Bài tập cho người bệnh máu khó đông

08-10-2024 14:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đối với bệnh nhân máu khó đông, tập thể dục vừa phải giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp và ổn định khớp. Từ đó có thể làm giảm tần suất chảy máu khớp. Hơn nữa, tập thể dục vừa phải cũng có thể tránh béo phì và từ đó giảm gánh nặng cho khớp.

Máu khó đông: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhMáu khó đông: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Máu khó đông (Hemophilia) là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố đông máu. Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu khó cầm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ. Nếu tái phát nhiều lần dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh máu khó đông

Trước đây bệnh nhân máu khó đông (Hemophilia) vẫn được khuyên nên tránh tập thể dục vì lo ngại nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, hệ quả của việc ít vận động như thừa cân, béo phì, loãng xương còn tai hại hơn nhiều so với tập thể dục.

Bài tập cho người bệnh máu khó đông- Ảnh 2.

Các bài tập cơ vừa phải có lợi với những bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông.(Ảnh minh họa)

Ngày nay, hoạt động thể chất được công nhận là hoạt động thiết yếu để có và duy trì một sức khỏe tốt ở bệnh nhân máu khó đông. Đối với bệnh nhân máu khó đông, tập luyện giúp các cơ chắc chắn hơn, khỏe mạnh hơn để bảo vệ các khớp, giảm thiểu chảy máu trong khớp.

Lợi ích của tập luyện giúp duy trì hoạt động để tăng cường sức mạnh của khớp và cơ, duy trì cân nặng khỏe mạnh và giúp giải tỏa áp lực stress và trương lực căng cơ.

Các lợi ích khác của bài tập bao gồm:

  • Các nhóm cơ được gia tăng sức mạnh và độ dẻo dai.
  • Cải thiện tính linh hoạt của cơ bắp.
  • Đạt được cân nặng lý tưởng giúp giảm áp lực lên các khớp.
  • Cải thiện sự thăng bằng và điều phối hoạt động của các nhóm cơ và khớp, giúp chúng làm việc nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
  • Cảm giác khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.
  • Giúp giảm mệt mỏi.
  • Cuối cùng, giúp ngăn ngừa chảy máu và tổn thương khớp.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các hoạt động thể chất có thể cải thiện hiệu quả của các biện pháp điều trị và ngăn chặn các đợt chảy máu ở bệnh nhân máu khó đông. Đối với các bệnh nhân máu khó đông lớn tuổi, hạn chế vận động do tuổi tác còn làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, thừa cân, loãng xương và các biến chứng liên quan đến Hemophilia.

2. Gợi ý một số bài tập cho người bệnh máu khó đông

2.1. Bài tập kéo căng cơ gân khoeo giúp khớp gối người bệnh máu khó đông linh hoạt

TS. Poonam Sachdev, chuyên gia Ấn Độ về xương khớp cho biết, kéo căng cơ gân kheo giúp khớp gối linh hoạt, cải thiện phạm vi chuyển động, giúp giảm tỷ lệ bị đau và chấn thương.

Cách thực hiện:

  • Khởi động bằng cách đi bộ hoặc nhón chân tại chỗ trước khi tập luyện 5 phút.
  • Nằm ngửa xuống sàn.
  • Dùng một tấm khăn hoặc vải có độ dài 2m rồi đặt vào lòng bàn chân phải.
  • Kéo căng chân lên phía trần nhà.
  • Giữ tư thế trong 20 giây, sau đó hạ chân xuống. Lặp lại hai lần. Sau đó, đổi chân.

Lưu ý: Chân luôn ở tư thế duỗi thẳng.

photo-1665741262659

Kéo căng cơ gân kheo giúp khớp gối vận động linh hoạt.

2.2. Bài tập nâng chân thẳng giúp tăng sức mạnh cơ bắp, giúp hỗ trợ khớp yếu

Cách thực hiện:

  • Nằm trên sàn, chống hai khuỷu tay vuông góc xuống sàn, đỡ phần trên cơ thể.
  • Gập đầu gối trái. Giữ chân phải thẳng, mũi chân hướng lên trên.
  • Siết cơ đùi và nâng cao chân phải, sao cho hai đầu gối ngang với nhau thì càng tốt.
  • Giữ tư thế trong 3 giây rồi từ từ hạ chân xuống.
  • Lặp lại 10 lần rồi đổi chân trái.

Bài tập cho người bệnh máu khó đông- Ảnh 4.

Nâng chân thẳng giúp tăng sức mạnh cơ bắp.

2.3. Bóp gối giúp tăng sức mạnh bên trong chân giúp hỗ trợ đầu gối.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa, co chân, hướng đầu gối lên trần nhà.
  • Đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối.
  • Co hai đầu gối vào nhau, ép chặt gối giữa chúng. Giữ trong 5 giây.
  • Thả lỏng và tiếp tục thực hiện 10 lần.

Lưu ý: Bạn có thể thực hiện bài tập này khi ngồi trên ghế để giảm bớt độ khó.

Bài tập cho người bệnh máu khó đông- Ảnh 5.

Ngồi trên gối giúp khớp gối mềm mại, đi đứng dễ dàng hơn.

Cách thực hiện:

  • Đặt hai chiếc gối trên ghế.
  • Ngồi trên gối, thẳng lưng, đặt hai chân song song trên sàn.
  • Sử dụng cơ chân để đứng lên cao từ từ và nhẹ nhàng. Sau đó lại hạ xuống, ngồi trên gối.

Lưu ý: Khi thực hiện, bạn cần chú ý không uốn cong đầu gối ra ngoài các ngón chân. Khoanh tay hoặc thả lỏng ở hai bên tạo độ khó khi tập. Muốn dễ hơn, bạn có thể sử dụng một chiếc ghế có tay vịn và giúp đẩy cơ thể lên bằng cánh tay.

Cần có sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo việc tập luyện diễn ra hiệu quả và an toàn.

Bài tập cho người bệnh máu khó đông- Ảnh 6.

bài tập ngồi trên gối giúp khớp gối mềm mại, đi đứng dễ dàng hơn.

2.4. Bài tập biên độ vận động khuỷu tay:

Bệnh nhân ở tư thế ngồi

Từ từ gấp khuỷu tay rồi duỗi thẳng, lặp lại nhiều lần.

2.5. Bài tập cẳng tay:

Bệnh nhân ở tư thế ngồi

Từ từ gấp và duỗi thẳng khuỷu tay.

Úp và ngửa lòng bàn tay.

Lặp lại một vài lần.

2.6. Bài tập biên độ vận động khuỷu tay:

Đặt bàn tay lành bên dưới cánh tay bị thương.

Ấn cánh tay bị thương xuống bàn tay lành

Giữ trong vài giây,

Lặp lại nhiều lần.

2.7. Bài tập cảm nhận khuỷu tay:

Chống bàn tay xuống sàn.

Nâng một chân ra phía sau đồng thời giữ thăng bằng trên cả hai tay.

Giữ thăng bằng trong vài giây rồi hạ chân xuống.

Lặp lại bài tập tương tự với chân đối diện.

Lưu ý:

Các bài tập cần giữ ít nhất 5 giây, thực hiện lặp lại 10 lần mỗi hiệp và ít nhất 3 hiệp mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài tập cho người bệnh máu khó đông- Ảnh 7.

Bài tập giúp tang cường các cơ xung quanh khuỷu tay.

Ngoài ra người bệnh máu khó đông nên tham gia các hoạt động như: Đi bộ, đạp xe, chạy bộ, tập thái cực quyền, các bài tập aerobic giúp tăng cường sức mạnh, độ dẻo dai, linh hoạt của cơ bắp để bảo vệ khớp tốt hơn.

3. Các hoạt động người bệnh máu khó đông nên tránh

Người bệnh máu khó đông cần tuyệt đối tránh các môn có tính đối kháng cao như:

  • Bóng đá;
  • Quyền anh;
  • Bóng bầu dục;
  • Võ karate;
  • Đấu vật;
  • Chạy mô-tô;
  • Tập Judo;
  • Trượt patin;
  • Trượt ván;
  • Trượt băng.

4. Lưu ý tập luyện ở người bệnh máu khó đông

Do bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông thiếu một số yếu tố đông máu trong cơ thể, nên khi chảy máu thì sẽ khó đông lại hơn người bình thường. Hơn 80% vị trí chảy máu là trong khớp. Chảy máu nhiều lần có thể gây tổn thương khớp, đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh máu khó đông.

Vì vậy, đối với bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông, khi tập luyện cần chú ý:

- Tránh va chạm hoặc chấn thương. Chỉ nên tập luyện vừa phải, tùy theo thể trạng của mình mà lựa chọn các bài tập phù hợp.

- Cần phải khởi động và giãn cơ trước khi tập.

- Sử dụng đồ bảo hộ như miếng đệm đầu gối và miếng đệm mắt cá chân để bảo vệ các khớp.

- Bệnh nhân Hemophilia cần tham khảo ý kiến chuyên gia cơ-xương-khớp trước khi tham gia các hoạt động thể chất để đánh giá liệu hoạt động thể chất đó có phù hợp với thể trạng và điều kiện sức khỏe của mình hay không.

- Sau khi bị xuất huyết thì các hoạt động thể chất cần được tiến hành một cách từ từ để dần phục hồi lại mức độ vận động như trước khi bị chảy máu, giúp tránh tình trạng bị tái chảy máu do vận động khi chưa hoàn toàn bình phục.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Bác sĩ
Ý kiến của bạn