1. Vai trò của tập luyện với người bệnh quáng gà
Tập luyện là một biện pháp hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh quáng gà bao gồm:
- Thích nghi: Khi tiếp xúc với bóng tối, mắt cần thời gian để điều chỉnh và sử dụng các tế bào que để nhìn rõ. Tập luyện thường xuyên giúp mắt thích nghi nhanh hơn với điều kiện thiếu sáng, tăng cường độ nhạy cảm của tế bào que.
- Kích thích lưu thông máu: Tập luyện thể chất giúp tăng cường lưu thông máu đến mắt, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho võng mạc, góp phần cải thiện thị lực ban đêm.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực. Tập luyện giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn cơ thể và mắt, từ đó cải thiện khả năng nhìn trong điều kiện thiếu sáng.
2. Những bài tập tốt cho người bệnh
Dưỡng sinh
Xem xa xem gần
- Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc ngồi khoanh chân, hai bàn tay đan vào nhau và để trước bụng dưới, mắt nhìn vào ngón tay.
- Cách thực hiện:
- Đưa hai tay lên trời mắt vẫn nhìn vào một điểm cố định của bàn tay, đồng thời hít vào tối đa.
- Giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời giao động thân qua lại, sang trái, sang phải từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay xuống trước bụng, mắt vẫn nhìn theo tay. Nghỉ.
- Làm từ 1-3 lần.
Tư thế xem xa xem gần giúp cải thiện lưu thông máu cho người bệnh quáng gà.
Đảo mắt đảo lưỡi
- Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc xếp bằng.
- Cách thực hiện: Đảo mắt và lưỡi theo vòng tròn cùng chiều nhau, từ 5-10 lần, rồi đảo ngược lại; đồng thời dao động thân qua lại 5-10 lần.
Súc miệng, đảo mắt, đánh răng
- Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc xếp bằng.
- Cách thực hiện: Hít một hơi vào miệng, làm cho má bên trái phình lên, cắn răng lại, đảo mắt cùng bên sau đó chuyển sang bên má phải, cũng cắn mạnh răng vào nhau. Đảo từ 10-20 lần.
Xoa xoang và mắt
- Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc xếp bằng.
- Cách thực hiện:
- Xoa xoang: Dùng hai ngón tay trỏ và giữa của hai bàn tay đặt lên phía ngoài lông mày, xoa vòng tròn từ phía ngoài lông mày đi lên trên và vào phía trong, vòng xuống dưới mũi, qua gò má, rồi đi ra ngoài phía lông mày, xoa 10-20 lần.
- Vuốt nhãn cầu: Nhắm mắt lại và đặt hai ngón tay giữa và trỏ lên 2 con mắt, vuốt từ trong ra ngoài, vừa sức chịu đựng của mắt, vuốt từ 10-20 lần.
- Bấm huyệt dọc theo cung lông mày: Từ trong ra ngoài, 3-5 lần.
Xoa mắt cải thiện lưu thông máu cho người bệnh quáng gà.
Yoga
- Tư thế em bé (Balasana)
Cách thực hiện:
- Ở tư thế quỳ, đặt mông lên phần gót chân. Giữ cho mu chân chạm sàn.
- Cúi gập người về phía trước, trán chạm sàn.
- Đưa tay về phía gót chân, mu bàn tay chạm sàn.
- Duy trì tư thế này trong 1 – 3 phút.
- Tư thế con mèo - bò (Marjaryasana - Bitilasana)
Cách thực hiện:
- Bắt đầu bằng tư thế bò, hai tay chống vuông góc với sàn, hai đầu gối chống vuông góc với hông.
- Hít vào, cong lưng lên, ngẩng đầu cao.
- Thở ra, hạ lưng xuống, gập đầu vào ngực.
- Lặp lại động tác 10-15 lần.
- Tư thế gác chân lên tường (Viparita Karani)
Cách thực hiện:
- Nằm trên sàn, mông chạm vào tường. Dần dần nhấc chân lên và đặt chúng vào tường. Chân và lưng phải gặp nhau ở góc vuông.
- Nếu cảm thấy khó chịu ở lưng dưới, hãy đặt một chiếc chăn hoặc gối gấp dưới hông.
- Hít thở tự nhiên và giữ nguyên tư thế này trong 5 phút. Sau khi hoàn tất, hãy uốn cong đầu gối và trượt chân ra khỏi tường.
- Hãy tạm dừng một chút trước khi đẩy mình lên.
Chớp mắt
- Bài tập thể chất
Một số bài tập khác cũng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh quáng gà, bao gồm:
+ Đi bộ: Đây là môn thể thao đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với mọi lứa tuổi. Đi bộ giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và tốt cho mắt.
+ Bơi lội: Bơi lội là bài tập toàn thân giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cơ bắp và tốt cho mắt. Tuy nhiên, người bị quáng gà cần lưu ý bơi trong hồ nước sạch, tránh bơi ở những nơi có nguy cơ nhiễm trùng mắt.
+ Thái cực quyền: Bài tập này giúp tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai và cải thiện thị lực.
+ Cầu lông: Cầu lông là môn thể thao vận động nhẹ nhàng, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, sự linh hoạt và phản xạ.
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Thời điểm tập tốt nhất trong ngày: Thời điểm tập lý tưởng nhất nên là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Việc tập luyện vào buổi sáng sớm giúp cơ thể sản sinh ra các hormon endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, mệt mỏi để người tập bắt đầu một ngày mới với tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng. Hơn nữa, buổi sáng cũng là thời điểm thị lực của người bệnh đạt trạng thái tốt nhất, giúp cho việc tập luyện đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể chọn tập luyện vào buổi chiều tối nếu cảm thấy thuận tiện nhưng không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ.
- Không tập khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no
Khả năng tập trung và sức mạnh cơ bắp có thể giảm đi khi cơ thể đang mệt mỏi. Nếu tập thể dục trong tình trạng này, nguy cơ chấn thương sẽ tăng cao và lợi ích của bài tập không được tận dụng tối đa.
Người tập có thể gặp vấn đề về năng lượng khi tập lúc bụng đói. Khi đó, việc tập luyện có thể làm giảm hiệu suất và tạo cảm giác mệt mỏi nhanh chóng.
Sau khi ăn, máu được tập trung đưa đến dạ dày và ruột, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Tập thể dục ngay sau khi ăn no có thể làm cho dạ dày bị co thắt, gây cảm giác khó chịu hoặc buồn nôn.
Việc tập luyện thể lực tốt nhất nên được thực hiện ít nhất 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Hãy đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc đói bụng, hãy nghỉ ngơi và cân nhắc tập luyện sau khi cơ thể đã phục hồi và được cung cấp đủ năng lượng.
Người bệnh quáng gà nên thực hiện các bài tập sau khi ăn từ 1-2 giờ.
Cách tập luyện không gây hại sức khỏe
- Trước khi tập luyện, cần khởi động kỹ để làm nóng cơ thể và giảm nguy cơ chấn thương.
- Nên chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và tập luyện với cường độ vừa phải
- Cần bổ sung đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện.
- Ngưng tập luyện ngay nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu
- Tập luyện trong môi trường thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời gay gắt
- Cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi sau mỗi buổi tập luyện
Để việc điều trị mang lại hiệu quả tối đa, bên cạnh chế độ tập luyện hợp lý, người bệnh quáng gà cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
- Bổ sung vitamin A vào thực đơn ăn uống, nhất là những loại trái cây, củ quả màu đỏ cam như cà rốt, cà chua, xoài, bí đỏ,... hoặc rau lá xanh đậm. Bổ sung vitamin A cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ), uống vitamin A liều cao định kỳ có sự tư vấn bởi các bác sĩ.
- Tập di chuyển và dần thích nghi với tình trạng quáng gà.
- Không nên lái xe khi trời tối vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính người bệnh và cả những người tham gia giao thông khác.
- Nên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để không gặp phải biến chứng nghiêm trọng của quáng gà. Đặc biệt nếu nhận thấy có những triệu chứng bất thường hãy tới ngay cơ sở y tế để tái khám.
- Đi khám theo lịch hẹn để cập nhật tình trạng và theo dõi diễn tiến của bệnh.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, tivi...) mỗi ngày, đặc biệt là trước khi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có thể gây hại cho mắt.
- Đeo kính râm: Kính râm có khả năng chống tia UV, giúp bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời khi ra ngoài trời nắng.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp mắt được nghỉ ngơi và phục hồi, cải thiện thị lực ban đêm.
Tập luyện thường xuyên kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và thay đổi thói quen sinh hoạt có thể giúp cải thiện tình trạng quáng gà và bảo vệ sức khỏe cho mắt.
Mời bạn xem tiếp video:
4 tháng mắc tiểu đường cô gái trẻ tuổi phải mổ mắt do đục thủy tinh thể | SKĐS