Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến hiện nay, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhất là nam và nữ trong độ tuổi sinh sản.
1. Bệnh lậu: Căn bệnh xã hội nguy hiểm
Bệnh lậu là bệnh xã hội do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (song cầu khuẩn lậu, lậu cầu khuẩn) gây ra. Khuẩn lậu có khả năng sinh sôi, nảy nở rất nhanh trong môi trường ẩm ướt và nóng ấm của bộ phận sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, dương vật, tinh hoàn…
Ngoài ra, khuẩn lậu còn phát triển mạnh và gây bệnh ở các vị trí khác như mắt, miệng, hậu môn…
Bệnh lậu lây lan qua nhiều con đường, chủ yếu qua đường tình dục, mẹ sang con, lây truyền qua đường máu hay tiếp xúc gián tiếp với các đồ vật, dịch mủ của người bệnh…
Nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm bệnh lậu ở giai đoạn cấp tính, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho nam và nữ:
Đối với nam giới: Viêm tuyến tiền liệt, chít hẹp niệu đạo, hẹp ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn, viêm bao quy đầu…
Đối với nữ giới: Viêm ống dẫn trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, nguy cơ sẩy thai, nhiễm trùng nước ối, sinh non…
Trẻ sinh ra từ mẹ bị bệnh lậu có nguy cơ nhiễm lậu bẩm sinh, mắc các bệnh về mắt, mù lòa, viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu…
Do đó, việc phòng ngừa và điều trị bệnh lậu là điều cần thiết để bảo vệ bản thân và tránh nguy cơ lây nhiễm.
2. Tập thể dục có tốt cho người bệnh lậu?
Hoạt động thể chất với bất kỳ hình thức vận động nào đều dẫn đến tiêu hao năng lượng. Đó có thể là các bài tập thể dục, các hoạt động chạy nhảy, vui chơi, các môn thể thao như bơi lội, đạp xe, cầu lông,… hay thậm chí làm vườn, dọn dẹp nhà cửa. Các hoạt động thể chất đóng một phần quan trọng trong duy trì lối sống lành mạnh và tăng cường sức khỏe.
Các hoạt động không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp mà còn giúp giảm căng thẳng, giảm nguy cơ phát triển một số loại bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), trong đó có bệnh lậu.
2.1. Tăng cường sức khỏe tinh thần
Những người bệnh lậu hay các bệnh lây truyền khác đều dễ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, thư giãn và vui vẻ hơn.
2.2. Tăng cường sức khỏe cơ bắp
Hoạt động thể chất giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện sức khỏe cơ, xương và khớp. Từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư. Đồng thời, tập luyện làm tăng lưu thông máu tới khắp cơ thể, cung cấp oxy cho các tế bào hoạt động tốt hơn.
2.3. Tăng cường sức khỏe miễn dịch
Tập thể dục giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển và lây lan bệnh lậu. Không những vậy, các hoạt động thể chất thường xuyên còn liên quan đến việc giảm căng thẳng, giảm hành vi nguy cơ liên quan đến STD.
2.4. Tăng nhận thức về bệnh lý lây truyền qua đường tình dục
Bằng cách nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe bản thân thông qua hoạt động thể chất, bạn cũng có thể bảo vệ bản thân và bạn tình khỏi những nguy cơ do bệnh lậu gây ra. Tập thể dục liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tình dục bằng cách giảm mệt mỏi, tăng ham muốn tình dục và nâng cao nhận thức tình dục lành mạnh.
2.5. Cải thiện vóc dáng và cân nặng
Tập luyện thường xuyên giúp bạn giữ gìn vóc dáng cân đối, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì.
3. Các bài tập tốt cho người bệnh lậu
Không có bài tập cụ thể nào giúp điều trị bệnh lậu. Người bệnh lậu nên áp dụng các bài tập và hoạt động thể chất ở cường độ nhẹ - trung bình. Các bài tập sẽ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, cải thiện vóc dáng cho người bệnh. Dưới đây là một số bài tập mà bạn có thể tham khảo:
3.1. Tập thở
Tập hít thở sâu không chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp, thư giãn, kiểm soát căng thẳng và cải thiện một số vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, tập thở không tốn quá nhiều sức lực, phù hợp với người bệnh lậu.
Cách thực hiện: Tư thế nằm ngửa (đầu gối cong, kê một chiếc gối dưới đầu gối), hoặc ngồi thẳng trên ghế. Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của bụng và ngực. Hít vào bằng mũi, mím môi, bụng phình ra. Thở ra từ từ bằng miệng chúm môi lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống. Hít vào 1 - 2 thì, thở ra 1 - 2 - 3 - 4 thì (gấp đôi lúc hít vào).
3.2. Bài tập tư thế ngả lưng
Ngả lưng giúp giảm căng thẳng và áp lực vùng hông, háng, nơi các tổn thương do bệnh lý lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Cách thực hiện: Tư thế nằm ngửa trên sàn, hai chân mở rộng. Đặt cánh tay ngang hông, lòng bàn tay úp. Gập hai đầu gối sang hai bên nhiều nhất có thể. Hai lòng bàn chân úp vào nhau. Nằm và thư giãn ở tư thế này trong vòng 1 phút rồi duỗi thẳng chân để nghỉ. Duy trì thở đều đặn, lặp lại động tác 10 lần.
3.3. Bài tập tư thế em bé
Tư thế này không chỉ giúp kéo giãn cơ thể, hỗ trợ lưu thông máu mà còn giúp cải thiện chức năng hô hấp và miễn dịch của cơ thể.
Cách thực hiện: Người bệnh quỳ gối trên sàn và ngồi trên gót chân. Sau đó, từ từ cúi người về phía trước để đưa trán chạm xuống nền thảm. Nếu khi mới bắt đầu tập, trán chưa thể chạm đến thảm, hãy cố gắng uốn cong hết mức có thể. Giữ tư thế và hít sâu trong khoảng 5 - 10 nhịp thở rồi trở về tư thế ban đầu.
3.4. Bài tập tư thế gác chân lên tường
Gác chân lên tường giúp giảm căng thẳng cho vùng thân dưới, cải thiện tuần hoàn máu. Ngoài ra, tư thế này còn giúp tăng tính linh hoạt cho các cơ vùng chậu, tránh nguy cơ chuột rút.
Cách thực hiện: Tư thế nằm ngửa, hai chân áp sát vào nhau và áp thẳng lên tường. Mông sát vào mép tường. Hai tay duỗi thẳng sang hai bên. Duy trì tư thế trong vòng 1 phút, hít thở đều đặn. Khi kết thúc tư thế, từ từ co đầu gối và hạ nghiêng sang một bên, sau đó thả lỏng và nằm nghiêng một lát. Lặp lại tư thế 10 lần.
3.5. Bài tập tư thế rắn hổ mang
Tư thế rắn hổ mang là bài tập mở ngực giúp tăng giải phóng bạch cầu, tăng cường miễn dịch cơ thể, giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện lưu thông máu.
Cách thực hiện: Người bệnh nằm sấp xuống sàn, hai chân khép lại, hai tay co và lòng bàn tay úp. Từ từ di chuyển tay lên trên phía ngang vai, chống hai lòng bàn tay xuống sàn. Nâng người lên bằng tay, hít vào và ngửa đầu ra sau. Tạo tư thế giống rắn hổ mang. Mở rộng vai và siết cơ bụng, đùi. Giữ tư thế trong khoảng 30 giây. Sau đó thả lỏng cơ thể, từ từ trả về tư thế ban đầu. Hít thở đều.
3.6. Bài tập tư thế cánh bướm
Bài tập này kích thích chức năng bài tiết của cơ thể, quản lý cảm xúc và chức năng tình dục. Tư thế này cũng tăng cường sức mạnh cơ bắp và khả năng lưu thông trong các cơ sàn chậu của cả nam và nữ.
Cách thực hiện: Ngồi trên thảm, lưng thẳng, co hai chân sao cho đầu gối hướng ra ngoài, hai lòng bàn chân hướng vào nhau. Siết chặt cơ bụng rồi dùng tay ép hai đầu gối xuống sàn càng nhiều càng tốt. Mỗi lần ép đầu gối khoảng 30 giây rồi thu về tư thế ban đầu. Thực hiện khoảng 10 - 20 lần.
4. Những lưu ý khi tập luyện cho người bệnh lậu
Tập thể dục là một phần thiết yếu của lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, nó cũng có thể đi kèm với những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, khi tập luyện, bạn cần:
Không nên dùng chung các vật dụng như đồ lót, khăn lau, chai nước, bàn chải… ở phòng tập để tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý liên quan đường tình dục. Nên rửa tay kỹ sau khi sử dụng.
Tránh tiếp xúc da kề da với những người tham gia khác khi tập thể dục, các hoạt động theo lớp, theo nhóm.
Hạn chế các hoạt động vận động mạnh, các môn thể thao cường độ mạnh hay đạp xe… vì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vị trí tổn thương làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy một bạn tình. Không quan hệ tình dục trong quá trình điều trị bệnh lậu.
Khi đang điều trị bệnh, nên điều trị đúng - đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh, kháng thuốc dẫn tới điều trị khó khăn hơn.
Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, kiêng các chất kích thích, tập luyện đều đặn các bài tập cường độ thấp - trung bình.
Uống nhiều nước để giúp cơ thể luôn tỉnh táo, thanh lọc chất độc tốt hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình đi vệ sinh dễ dàng, tránh tiểu buốt, dắt.
Tránh lao động nặng, thức khuya, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vì sao dùng ‘áo mưa’ vẫn mắc bệnh lậu sau quan hệ?