Hà Nội

Bài tập cho người bạch sản

19-07-2024 08:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm chế độ không hút thuốc lá, không sử dụng rượu và một chế độ ăn khoa học, thì các bài tập luyện thể dục cũng góp phần đẩy lùi và phòng ngừa căn bệnh bạch sản.

    1. Vai trò của tập luyện đối với người bạch sản

Bạch sản là hiện tượng xuất hiện những mảng dày màu trắng được hình thành ở mặt trong của gò má, nướu hoặc lưỡi, những mảng trắng này được tạo ra bởi sự tăng trưởng các các tế bào quá mức và thường xuất hiện phổ biến ở những người hay hút thuốc lá.

Biểu hiện đầu tiên là những vết lở loét thông thường xuất hiện trên nướu, má trong, dưới nền miệng, và đôi khi cả trên lưỡi.

Bệnh bạch sản thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, tỷ lệ nam - nữ là 2:1, thường ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 70.

Bệnh có liên quan mật thiết đến việc sử dụng thuốc lá. Hút thuốc chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh bạch sản, ngoài ra nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh bạch sản.

Với bệnh bạch sản lông thì virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân chính gây khởi phát bệnh. Một khi xâm nhập vào cơ thể, EBV sẽ ở trong đó vĩnh viễn. Loại vi khuẩn này thường không hoạt động tuy nhiên nó có thể gây ra vết loét và phát triển bệnh bất cứ lúc nào.

Trong thực tế, các vết bạch sản lành tính đều tự lành và không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào chỉ cần tránh các yếu tố có thể gây ra bệnh bạch sản, chẳng hạn như sử dụng thuốc lá…

Những người có hệ miễn dịch suy giảm như những người HIV hoặc gặp vấn đề miễn dịch khác có tỷ lệ phát bệnh bạch sản cao hơn. Chính vì thế, các biện pháp tăng cường sức khỏe để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh là vô cùng cần thiết đối với những người bệnh bạch sản nói riêng và những người chưa mắc bệnh nói chung.

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm chế độ không hút thuốc lá, không sử dụng rượu và một chế độ ăn khoa học, thì các bài tập luyện thể dục cũng góp phần đẩy lùi và phòng ngừa căn bệnh bạch sản này.

Việc tập luyện giúp người bệnh nâng cao hệ miễn dịch, chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm và sống khỏe mạnh hơn.

2. Các bài tập tốt cho người bệnh bạch sản

Bài tập 1: Tư thế Con mèo - Con bò (Cat-Cow Pose)

- Cách thực hiện:

+ Bắt đầu ở tư thế bốn chân, với cổ tay dưới vai và đầu gối dưới hông.

+ Hít vào, cong lưng lên, hạ đầu và xương cụt xuống (Tư thế Con mèo).

+ Thở ra, uốn cong lưng xuống, nâng đầu và xương cụt lên (Tư thế Con bò).

+ Lặp lại động tác này 10 - 15 lần, kết hợp với nhịp thở đều đặn.

- Tác dụng: Tư thế này giúp kích thích hệ bạch huyết và cải thiện tuần hoàn máu. Ngoài ra, tư thế Con mèo - Con bò còn giúp làm nóng cơ thể, cải thiện lưu thông máu trong các đĩa đệm ở lưng và mang lại sự linh hoạt cho cột sống. Tư thế này rất hữu ích trong việc hỗ trợ lưng, giảm đau và duy trì cột sống khỏe mạnh cũng như vững chãi hệ miễn dịch cho cơ thể.

Bài tập cho người bạch sản- Ảnh 1.

Tư thế Con bò - Con mèo kích thích hệ bạch huyết.

Bài tập 2: Tư thế Cái cây (Tree Pose)

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, đặt trọng lượng cơ thể lên chân trái.

+ Gập đầu gối phải, đặt lòng bàn chân phải lên đùi trái hoặc dưới đầu gối trái (không đặt trực tiếp lên đầu gối).

+ Hai tay chắp trước ngực hoặc giơ lên trên đầu, giữ thăng bằng.

+ Giữ tư thế này trong 30 giây đến 1 phút, sau đó đổi chân.

- Tác dụng: Tư thế yoga này giúp tạo ra sự bình yên trong tâm trí và cơ thể. Tư thế cái cây có thể tạo cho cơ thể sự chuẩn bị để đạt được sự cân bằng tốt nhất. Đặc biệt, tư thế này có thể hoạt động như một tư thế chuyển tiếp giúp bạn dễ dàng di chuyển từ tư thế này sang tư thế khác với sức mạnh và sự tập trung tốt nhất.

Bài tập cho người bạch sản- Ảnh 2.

Tư thế Cái cây tạo sự bình yên trong tâm trí.

Bài tập 3: Tư thế Chó úp mặt (Downward-Facing Dog)

- Cách thực hiện:

+ Bắt đầu ở tư thế bốn chân, đặt tay và đầu gối lên sàn.

+ Đẩy hông lên và ra sau, duỗi thẳng chân và tay, tạo thành hình chữ V ngược.

+ Giữ tư thế này trong 1 - 3 phút, hít thở đều.

- Tác dụng: Tư thế này giúp kéo dài và làm mạnh cơ bắp, tăng cường sức mạnh cho cơ vai và tay, săn chắc cơ lưng. Tư thế đảo ngược nhẹ nhàng này làm cho máu lưu thông tốt hơn đến đầu, tăng cường oxy và dưỡng chất cho não. Đồng thời thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng và lo âu. Hít thở sâu trong khi thực hiện tư thế giúp tâm trí bình tĩnh và thoải mái.

Ngoài ra, tư thế này còn thúc đẩy lưu thông bạch huyết, giúp loại bỏ độc tố và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.

Bài tập cho người bạch sản- Ảnh 3.

Tư thế Chó úp mặt tăng cường sức mạnh cho cơ vai và tay.

Bài tập 4: Tư thế Con thuyền (Navasana)

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng.

+ Cong đầu gối, nâng chân lên sao cho cẳng chân song song với sàn.

+ Đưa tay về phía trước, song song với sàn.

+ Giữ lưng thẳng và duy trì tư thế này trong 30 giây đến 1 phút.

- Tác dụng: Tư thế này giúp làm săn chắc và tăng cường sức mạnh cho cơ bụng, đặc biệt là các nhóm cơ ở vùng bụng dưới. Giữ tư thế này kết hợp với việc hít thở sâu và đều đặn có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tinh thần. Tư thế Con thuyền giúp kích thích các cơ quan nội tạng, bao gồm gan, thận và tuyến tụy, cải thiện chức năng tiêu hóa và quá trình trao đổi chất.

Bài tập cho người bạch sản- Ảnh 4.

Tư thế xác chết giảm căng thẳng và lo âu.

Bài tập 5: Tư thế Xác chết (Savasana)

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên sàn, tay chân duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng lên.

+ Nhắm mắt và thả lỏng toàn thân.

+ Hít thở sâu và đều đặn, thư giãn hoàn toàn.

+ Giữ tư thế này trong 5 - 10 phút.

- Tác dụng: Tư thế Xác chết giúp cơ thể và tâm trí thư giãn hoàn toàn, giảm căng thẳng và lo âu. Đây là thời gian để thả lỏng cơ bắp và để tâm trí bình an. Việc thư giãn sâu giúp cơ thể tiết ra các hormone có lợi và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại các bệnh tật và vi khuẩn.

Ngoài ra, việc thư giãn hoàn toàn trong tư thế này có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp giảm chứng mất ngủ và cải thiện giấc ngủ sâu.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Luôn dành thời gian để khởi động cơ thể trước khi bắt đầu các tư thế tập luyện này để tránh chấn thương. Đặc biệt với những động tác trên, nên làm ấm vùng cơ bụng và cơ lưng bằng các bài tập nhẹ nhàng.

- Đừng ép buộc bản thân vào các tư thế mà bạn cảm thấy đau hoặc không thoải mái. Luôn lắng nghe cơ thể và điều chỉnh tư thế cho phù hợp.

- Tập luyện ở nơi yên tĩnh, thoải mái, không bị quấy rầy để có thể thư giãn hoàn toàn.

- Hít thở sâu và đều, kết hợp với các động tác. Hơi thở đúng cách giúp tăng cường hiệu quả của bài tập và thư giãn tâm trí.

- Giữa các động tác, hãy dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Tư thế Xác chết (Savasana) là một lựa chọn tốt để thư giãn giữa và sau buổi tập.

- Sử dụng thảm yoga để tránh trượt và giảm áp lực lên các khớp.

- Chọn quần áo thoáng mát, co giãn tốt để dễ dàng di chuyển và thực hiện các tư thế.

- Đảm bảo cơ thể đủ nước trước và sau khi tập luyện.

- Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy thực hiện các động tác tập luyện đều đặn, ít nhất 3 - 4 lần mỗi tuần.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sau khi tập luyện, tránh xa các loại nước này.


BSNT. Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn