- 1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao thanh quản
- 2. Các bài tập tốt cho người bệnh
- 2.1 Các bài tập yoga
- 2.2 Bài tập massage vùng cổ
- 2.3 Bài tập hít thở sâu
- 2.4 Bài tập chu môi
- 2.5 Bài tập phát âm
- 2.6 Thủ thuật Mendelsohn
- 2.7 Các bài tập thể chất khác tốt cho người mắc lao thanh quản
- 3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh lao thanh quản khi tập luyện
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao thanh quản
Lao thanh quản là bệnh viêm thanh quản đặc hiệu do vi trùng lao là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến bệnh lao thanh quản là khàn giọng có thể đi kèm với chứng khó thở, khó nuốt, ho.
Việc thực hiện các bài tập sẽ giúp người bệnh:
- Giảm các triệu chứng lo âu, giúp người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn.
- Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc kháng lao.
- Giảm các triệu chứng khó thở, điều hòa nhịp thở, giảm tổn thương dây thanh.
- Thư giãn dây thanh, giảm đau vùng cổ họng, giúp nuốt thức ăn dễ hơn.
2. Các bài tập tốt cho người bệnh
2.1 Các bài tập yoga
Tư thế con thuyền
Tác dụng: Giúp giảm stress, lo âu, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên thảm, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt xuôi theo thân.
- Hít vào, nhấc cả hai chân lên phía trên một góc 45 độ so với sàn nhà.
- Tiếp tục đưa hai cánh tay ra phía trước, song song với đôi chân.

Tư thế con thuyền giúp giảm căng thẳng cho người bệnh lao thanh quản.
Nghiêng cổ
Tác dụng: Giảm căng thẳng cơ bắp vùng cổ và vai, giúp dây thanh thư giãn.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng, nhẹ nhàng nghiêng đầu sang bên trái, có thể dùng tay trái đặt lên đầu bên phải để kéo giãn nhiều hơn, giữ trong 5-10 giây, sau đó nghiêng sang bên trái, giữ trong 5-10 giây.
- Cúi đầu xuống, cằm chạm vào ngực, giữ trong 5-10 giây.
- Ngẩng đầu lên, ngửa ra sau, kéo căng cơ cổ, mắt nhìn thẳng trần nhà và giữ tư thế trong vài giây.
- Thực hiện động tác này 5-7 lần mỗi hướng.

Cách thực hiện tư thế nghiêng cổ, thư giãn dây thanh.
Tư thế tam giác
Tác dụng: Giải tỏa căng thẳng, tăng cường khả năng miễn dịch, duy trì sự cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần của cơ thể.
Cách thực hiện:
- Đứng trên thảm, hai chân dang rộng hơn vai, xoay bàn chân phải ra ngoài sao cho các ngón chân hướng về phía cạnh ngắn của tấm thảm, bàn chân trái đặt nằm ngang.
- Hít vào, giơ hai tay qua đầu. Thở ra, hạ cánh tay phải xuống, đặt tay lên bàn chân phải hoặc đặt xuống sàn, bên trong bàn chân phải.
- Hướng cánh tay trái thẳng lên trần nhà, tay thẳng hàng với vai, lòng bàn tay hướng về phía trước, mắt nhìn theo tay trái.
- Giữ khuôn mặt thư giãn và hít thở nhẹ nhàng, giữ tư thế trong 3-5 giây rồi đổi bên.

Cách thực hiện tư thế tam giác.
Co giãn cơ ngực
Tác dụng: Giúp kéo giãn các cơ và mô mềm quanh lồng ngực, tăng cường khả năng trao đổi khí giảm triệu chứng khó thở.
Cách thực hiện:
- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, đặt tay lên vùng eo, hít sâu qua mũi, đồng thời mở rộng lồng ngực và đẩy vai ra sau, hướng cằm lên trên.
- Giữ trong 3-5 giây rồi thở ra chậm qua miệng, thả lỏng vai.
- Lặp lại 8-10 lần.

Tư thế thực hiện giãn cơ ngực, giảm khó thở cho người mắc lao thanh quản.
2.2 Bài tập massage vùng cổ
Tác dụng: Giảm căng thẳng cơ vùng cổ, tăng cường khả năng nuốt.
Cách thực hiện:
- Dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng vùng cổ và vai.
- Thực hiện mát-xa theo vòng tròn và xoa đều vùng cổ.
- Lặp lại khoảng 5-10 phút.

Massage vùng cổ, vai giảm căng thẳng cho người mắc lao thanh quản.
2.3 Bài tập hít thở sâu
Tác dụng: Tăng cường chức năng hô hấp, giúp điều hòa nhịp thở, giảm triệu chứng khó thở.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng hoặc nằm trên một bề mặt phẳng, thả lỏng chân tay và toàn bộ cơ thể, hít vào sâu bằng mũi trong 4-5 giây, giữ hơi thở trong 2-3 giây.
- Thở ra từ từ qua miệng trong khoảng 5-6 giây, lặp lại bài tập này từ 5 đến 10 phút mỗi ngày.
2.4 Bài tập chu môi
Tác dụng: Giúp tăng cường khả năng trao đổi khí, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế với lưng giữ thẳng và thả lỏng vùng vai, cổ; từ từ dùng mũi hít vào rồi ngậm miệng lại.
- Sau đó, chu môi rồi mới thở ra từ từ, cho tới khi không khí được đẩy hết ra ngoài, thực hiện 03-05 lần/ngày.

Cách thực hiện bài tập chu môi giúp tăng cường trao đổi khí.
2.5 Bài tập phát âm
Bài 1: Giúp thư giãn, giảm áp lực lên dây thanh.
Cách thực hiện:
- Hít vào sâu, sau đó nhẹ nhàng phát ra âm "mmmm" khi thở ra, cảm nhận sự rung động ở môi và mũi khi phát âm.
- Thực hiện trong 5-10 phút mỗi lần, ngày 3-5 lần.
Bài 2: Bài tập phát âm từ từ giúp phát âm mà không làm tổn thương dây thanh.
Cách thực hiện:
- Hít vào nhẹ nhàng, rồi từ từ phát ra âm "ah" hoặc "oh" với âm lượng nhỏ và nhẹ nhàng.
- Tập trung vào việc giữ âm thanh nhẹ nhàng. Thực hiện trong 5 phút, 2-3 lần mỗi ngày.

Bài tập phát âm giúp giảm áp lực lên dây thanh, tốt cho người mắc lao thanh quản.
2.6 Thủ thuật Mendelsohn
Tác dụng: Giúp hỗ trợ quá trình nuốt thức ăn.
Cách thực hiện:
- Dùng ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn đặt lên phía trước cổ để xác định vị trí yết hầu. Nuốt xuống 1 lần, cảm nhận và chú ý vị trí lên xuống của yết hầu khi nuốt.
- Tiếp tục nuốt lần 2 nhưng không nuốt xuống ngay mà siết chặt cơ cổ họng để giữ yết hầu ở điểm cao nhất, trong thời gian lâu nhất có thể.
- Thực hiện 3-5 lần mỗi ngày.

Cách thực hiện thủ thuật Mendelsohn hỗ trợ nuốt thức ăn.
2.7 Các bài tập thể chất khác tốt cho người mắc lao thanh quản
Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng ở công viên, hoặc đi bộ máy tập giảm lo âu, tăng cường hệ miễn dịch, thư giãn tinh thần. Đi bộ 30-40 phút ngày 02 lần vào sáng sớm, chiều tối.
Đạp xe: Đạp xe tại chỗ hoặc đạp xe trên đường giúp thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe, giúp tăng cường khả năng trao đổi khí.
3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh lao thanh quản khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng lúc 6-7h để tránh lạnh trong mùa đông. Buổi chiều nên tập lúc 5-6h chiều; tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính sốt, khó thở, ho đờm, thể trạng yếu, không được tập luyện ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh điều trị ổn định bắt đầu tập, tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập.
Cách tập không gây hại sức khỏe:
- Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập, tập trong thời gian phù hợp với thể trạng cơ thể.
- Tập trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh.
- Lắng nghe cơ thể, ngừng tập ngay lập tức nếu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đau nhức cổ họng.
- Tránh nói to trong quá trình tập luyện, nên hạn chế việc nói hoặc phát âm to để bảo vệ dây thanh quản.
- Uống đủ nước và duy trì độ ẩm cho không khí trong môi trường tập luyện. Bổ sung vitamin B, C.
- Tránh xa chất kích thích rượu thuốc lá, cà phê.
Mời bạn xem tiếp video:
Khó nuốt kéo dài sau tết, người đàn ông phát hiện ung thư thực quản | SKĐS