Tham gia công tác xã hội để hiểu người bệnh hơn, để có góc nhìn nhân văn hơn và làm giàu thêm vốn sống của mình là lời nhắn nhủ của ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) với các thầy thuốc trẻ hiện nay. Anh là một trong 10 Thầy thuốc trẻ tiêu biểu được vinh danh tại “Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2015”.
Nhân dịp này, ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa đã chia sẻ với Báo SK&ĐS về những kinh nghiệm của anh trên cương vị lãnh đạo trẻ cũng như những cảm nghĩ của anh đối với phong trào thầy thuốc trẻ tình nguyện vì cộng đồng.
PV: Xin chào ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, đầu tiên xin chúc mừng anh đạt được danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014. Xin anh cho biết cảm nghĩ của mình khi nhận được giải thưởng này?
ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa: Thật sự, tôi cũng rất bất ngờ khi được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014. Đây là một giải thưởng cao quý mà Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đưa ra hàng năm để động viên, khuyến khích các thầy thuốc trẻ trên toàn quốc tích cực thi đua trong mọi lĩnh vực công tác chuyên môn, quản lý, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, cộng đồng.
Được nhận giải thưởng cao quý này là một vinh dự lớn, nhưng tôi cũng thấy đây là một trách nhiệm nặng nề để bản thân tiếp tục phấn đấu có nhiều đóng góp hơn nữa cho đơn vị, cho ngành y tế, làm thế nào để tiếp tục có những sáng kiến và ứng dụng có hiệu quả trong quản lý khám, chữa bệnh.
PV: Được biết, trong chuyên môn anh là nhà lãnh đạo trẻ năng động và có nhiều sáng kiến giúp ích cho công tác quản lý ngành cũng như hướng về cộng đồng. Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như những thành tích đạt được trong quá trình công tác?
ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa: Trong quá trình công tác tại Bộ Y tế, mỗi chính sách, pháp luật ban hành đều có những tác động lớn đến người dân. Lĩnh vực khám, chữa bệnh là một lĩnh vực quan trọng và khá nhạy cảm. Bản thân tôi cũng nhận thức rằng, mỗi khi tham mưu đề xuất những quy định hay chính sách gì đều phải tính đến các mặt tác động đến cả hệ thống.
Về cơ bản, thời gian qua, hệ thống khám, chữa bệnh có bước phát triển mạnh mẽ, các kỹ thuật tiên tiến được áp dụng khá đồng đều ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, trong quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ, chúng ta đi khá chậm so với các nước trong khu vực. Khi đang công tác ở phòng nghiệp vụ pháp chế của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhận thấy lĩnh vực quản lý chất lượng trong khám, chữa bệnh khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng rất cần thiết, tôi đã mạnh dạn đề xuất chuyển sang làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện được thành lập từ ngày 12/1/2010.
Sau khi nhận nhiệm vụ, trong suốt 2 tháng, tôi dành thời gian nghiên cứu các tài liệu quốc tế về lĩnh vực này để tìm cách đưa vào ứng dụng trong các bệnh viện của Việt Nam để cải tiến chất lượng dịch vụ. Rất may mắn là trong thời gian trước đó, một số bệnh viện đi tiên phong trong lĩnh vực cải tiến chất lượng bệnh viện, ví dụ như BV Nhi đồng 1 đã áp dụng mô hình TQM từ những năm 2002-2003 và đã có kinh nghiệm, một số bệnh viện tư nhân đã áp dụng và đạt chứng chỉ, công nhận chất lượng quốc tế.
Với những kinh nghiệm đó, để áp dụng rộng rãi, cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm thiết lập hệ thống và đơn vị có tính chuyên trách thúc đẩy việc cải tiến chất lượng mang tính tổng thể và bền vững. Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh trong các bệnh viện ra đời năm 2013 yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện các nguyên tắc, nhiệm vụ, thiết lập hệ thống, mạng lưới chất lượng, trong đó vai trò và tầm nhìn của giám đốc bệnh viện đặc biệt quan trọng để có thể thúc đẩy việc nâng cao chất lượng bệnh viện.
Khi đã có hệ thống, vậy công cụ nào để cải tiến chất lượng? Ban đầu, chúng tôi cho rằng, cần thiết lập hệ thống đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện theo mô hình một số quốc gia trong khu vực khá thành công như Thái Lan hay Malaysia, tuy nhiên, cần có bước chuẩn bị để các bệnh viện có công cụ ban đầu phù hợp, định hướng được mục tiêu cải tiến. Rất may mắn cho tôi là được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng, được làm việc cùng những cá nhân xuất sắc, đã đề xuất và dành nhiều công sức để tham mưu xây dựng thành công và triển khai thực hiện, đưa các văn bản đi vào thực tiễn. Chẳng hạn như Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện là công cụ quan trọng định hướng cải tiến chất lượng bệnh viện, Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm là hành lang pháp lý cho việc tăng cường quản lý chất lượng các xét nghiệm y học, Hướng dẫn quy trình khám bệnh (theo Quyết định 1313) là văn bản hướng dẫn các bệnh viện cải tiến quy trình khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính làm giảm thời gian chờ và tăng sự hài lòng của người bệnh v.v.., bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực của cả hệ thống khám, chữa bệnh và được các bệnh viện ủng hộ.
PV: Là một thầy thuốc trẻ và một nhà quản lý trẻ, anh có điều gì nhắn nhủ với các thầy thuốc trẻ hiện nay?
ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa: Trong giai đoạn hiện nay, ngành y cũng như các ngành khoa học kỹ thuật khác đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, việc tiếp thu khoa học, công nghệ là hết sức cần thiết để phát triển ngành. Vì vậy, các thầy thuốc trẻ cần phải dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi những gì được cho là lối mòn để tìm ra cách làm mới sáng tạo mới có thể tiến kịp được các nước tiên tiến. Trong quá trình đó sẽ gặp phải những cản trở nhưng phải kiên trì vượt qua mới có thể đạt được mục tiêu thay đổi để phát triển. Ngoài khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý cũng là một lĩnh vực cần hội nhập mới có thể bắt kịp trình độ quản lý của các nước tiên tiến. Trong quá trình hội nhập, cũng cần phải có những ứng dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm của Việt Nam mới có thể thành công được.
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo năm 2014, Sau khi triển khai các đợt khám, chữa bệnh nhân đạo tại 69 huyện nghèo, khó khăn, một vấn đề đang tồn tại là nhiều người nghèo có bệnh nhưng chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế. Vì vậy, các thầy thuốc trẻ cần phải tiếp tục là những người tiên phong triển khai các đợt khám, chữa bệnh nhân đạo để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, được khám sức khỏe và được tư vấn về chữa bệnh, phòng bệnh. Đây cũng là dịp để các thầy thuốc trẻ trải nghiệm thực tế, hiểu về điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân, được sẻ chia những kiến thức y học và y tế của mình, sẻ chia những khó khăn, vất vả với các đồng nghiệp đang làm việc ở y tế cơ sở. Theo tôi, bài học về rèn luyện y đức phải đi từ thực tiễn các chuyến đi này. Tham gia công tác xã hội để hiểu người bệnh hơn, để có góc nhìn nhân văn hơn và làm giàu thêm vốn sống của mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh và xin kính chúc anh cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc!
Hạ Hiền (thực hiện)