Tập thể dục là hoạt động có lợi cho sức khỏe đối với tất cả các đối tượng, đặc biệt đối với bệnh nhân của ung thư phổi. Các bài tập có tầm quan trọng rất lớn trong việc cải thiện tình trạng bệnh. Việc tìm kiếm cho mình những bài tập hợp lý sẽ giúp cho bệnh nhân cải thiện nhịp thở, tăng mức năng lượng, giảm nguy cơ tái phát ung thư, ngăn ngừa các chứng bệnh khác và giảm thiểu căng thẳng, lo âu.
TS. Đỗ Thị Phương Chung - Trưởng khoa Ung Bướu Cơ Sở An Đồng - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Tiệp khuyên rằng, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình luyện tập nào.
1. Đang bệnh có nên tập thể dục?
Nhiều bệnh nhân ung thư thường lo ngại việc vận động sẽ khiến cơ thể thêm mệt mỏi. Trái lại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ luyện tập phù hợp, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, có thể giúp người bệnh tăng cường thể chất, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị bệnh.
2. Những bài tập phù hợp và cách thực hiện
2.1 Tập thở
Việc kết hợp các bài tập vào các thói quen hàng ngày sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có 4 bài tập quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phổi, mỗi loại cung cấp những lợi ích khác nhau, như cải thiện tính linh hoạt và cân bằng; tăng cường sức khỏe tim, phổi; xây dựng và duy trì cơ bắp để giúp bạn khỏe khoắn hơn.
Tác dụng: Bài tập thở là một trong những bài tập rất quan trọng đối với người mắc ung thư phổi, có thể giúp tăng cường các cơ khi hít vào và thở ra. Cơ hoành là cơ bên dưới phổi giúp kiểm soát độ sâu cũng như độ mạnh của hơi thở. Tăng cường cơ hoành có thể giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
Một bài tập thở bằng cơ hoành ở giữa phổi và bụng sẽ cho phép nhiều không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi mà không gây mệt mỏi cho các cơ này. Bài tập này cũng có thể giúp điều hòa nhịp thở nếu bạn bị hụt hơi khi hoạt động.
Cách thực hiện bài tập:
- Đặt một tay lên bụng khi đang ngồi hoặc đứng thẳng.
- Hít vào bằng mũi và thả lỏng, đẩy bụng ra ngoài.
- Di chuyển tay từ bụng ra ngoài nhằm hạ thấp cơ hoành và làm tăng dung tích phổi.
- Mím chặt môi, thở ra từ từ. Tay trên bụng nhẹ nhàng đẩy vào trong và lên trên để giúp tạo khoảng trống cho phổi.
- Tiếp tục hít vào bằng mũi từ từ và lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày.
2.2 Bài tập giãn cơ
Tác dụng: Giãn cơ giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ, cải thiện độ đàn hồi và hỗ trợ cơ thể tự phục hồi. Các bài tập tác động đến phần thân trên giúp mở rộng khuôn ngực và tăng dung tích phổi, từ đó giúp người bệnh thở sâu và dễ thở hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân sau khi xạ trị, vì xạ trị thường gây căng cơ. Căng cơ quá mức làm ảnh hưởng đến các mô sẹo sau phẫu thuật.

Bệnh nhân mắc ung thư vẫn có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tùy theo tình trạng và giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi chọn bài tập. Ảnh: AI
Bài kéo căng tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi cũng có thể giúp cải thiện tình trạng cong xương sống do ngồi lâu. Ngoài ra, kéo căng cơ cũng là một phương pháp để kiểm soát căng thẳng và lo lắng khi sống chung với bệnh ung thư phổi.
Điều quan trọng là phải căng cơ thường xuyên để dần cải thiện và duy trì phạm vi chuyển động cũng như tính linh hoạt của cơ thể.
Cách thực hiện: bài tập:
Với bài tập giãn căng ngực, người tập ngồi hoặc đứng thẳng:
- Từ từ đưa cánh tay ra phía sau lưng, đan các ngón tay lại với nhau.
- Duỗi thẳng cánh tay và kéo căng về phía trước. Khi cảm thấy ngực ở trạng thái căng nhất thì dừng lại, giữ trong 10-30 giây và trở về tư thế ban đầu.
- Người tập cần kết hợp với hít thở sâu ổn định và thư giãn.
- Ngoài ra, người bệnh đi bộ quanh nhà, thực hiện bài tập nhịp điệu nhẹ nhàng nhằm cải thiện mức năng lượng thấp do các triệu chứng hoặc điều trị gây ra.
2.3 Thể dục nhịp điệu

Người mắc ung thư phổi có thể chọn bài tập thể dục nhịp điệu để luyện sức khỏe, nâng cao thể lực. Ảnh: AI
- Tập thể dục nhịp điệu hàng ngày là một cách tuyệt vời giúp người bệnh ung thư phổi nâng cao thể lực, sức khỏe tim mạch và cải thiện khả năng trao đổi oxy. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động yêu thích nào để tăng nhịp tim.
- Người bệnh ung thư phổi được khuyến nghị tập 150 phút mỗi tuần, bắt đầu từ mức độ nhẹ và dần nâng lên mức độ cao hơn. Bạn nên bắt đầu bằng các buổi tập ngắn, khoảng 10 phút mỗi buổi, ở bất cứ nơi nào thuận tiện mà không cần phải đến phòng tập.
- Tập thể dục cường độ thấp như đi bộ là cách an toàn để bắt đầu. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ quanh một căn phòng trong nhà, nghỉ ngơi và sau đó tiếp tục đi bộ. Khi cảm thấy tự tin hơn, hãy cố gắng tăng khoảng cách từ từ. Điều này có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày. Sử dụng máy đếm bước chân để đếm số bước của bạn, cũng như giúp thiết lập và đạt được mục tiêu. Sau đó, từ từ tăng cường độ tập luyện bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như đi cầu thang và đỗ xe xa điểm đến hơn so với trước đây.
2.4 Vật lý trị liệu
- Tập vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân có những hoạt động phù hợp nhất đối với tình hình sức khỏe hiện tại. Cần lưu ý rằng, bác sĩ vật lý trị liệu cần được biết tiền sử bệnh của bệnh nhân trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện.
- Có rất nhiều hình thức tập luyện khác nhau cho người mắc ung thư phổi. Các hoạt động trong cuộc sống thường ngày cũng có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Người mắc ung thư phổi được khuyến cáo rằng nên trao đổi rõ với bác sĩ vật lý trị liệu để có phương pháp phù hợp với sức khỏe bản thân.
3. Một số điều cần lưu ý chung
Lắng nghe cơ thể: Nếu cảm thấy mệt, đau hoặc chóng mặt, hãy ngưng tập ngay.
- Tập luyện nhẹ nhàng: Tránh tập quá sức, đặc biệt trong giai đoạn hóa trị hoặc xạ trị.
- Tham khảo bác sĩ: Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ hình thức vận động nào.
TS. Đỗ Thị Phương Chung - Trưởng khoa Ung Bướu Cơ Sở An Đồng - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Tiệp đánh giá, tập thể dục đúng cách sẽ giúp bệnh nhân ung thư phổi duy trì thể lực, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bớt các tác dụng phụ do điều trị gây ra. Người bệnh hãy kiên trì thực hiện các bài tập phù hợp, lắng nghe cơ thể mình và đồng hành cùng bác sĩ trong hành trình chăm sóc sức khỏe.
Mời quý vị xem thêm: