loạn chức năng sàn chậu.
Chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dụcChế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục

SKĐS - Chế độ ăn cho người bị sa sinh dục bao gồm những gì hay nên ăn gì để giúp cải thiện tình trạng bệnh... là thắc mắc khá phổ biến khi gặp phải vấn đề sức khỏe vùng chậu này.


BS CKI Trần Đình Tài
Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa
Ý kiến của bạn