Bài tập cho bệnh nhân sa trực tràng

20-08-2024 10:38 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Tập thể dục đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình.

1. Cách tập không gây hại đối với bệnh nhân sa trực tràng

Bài tập cảm nhận và tăng sức mạnh cơ sàn chậu cũng như các bài tập tương tự như Kegel, Bridge, Squat… là các bài tập hỗ trợ cho các bệnh lý vùng sàn chậu (sa trực tràng, sa sinh dục, són tiểu…). Tuy nhiên để đạt được lợi ích và không phản tác dụng chúng ta cần phải tuân thủ các nguyên tắc:

  • Cần thuần thục giai đoạn 1, giai đoạn cảm nhận cơ là giai đoạn quan trọng nhất, tránh việc qua giai đoạn 2 sử dụng sai nhóm cơ, nhất là các nhóm cơ làm tăng áp lực ổ bụng.
  • Lựa chọn tư thế tập thoải mái nhất để bắt đầu.
Bài tập cho bệnh nhân sa trực tràng- Ảnh 1.

Cơ vòng hậu môn gồm có 2 loại: cơ không tự chủ và cơ tự chủ.

  • Duy trì tập thường xuyên và kiên trì.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bài tập gây ra những vấn đề khó chịu như: đau hay không đạt được hiệu quả như mong muốn.

2. Đang ốm có nên tập thể dục không

Nhanh chóng hồi phục luôn là mục tiêu mà chúng ta hướng đến khi chẳng may bị ốm, nhưng không dễ để nắm rõ khi nào nên tập luyện lại với cường độ như trước, hay bản thân cần thêm vài ngày nghỉ ngơi.

Rất nhiều chuyên gia sử dụng nguyên tắc "từ cổ trở lên", khi tư vấn cho người bệnh về thời điểm thích hợp tập luyện lại. Theo nguyên tắc này, nếu bạn chỉ gặp phải các triệu chứng từ cổ trở lên như nghẹt mũi, hắt hơi hoặc đau tai, thường thì bạn có thể tiếp tục tập luyện.

Mặt khác, nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng từ cổ trở xuống, như buồn nôn, đau cơ, sốt, tiêu chảy, sa trực tràng, ho có đờm hoặc khó thở, bạn nên ngừng tập cho đến khi khỏe lại.

3. Thời điểm tập tốt trong ngày đối với bệnh nhân sa trực tràng

Đối với bài tập cảm nhận và tăng sức mạnh cơ sàn chậu cho bệnh nhân sa trực tràng hay đối với các bài tập thể dục nói chung, thời điểm tốt nhất để luyện tập là khi cơ ít bị mỏi nhất như vào sáng sớm sau khi thức dậy hoặc sau khi được nghỉ ngơi.

Bài tập cho bệnh nhân sa trực tràng- Ảnh 2.

Các bài tập cơ vòng cải thiện tình trạng sa trực tràng và giúp bạn kiểm soát ruột tốt hơn.

Đối với xã hội hiện đại, thời điểm thích hợp còn phụ thuộc vào công việc từng người. Do đó, ngoài buổi sáng sớm, bạn có thể thực hiện bài tập vào cuối buổi chiều sau khi hết thời gian làm việc trong ngày. Hơn nữa, khi đã luyện tập đến giai đoạn 3, chúng ta có thể thực hiện bài tập cùng với các hoạt động hàng ngày hoặc bất cứ khi nào nghĩ đến nó, bắt đầu chỉ đơn giản với việc cảm nhận và gồng cơ vùng sàn chậu.

Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến cáo thực hiện bài tập vào buổi tối, vì buổi tối là thời điểm ta cần nghỉ ngơi sau một ngày dài. Việc thực hiện bài tập với cường độ cao sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và cơ thể.

4. Những bài tập tốt cho người bệnh sa trực tràng

Các bài tập sa trực tràng bao gồm ba giai đoạn sau để đạt được sức mạnh và sự nâng đỡ cho đáy chậu tốt nhất có thể.

4.1. Giai đoạn 1: Cảm nhận cơ đáy chậu

  • Bắt đầu ở tư thế ngồi hoặc nằm xuống (chỉnh tư thế đúng).
  • Tưởng tượng bạn đang cố gặng chặn lại cơn gió đi ra từ hậu môn khi đại tràng, cũng như chặn nước tiểu từ niệu đạo.
  • Từ từ nâng và gồng cơ quanh hậu môn, âm đạo và niệu đạo.
  • Bạn thấy cơ hậu môn co lại nếu nhìn qua một chiếc gương.
  • Tiếp tục thở khi mông và đùi thư giãn.
  • Thả lỏng cơ ở vùng trong và xung quanh vùng hậu môn.

Để nâng cao bài tập:

  • Dần dần thử kéo dài thời gian để duy trì sự co cơ khi bạn nâng quanh hậu môn, âm đạo và niệu đạo từ bên trong.
  • Dần dần thử tăng sức mạnh dùng để co cơ.
  • Cố gắng thực hiện bài tập khi lưng ở vị trí thẳng đứng (VD: ngồi hoặc đứng).
Bài tập cho bệnh nhân sa trực tràng- Ảnh 3.

Đáy chậu sẽ hỗ trợ cho trực tràng (vị trí mũi tên xanh). Cơ đáy chậu phối hợp với mô khỏe khác để chịu lực do các hoạt động hàng ngày tác động lên đáy chậu để nâng đỡ và giữ trực tràng ở vị trí đúng.

4.2. Giai đoạn 2 – Luyện tập cơ đáy chậu

  • Bắt đầu ở vị trí sao cho bạn có thể cảm nhận sự hoạt động của cơ đáy chậu tốt nhất (nằm, ngồi hay đứng).
  • Từ từ kích hoạt cơ đáy chậu bằng cách nâng và gồng cơ đến 10 giây mỗi lần.
  • Thả lỏng cơ đáy chậu trở lại vị trí ban đầu và nghỉ ở đây.
  • Lặp lại bài tập nâng cơ đáy chậu và thực hiện 10 lần liên tiếp.
  •  Lần tới luyện tập nâng và gồng cơ sàn chậu nhanh và mạnh hơn nữa lên đến 10 lần.
  • Thử lặp lại những bài tập này (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) 3 lần mỗi ngày.

4.3. Giai đoạn 3 – Luyện tập cơ đáy chậu khi thực hiện những hoạt động hàng ngày

Luyện tập cùng với hoạt động hàng ngày bao gồm:

  • Ở tư thế ngồi hoặc đứng.
  • Trước và trong khi ho, hắt hơi và nâng vật nặng.
  • Thử nhịn một chút khi buồn tiểu hoặc đại tiện.

Mẹo để thực hiện bài tập thành công

  • Lựa chọn những tư thế để trực tràng được hỗ trợ nhiều bởi các bài tập, chẳng hạn tư thế nằm.
  • Thực hiện bài tập đáy chậu (kegel) khi cơ của bạn ít bị mỏi (VD: vào thời điểm sớm trong ngày).
  • Luôn nâng cơ đáy chậu sau khi đại tiện.
  • Tiếp tục thực hiện các bài tập này khi ở tư thế ngồi hoặc đứng.
Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịSa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều mức độ tiến triển. Vì vậy, các biện pháp điều trị cũng rất khác nhau.


BSCKII Phạm Gia Thành
Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn