Bài học xương máu cho người lớn

20-10-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí

Chưa đáng bị coi là thất bại, song có thể nói “hiện tượng”U19 đã phần nào đó gây thất vọng tại giải đấu bởi 1 trận hòa cùng 2 trận thua...

Chưa đáng bị coi là thất bại, song có thể nói “hiện tượng”U19 đã phần nào đó gây thất vọng tại giải đấu bởi 1 trận hòa cùng 2 trận thua, trong đó có 1 thảm bại 6 bàn không gỡ trước Hàn Quốc. Điều quan trọng nhất, từ thực tế “trắng mắt” ở giải, một giấc mơ nhuốm màu ảo tưởng đã tan vỡ, song chính đội bóng trẻ hình mẫu này và quan trọng hơn - chính những người lớn có trách nhiệm đã có được bài học xương máu cho mình.

Phía sau sự rút lui của bầu Đức

Sau trận thảm bại 0-6 trước Hàn Quốc, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của mình rồi tạm thời rời khỏi vị trí của một trưởng đoàn sát cánh cùng U19 Việt Nam. Đúng là phải chứng kiến đội bóng mà mình đã bỏ tiền và rất nhiều công sức, tâm tư tình cảm lẫn kỳ vọng vào đó phải thất bại theo kiểu “không thể tưởng tượng nổi” như thế thì đúng là… thảm họa. Nhưng ông cũng biết, sự có mặt của mình là một trong những nguyên nhân khiến đội nhà như thế bởi cầu thủ không có được sự thoải mái nhất trên sân. Thế nên ông chọn giải pháp rút lui khi điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn cho cầu thủ, ít nhất là về mặt tinh thần. Nghe thì có vẻ là nghịch lý khi bầu Đức vốn được xem là “cha đỡ đầu”của các cầu thủ thuộc Học viện HAGL JMG. Nhưng điều đó lại hoàn toàn đúng bởi với những gì đã làm, bầu Đức trong mắt các cầu thủ, nhất là các cầu thủ trẻ, rõ ràng là người “thét ra lửa”; thậm chí là cả các cầu thủ ngoài học viện cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi cái lệnh “đá mất dạy là đuổi khỏi đội”.

 

Thực tế thi đấu của U19 Việt Nam vừa qua chính là bài học cho những người có trách nhiệm. Ảnh: Tuấn Tú

Rất may bầu Đức nhận ra được điều đó và rút lui để tốt cho đội bóng. Quan trọng hơn, phía sau đó cũng là một thông điệp rõ ràng rằng các cầu thủ trẻ cứ việc đá đúng sức, đúng tuổi của mình chứ không phải “gồng” mình lên để đá vì ông Đức hay mục tiêu mà người lớn áp đặt.

Thực tế ông đã đúng khi U19 VN đã lấy lại được mình trong trận đấu thua đáng tiếc Nhật Bản, đáng nói nhất là với trận hòa trên thế thắng trước Trung Quốc. Các học trò của HLV Graechen đã chơi rất hay, sớm có bàn vượt lên rồi tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm trước khi để đối thủ gỡ hòa ở những phút cuối trận.

Thay đổi từ cách tiếp cận đến cách chơi

Tinh thần thoải mái, không bị “cái vía” của ông bầu ngoài sân lấn át cũng như mang cả tấn gánh nặng của sự kỳ vọng đến mức ảo tưởng làm cho những đôi chân trở nên “rúm ró”, các cầu thủ đã thi đấu tốt hơn. Tinh thần là quan trọng nhưng vấn đề khác cũng quan trọng không kém: U19 VN đã chơi với đúng vị thế của mình.

Nhiều lý do được đưa ra sau trận thua U19 Hàn Quốc để lý giải nhưng hơn ai hết, các cầu thủ U19 VN hiểu rõ mình đã như thế nào ở trận đấu ấy. “Họ mạnh quá, chơi không nổi” hay “đã cố hết sức rồi, nhưng chịu”, đó là những lời thừa nhận rất thật của các cầu thủ U19 VN. Nó phản ánh chúng ta chưa thể đọ tài ngang ngửa với một đội bóng đẳng cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản được hay kể cả Trung Quốc mà phải chơi với đúng vị thế của mình: một đối chiếu dưới.

Và bài học cho người lớn

U19 VN có tiềm năng, có tương lai nhưng trước hết phải sống với hiện tại đã mà hiện tại đó là phải biết chúng ta đang ở đâu, trình độ như thế nào so với những đối thủ đều là những đội hàng đầu châu lục. Muốn đi xa và cũng chưa biết gì về đối thủ thì trước hết cũng phải biết mình đã.

Quan điểm của SK&ĐS xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị của U19 VN hướng đến giải đấu châu lục này là hãy để các cầu thủ thi đấu, chơi bóng một cách thoải mái nhất, không để áp lực thành tích đè quá nặng vì chỉ có vậy thì họ mới phát huy hết phẩm chất của mình. Vì cái đích quan trọng nhất và cũng là điều mà giới chuyên môn cùng khán giả chờ đợi nhất ở U19 VN vẫn là sự hồn nhiên, tinh thần cống hiến, sự phát triển bài bản và lành mạnh chứ chưa hẳn là chiến thắng hay chiếc vé tham dự World Cup U20… Nhưng đáng tiếc, những người sát cánh cùng U19 VN mà ở đây là những người lớn, các bác, các chú đã không có được sự tỉnh táo để rồi đẩy các cầu thủ vào chỗ căng thẳng, khó xử bằng những việc làm bị xem là… trầm trọng hóa vấn đề.

Đơn cử ngay trước trận ra quân gặp Hàn Quốc, thay vì tạo ra một không khí thoải mái để giúp các cầu thủ có được trạng thái hưng phấn trước lúc nhập cuộc thì bầu Đức lại cho… họp đội để úy lạo tinh thần, điều mà lẽ ra ông bầu này có thể làm ngay ở Việt Nam trước khi đội lên đường. Hơn thế nữa, cuộc họp kéo dài với những lời lẽ lên gân, hô hào rất kêu và cả những khuyến cáo rất phi… thực tế của các chú, các bác với các cầu thủ trước sự quan sát của… đông đủ PV tháp tùng theo đội từ Việt Nam; rồi tặng truyện, những tác phẩm viết về chính các cầu thủ… Rõ ràng nó rất khác bởi cuộc họp đã khiến trận đấu với Hàn Quốc rẽ sang một hướng khác và tất nhiên nó tác động không tốt đến tinh thần cầu thủ: “Hôm nay, các cầu thủ đã chơi không tốt, không đúng sức mình”, HLV Guillaume nêu nguyên nhân thất bại nặng nề trước Hàn Quốc. Đó có thể được xem là một sai lầm của người lớn làm cho các cầu thủ trẻ không còn là chính mình khi mà nỗi lo, sự sợ sệt đã chiếm chỗ trong suy nghĩ của họ. Và sai lầm này đã dẫn đến những sai lầm tiếp theo, như cách chuẩn bị cho trận đấu, cách tiếp cận trận đấu theo kiểu sòng phẳng và nghĩ rằng U19 VN có thể ăn được Hàn Quốc. Tất nhiên đó là hy vọng và phải có niềm tin, nhưng để thắng được một đối thủ đẳng cấp cao hơn mình, cần phải dùng đến cách khác chứ không phải là giơ mặt cho họ đấm như thế…

Rất may mà bầu Đức cùng BHL đội đã kịp sửa sai để không dẫn đến sự sụp đổ, đặc biệt về tinh thần cho các cầu thủ trẻ. Không hiểu mọi chuyện còn tồi tệ đến đâu nếu như U19 không thể trở lại mặt đất để có hai trận đấu cơ bản đạt yêu cầu trước Nhật Bản và Trung Quốc. Cũng thật tiếc vì giá như ngay từ đầu, các bác, các chú đã không “gò” quân vào đúng cái kiểu cách, kỳ vọng, niềm tin phi thực tế của mình, U19 Việt Nam đã có thể hoàn toàn có một giải đấu thành công hay chí ít cũng không đáng thất vọng như vậy với kết quả 2 trận thắng, 1 trận hòa, chỉ ghi được 2 bàn và để lọt lưới tới 10 bàn.

Từ VCK giải U19 châu Á, không chỉ U19 Việt Nam mà cả nền bóng đá, trước hết là những người có trách nhiệm đã có một bài học quý giá, cho dù nó rất cay đắng, khắc nghiệt. Và giờ, mọi người đang chờ sự sửa sai. Sửa sai, hãy bắt đầu từ người lớn bởi suy cho cùng cái sai cũng xuất phát từ họ mà ra.

Xuyến Chi

 


Ý kiến của bạn