Bài tập cải thiện lưu thông bạch huyết cho người bệnh chân voi

11-08-2024 14:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh chân voi là tình trạng bộ phận cơ thể bị to lên quá mức do tắc nghẽn hệ bạch huyết, thường gặp nhất là ở chân. Tập luyện thường xuyên giúp lưu thông bạch huyết tốt hơn, cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.

  1. 1. Vai trò của tập luyện với người bệnh chân voi

Bệnh chân voi do giun chỉ gây ra và xâm nhập vào cơ thể qua vết muỗi đốt. Bệnh chân voi gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chất lượng sống của người bệnh. Thực hiện các bài tập luyện, chủ yếu với chi trên và chi dưới giúp người bệnh:

Cải thiện lưu thông bạch huyết: Bệnh chân voi khiến bộ phận bị ảnh hưởng to hơn bình thường và phần da cũng dày hơn do tắc nghẽn hệ bạch huyết. Tập luyện thường xuyên giúp cải thiện tình trạng này.

Cải thiện khả năng vận động: Khi hệ bạch huyết được lưu thông, tình trạng sưng phù giảm sẽ giúp người bệnh cải thiện khả năng vận động, đi lại và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc thực hiện tập luyện thường xuyên cũng giúp người bệnh cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, lo lắng và tự tin hơn, chất lượng giấc ngủ được nâng cao, chất lượng cuộc sống cũng cải thiện hơn.

WHO tuyên bố Lào đã xóa bỏ bệnh bệnh phù chân voi • Tạp chí Lào - Việt

Bệnh chân voi là bệnh do tắc nghẽn hệ bạch huyết ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chất lượng sống.

  1. 2. Bài tập tốt cho người bệnh chân voi

2.1. Bài tập thoát bạch huyết ở chi trên

Nhún vai

-Ngồi thẳng lưng trên thảm, hít vào và nâng vai lên về phía tai.

-Thở ra, hạ vai xuống thấp nhất có thể (cố gắng chạm sàn bằng đầu ngón tay) sau đó trở lại tư thế thư giãn.

Lặp lại 5 - 10 lần.

Lăn vai

-Ngồi thẳng lưng, nâng vai lên ngang tai rồi xoay vai ra sau và xuống dưới, sau đó nâng vai lên và đưa ra trước, tạo thành chuyển động liên tục, mượt mà.

Lặp lại 5 - 10 lần theo mỗi hướng.

Siết xương bả vai

-Ngồi thẳng lưng, uốn cong khuỷu tay 45 - 90 độ ra ngoài hai bên (song song với sàn).

-Thở ra, kéo khuỷu tay về phía giữa lưng, siết chặt xương bả vai lại với nhau. Giữ tư thế trong 5 nhịp thở.

-Hít vào và trở về vị trí bắt đầu.

Lặp lại 5 - 10 lần.

Ép ngực đẳng trương

-Ngồi thẳng lưng, áp chặt lòng bàn tay vào nhau, đặt trước ngực, khuỷu tay cong và cánh tay ngang hoặc thấp hơn vai.

-Thở ra và đẩy chặt hai tay vào nhau. Giữ tư thế trong 5 nhịp thở.

-Hít vào và thư giãn.

Lặp lại 5 - 10 lần.

Xoay vai

-Ngồi thẳng lưng, giữ cánh tay sang ngang hai bên, ngang vai hoặc thấp hơn, lòng bàn tay hướng xuống dưới.

-Thực hiện xoay cả cánh tay tạo những vòng tròn nhỏ bằng cánh tay (giữ cánh tay nâng cao).

Lặp lại 5 - 10 lần theo mỗi hướng theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.

Xoay cổ tay

-Ngồi thẳng lưng, giơ tay lên cao, nắm tay lại và xoay cổ tay theo vòng tròn nhỏ. Xoay 5 - 10 lần theo mỗi hướng.

Gập và duỗi cổ tay

-Ngồi thẳng lưng, giơ tay lên cao, thực hiện gập và duỗi cổ tay. Lặp lại 5 - 10 lần.

Nắm chặt nắm tay

-Ngồi thẳng lưng, giơ tay lên cao và mở rộng bàn tay, duỗi và dang rộng các ngón tay. Sau đó, từ từ nắm chặt từng bàn tay để tạo thành nắm đấm. Giữ trong 5 nhịp thở. Lặp lại 5 - 10 lần.

Bài tập thoát bạch huyết ở chi dưới

Đạp xe trên không

-Nằm ngửa trên sàn với đầu gối cong chín mươi độ (cẳng chân song song với sàn). Giữ xương chậu ở vị trí trung tính và giữ thân trên thư giãn trên sàn.

-Nâng chân lên về phía trần nhà, giữ chân cong khoảng 45 độ, xoay chân theo vòng tròn như đạp xe 5 - 10 vòng theo mỗi hướng.

Lợi ích và những bài tập đạp xe trên không tốt cho sức khỏe

Đạp xe trên không.

Xoay chân

-Nằm ngửa với đầu gối trái cong và bàn chân đặt trên sàn, chân phải duỗi thẳng, ngón chân hướng lên trần nhà.

-Nhấc chân trái lên đầu gối vẫn cong, xoay cẳng chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, 5 - 10 lần theo mỗi hướng. Lặp lại toàn bộ quá trình ở chân còn lại.

Gập - duỗi đầu gối

-Nằm ngửa với cả hai chân duỗi thẳng, mũi chân hướng lên trần nhà. Thực hiện uốn cong và duỗi chân 5 - 10 lần ở đầu gối.

Gập lòng bàn chân - mu bàn chân

-Nằm ngửa với cả hai chân duỗi thẳng mũi chân hướng lên trần nhà.

-Uốn cong và duỗi thẳng bàn chân ở khớp mắt cá chân 5 - 10 lần.

Xoay tròn bàn chân

-Nằm ngửa với cả hai chân duỗi thẳng, mũi chân hướng lên trần nhà.

-Xoay cả hai bàn chân theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ 5 - 10 lần.

Ngoài các bài tập dành riêng cho tay, cánh tay, chân, bàn chân, người bệnh có thể thực hiện thêm một số tư thế yoga như tư thế em bé, tư thế chó úp mặt, tư thế con mèo - con bò… hoặc các bài tập kéo giãn để lưu thông bạch huyết vùng cổ.

3. Những lưu ý khi tập luyện với người bệnh chân voi

Người bệnh chân voi nên thực hiện các bài tập một cách chậm rãi, từ từ để đạt hiệu quả tốt nhất. Trước khi tập, người bệnh nên khởi động kỹ và lựa chọn nơi tập thoáng mát, sạch sẽ.

Khi tập luyện, người bệnh chân voi nên chú ý lắng nghe cơ thể, lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Uống đủ nước khi tập luyện.

Mời bạn xem thêm video

Sau khi tập luyện, tránh xa các loại nước này I SKĐS


DS Nguyễn Thị Hồng
Ý kiến của bạn