Bài học ứng xử cho người thi hành công vụ

18-04-2016 08:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian gần đây, dư luận xôn xao về những vụ việc một số cán bộ công an có thái độ, hành vi ứng xử không đúng mực đối với người dân. Chưa bàn đến đúng sai, tuy nhiên, có thể thấy cán bộ công an thực hiện công vụ không phải cho bản thân họ mà cho Nhà nước, là bộ mặt của chính quyền nên việc thể hiện văn hóa ứng xử là điều không thể thiếu.

Cần phải xử lý nghiêm

Chỉ trong thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến hành vi ứng xử của các cán bộ công an. Đầu tiên là việc trung úy Nguyễn Văn Bắc - cảnh sát khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) đòi khám xét nhà dân vào nửa đêm nhưng bị từ chối. Liền đó, vị cảnh sát này kề mặt sát cửa nhà và làm một động tác mà người bị đòi khám nhà cho là nhổ nước bọt vào mặt. Khi câu chuyện của cán bộ cảnh sát “phun nước bọt” chưa kịp lắng thì tại TP.HCM lại xảy ra vụ thượng sĩ Lương Việt Hà - cảnh sát khu vực phường 4 (quận 6) quật ngã một người bán hàng rong là anh Phạm Thiện Minh Phong (28 tuổi, ngụ Q.6) đến mức phải nhập viện.

Thượng sĩ Lương Việt Hà - cảnh sát khu vực phường 4 (quận 6) quật ngã một người bán hàng rong.

Liên quan đến vụ việc công an quật ngã người bán hàng rong xảy ra ở phường 4, Q.6, TP.HCM, Thượng tá Dương Ngọc Thanh - Phó Trưởng Công an Q.6 cho biết vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thượng sĩ Lương Việt Hà nhằm kiểm điểm, xác minh mức độ sai phạm trong vụ việc xô xát khiến anh Phạm Thiện Minh Phong nhập viện cấp cứu. Cùng đó, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, bước đầu, Công an TP.HCM xác định thượng sĩ Lương Việt Hà có hai cái sai cơ bản: Thứ nhất là không được chỉ huy phân công nhiệm vụ mà tự động thực hiện. Thứ hai là trong quá trình chỉnh trang đô thị lòng lề đường ở chợ, nếu xét thấy người dân sai phạm phải có hình thức nhắc nhở phù hợp. Tuy nhiên, hành xử của thượng sĩ Hà trong đoạn video là không đúng quy tắc ứng xử và điều lệnh của ngành. Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó.

Anh Phạm Thiện Minh Phong (28 tuổi, ngụ Q.6) bị công an Hà quật ngã đã phải nhập viện cấp cứu.

Về tình hình sức khỏe của nạn nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, anh Phong bị xuất huyết màng não bán cầu ở bên phải lượng rất ít. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, còn sưng và đau đầu bên trái, mạch huyết áp ổn định, đang được điều trị nội khoa. Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Q.6 sơ cứu và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế (Q. Tân Phú). Tại đây, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não và ghi nhận có xuất huyết ở vỏ não bán cầu phải.

Luôn phải giữ chuẩn mực ứng xử với dân

Liên quan đến hành vi ứng xử không đúng mực của các cán bộ công an, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, là một lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ sự bình yên của cuộc sống cho nhân dân, chính vì trọng trách cao cả được nhân dân phó thác trên, vì vậy, trong hoạt động của mình đòi hỏi cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an nhân dân phải có một chuẩn mực ứng xử rất cao. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đã Bộ trưởng Bộ Công an cụ thể hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật đó là Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân. Theo quy định tại Điều 40 của Thông tư này thì khi giao tiếp với nhân dân, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân phải tuân thủ: Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân. Đối chiếu hành vi mà người cán bộ công an đã thực hiện thì đã vi phạm Điều 40 của Thông tư số 17/2012/TT-BCA.

Theo luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội, cán bộ chiến sĩ công an nhân dân khi tiếp xúc với nhân dân nói chung cũng như những người có hành vi vi phạm pháp luật nói riêng đều phải có thái độ cư xử đúng mực, có văn hóa và thể hiện sự tôn trọng. Trường hợp cán bộ chiến sĩ công an vi phạm quy định về điều lệnh công an nhân dân sẽ bị xử lý theo quy định tại Thông tư số 10/TT-BCA-X11 năm 2010 với các hình thức như: phê bình, khiển trách, hạ bậc thi đua, không công nhận đơn vị "văn hóa - kiểu mẫu về điều lệnh công an nhân dân", luân chuyển công tác, hạ bậc lương, giáng cấp, giáng chức, tước danh hiệu CAND… Trong trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của nhân dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng theo quy định tại Bộ luật Hình sự.


Thế Vinh – Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn