Hà Nội

Bài tập cải thiện chức năng cho người bị hẹp niệu đạo

31-10-2024 13:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, nhưng đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc thực hiện các hoạt động thể chất vừa sức không chỉ giúp người bệnh giảm căng thẳng mà còn cài thiện chức năng tiết niệu...

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh hẹp niệu đạo

Khi bị hẹp niệu đạo, các triệu chứng thường gặp bao gồm đau khi đi tiểu, khó tiểu, tiểu không tự chủ... Nếu không được điều trị, hẹp niệu đạo có thể dẫn đến tổn thương thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Bên cạnh các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo, việc thực hiện các bài tập đơn giản cũng được khuyến nghị mang lại lợi ích cho người bệnh như:

- Giảm các triệu chứng lo lắng, căng thẳng giúp bạn vui vẻ, lạc quan hơn.

- Giảm triệu chứng căng chướng bàng quang, giảm đau vùng niệu đạo, vùng chậu.

- Giúp đi tiểu dễ dàng, giảm triệu chứng tiểu bí, tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu máu.

- Tập luyện vừa sức giúp bệnh nhân ăn ngon hơn, ngủ ngon sâu giấc, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cơ thể...

2. Các bài tập tốt cho người hẹp niệu đạo

2.1 Bài tập bàng quang, cơ sàn chậu

- Tập bàng quang: Bài tập giúp giảm tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu buốt đau, tăng thời gian giữa các lần đi tiểu, giảm căng chướng bàng quang.

Cách tập:

  • Xác định số lần đi tiểu trong một ngày bằng cách ghi lại nhật ký đi tiểu. Cố gắng tăng dần thời gian nhịn tiểu kể từ lúc mắc tiểu và khoảng cách giữa các lần đi tiểu trong ngày.
  • Uống nước như bình thường, duy trì tập từ ba tháng trở lên.

- Bài tập cơ sàn chậu: Giúp tăng cường lưu thông khí huyết giảm đau vùng chậu, kiểm soát tiểu tiện tránh bị tiểu tiện không tự chủ.

Cách tập co thắt cơn ngắn: 

  • Tư thế nằm ngửa, gập gối. Trước tiên hít một hơi thật sâu sau đó thở ra, đồng thời siết chặt cơ sàn chậu thật nhanh, sau đó là hít vào và giải phóng cơ.
  • Thực hiện động tác này 10 lần mỗi hiệp.
  • Nghỉ 3 - 5 phút sau đó tiếp tục thực hiện động tác này, mỗi ngày từ 3-5 hiệp.
  • Điều quan trọng là phải tập luyện cơ sàn chậu co nhanh để tránh bị rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi.

Cách tập co thắt cơn dài:

  • Người tập siết chặt các cơ sàn chậu, đồng thời giữ ở tư thế này càng lâu càng tốt.
  • Lúc đầu siết cơ được khoảng 3 - 5 giây, dần dần bạn tăng dần thời gian siết cơ theo khả năng từng người.
  • Khoảng nghỉ giữa các lần tập là 3 - 5 phút.

Bài tập kegel: Giúp tăng cường sức mạnh và khả năng kiểm soát cơ sàn chậu.

Cách tập:

  • Nằm ngửa trên sàn, hai chân co lại vuông góc mặt sàn.
  • Siết chặt cơ mông và cơ sàn chậu, nhấc hông lên cao.
  • Giữ trong 3-5 giây, nghỉ ba giây, lặp lại 10 lần. Mỗi ngày tập 2 lần sáng chiều.
fitness-man-1681376619-7868-1681376658

Bài tập kegel tốt cho người bị hẹp niệu đạo.

- Bài tập ép bóng sàn chậu: Bài tập này tác động nhiều đến các cơ sàn chậu, mông, đùi, bụng cải thiện khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, giảm tiểu tiện không tự chủ.

Cách tập:

  • Nằm thẳng trên mặt sàn, hai chân co lại, kẹp quả bóng giữa hai đùi. Siết mạnh cơ sàn chậu, cơ mông để ép chặt quả bóng trong 10-15 giây rồi thả lỏng 5 giây.
  • Lặp lại 10-15 lần mỗi hiệp. Mỗi ngày tập 3-5 hiệp.

2.2 Bài tập squat

Giúp tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, chống viêm giảm tiểu buốt, tiểu khó tiểu dắt

Cách tập:

  • Người tập ở tư thế đứng thẳng, hai chân rộng hơn vai, hơi khuỵu gối đồng thời đẩy phần hông và mông ra sau.
  • Đầu và cằm luôn hướng thẳng. Từ từ hạ thấp người cho đến khi đùi và mặt đất song song với nhau, dồn toàn bộ sức nặng cơ thể tập trung vào gót chân, đầu gối hướng về phía trước.
  • Đứng thẳng người và trở lại tư thế ban đầu. Thực hiện động tác này từ 10 – 15 lần.

2.3 Tập yoga

Yoga là một hình thức tập thể dục có thể giúp kéo giãn, tăng cường các cơ ở vùng chậu. Điều này có thể giúp cải thiện chức năng tiết niệu, giảm nguy cơ hẹp niệu đạo.

- Tư thế ngồi kim cương: Khi thực hiện tư thế này sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu đến vùng chậu, làm giảm cảm giác khó chịu do tình trạng hẹp niệu đạo gây ra. Ngoài ra, nó còn tăng cường chức năng của các cơ quan vùng bụng, cải thiện đáng kể các vấn đề về tiết niệu khác.

Cách tập:

  • Bắt đầu bằng cách quỳ trên sàn, đảm bảo đầu gối chạm vào nhau, úp mu bàn chân xuống sàn.
  • Hạ mông xuống gót chân, đồng thời giữ thẳng cột sống, thả lỏng vai.
  • Đặt tay lên đùi, lòng bàn tay hướng xuống, hít thở sâu vài lần.
  • Giữ nguyên tư thế trong ít nhất 30 giây, tăng dần thời gian khi bạn cảm thấy thoải mái hơn.
small_20190201_104107_801731_Kim_cuong_max_1800x1800_jpg_dda26c0f0b

Tư thế ngồi kim cương

- Tư thế ngồi xổm: Tư thế giúp giảm đau sàn chậu, niệu đạo, thư giãn tinh thần, tăng cường miễn dịch.

Cách tập:

  • Bắt đầu ở tư thế đứng, 2 chân mở rộng hơn vai, gập đầu gối hạ thấp trọng tâm xuống thấp hết mức giống như đang ngồi xổm.
  • Mở rộng đùi, chụm 2 cánh tay vào nhau đặt trước ngực, đẩy 2 khuỷu tay ép vào đùi trong. Duỗi thẳng lưng, từ từ di chuyển đầu hướng lên trần nhà, hít thở đều và sâu trong 30 – 60 giây. Lặp lại 5-7 lần.
ngồi xổm

Tư thế ngồi xổm.

2.4 Các hoạt động khác

- Đạp xe đạp 30 - 40 phút một ngày giúp lưu thông khí huyết, mạnh cơ vùng chậu, thư giãn tinh thần, lưu thông khí huyết, giảm đau, chống viêm.

- Chơi cầu lông nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông khí huyết, sức đề kháng, thư giãn tinh thần, duy trì cân nặng hợp lý.

- Đi bộ ngày 30 phút ở công viên, xung quanh nhà giúp lưu thông khí huyết, ăn ngủ ngon, tăng cường sức đề kháng cơ thể, thư giãn tinh thần.

3. Những lưu ý dành cho người bị hẹp niệu đạo khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng 6 - 7h, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng hay quá no. Thời gian tập khoảng 20 - 40 phút một ngày.

- Trong giai đoạn bệnh cấp tính bệnh nhân sốt, tiểu buốt, đau vùng chậu, tiểu máu, thể trạng yếu không tập luyện, khi đã được điều trị ổn định thì mới tập luyện. Khi tập luyện cần tham khảo ý kiến bác sỹ.

- Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập và khởi động kỹ trước khi tập luyện.
  • Tập trong môi trường thông thoáng, ăn mặc rộng rãi, uống đủ nước.
  • Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
  • Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ xung rau củ, vitamin B,C, tránh đồ cay nóng, đồ sống lạnh, tránh chất kích thích như cà phê, rượu.

Mời bạn xem tiếp video:

Chảy mủ vùng kín tưởng mắc bệnh xã hội nên đi khám phát hiện khối u ở niệu đạo | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn