Bài học từ thalidomide

18-01-2010 09:38 | Thời sự
google news

Nếu coi mỗi sản phẩm giống như con người, có một cuộc sống riêng, có thứ bình dị nhưng cũng có sản phẩm phải long đong trải qua phong ba bão táp thì thalidomide thuộc vào loại thứ hai,

Nếu coi mỗi sản phẩm giống như con người, có một cuộc sống riêng, có thứ bình dị nhưng cũng có sản phẩm phải long đong trải qua phong ba bão táp thì thalidomide thuộc vào loại thứ hai, từng được coi là thần dược, để rồi bị liệt vào loại gây tác hại, bị cấm lưu hành nhưng rồi lại được phục hồi, mở ra hướng điều trị mới.

Thời kỳ huy hoàng của thalidomide

Thalidomide (anpha - N phtalimido glutarimide) là một dẫn chất tổng hợp của acid glutamic, do hãng Chemie Grunenthal ở Stolberg - Đức, bào chế.

Năm 1957, sản phẩm bắt đầu xuất hiện ở các hiệu thuốc của Đức và sau đó được bán ra tại 46 nước dưới 51 tên thương mại khác nhau (synovir, thalomid, disnaval...), tác dụng chủ yếu của thuốc là an thần, đặc biệt là làm giảm các triệu chứng khó chịu của chị em khi thai nghén. Thai phụ ở nhiều nước thích dùng thuốc này để dễ ngủ, giảm buồn nôn và bớt nôn ọe. Riêng ở Mỹ, vào thời điểm này, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) không cấp phép lưu hành và sử dụng thuốc này vì tác dụng phụ của thuốc như gây chứng đau thần kinh ngoại biên, làm tê liệt các ngón chân, ngón tay... Tuy vậy, thuốc này được lưu hành phổ biến ở nhiều nước.

Bùng nổ scandale

Ai là người phát hiện ra sự việc bê bối của thalidomide, có ý kiến cho rằng do sự quan tâm theo dõi của các thầy thuốc nhưng đưa vụ việc ra công khai trước dư luận và đấu tranh buộc loại thuốc trên bị cấm lưu hành, lịch sử ghi nhận.

- Nữ phóng viên Marjorie Wallace đang làm việc cho tuần báo Sunday times của Anh, qua phóng sự điều tra của bà liên quan đến thai phụ dùng thalidomide sinh ra các trẻ bị khiếm khuyết cả tay và chân, đã làm xôn xao dư luận.

Luật sư Ralph Nader (Mỹ) có con là nạn nhân của thalidomide (Louise Medus - một người được coi là nổi tiếng nhất của thảm họa thalidomide). Ông đã tiến hành cuộc vận động cấm thuốc trên và đấu tranh buộc hãng dược phẩm phải bồi thường cho các nạn nhân. Năm 1996, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trao tặng một loại huân chương cao quý của nước Anh cho ông để ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của ông trong vụ thalidomide.

Tai họa lớn nhất mà thuốc này gây ra là do các bà mẹ đang mang thai dùng thuốc thường vào thời kỳ đầu của thai kỳ (thời kỳ phôi), lúc các cơ quan đang tạo thành của thai nhi rất nhạy cảm với thuốc vì các tế bào đang ở pha nhân lên mạnh. Trẻ sinh ra thường chết ngay, may mắn sống sót thì mang nhiều dị tật, được gọi là "dạng hải báo": những ngón chân, ngón tay có màng dính liền hoặc không có cánh tay hay cẳng chân hoặc chúng ngắn hơn bình thường, bị tổn thương não, tổn thương nội tạng..., có nhiều em suốt nhiều năm đầu đời phải gắn liền với bệnh viện, có em phải trải qua 24 cuộc phẫu thuật. Cuộc sống các em này lớn lên đều rất khó khăn, sống nhờ vào sự chăm sóc tận tình của gia đình và xã hội, một số bị bỏ rơi không nơi nương tựa!

Thalidomide sau đó bị các cơ quan quản lý dược phẩm nhiều nước cấm lưu hành. Năm 1970, một hiệp hội đại diện cho 5.000 người là cha mẹ có con là nạn nhân của thalidomide đã chấp nhận một khoản bồi thường của hãng dược phẩm Chemie Grunenthal trị giá 31 triệu USD cộng thêm khoản trợ cấp từ 13,5-27 triệu USD của Chính phủ Đức. Còn Chính phủ Canada quyết định thực hiện chương trình tài trợ cho những nạn nhân này khoảng 600.000 USD và thành lập Hiệp hội nạn nhân của thalidomide để giúp đỡ các hội viên khi người thân của họ già yếu hay qua đời.

Một số nhà khoa học còn lo ngại thalidomide có thể tác dụng đến thế hệ con của nạn nhân thalidomide vì có 325 người sinh con thì có 10 cháu bị dị tật (?)

 Hâụ quả do mẹ sử dụng thalidomide khi mang thai.

Nguyên nhân gây tai họa và bài học thứ nhất rút ra

Sau thảm họa này và một số tác dụng có hại của một số thuốc khác sau khi lưu hành ở thị trường đã buộc những người sản xuất thuốc phải tìm nguyên nhân và khắc phục những hậu quả không an toàn của thuốc cho người dùng. Qua nghiên cứu người ta thấy thalidomide có bản chất chiral (những phân tử có thể xuất hiện dưới hai dạng đồng phân đối hình, có ảnh hưởng ngược nhau lên mặt phẳng của ánh sáng phân cực). Thử nghiệm trên chuột nhắt, phát hiện một đồng phân đối hình của thalidomide có tác dụng an thần còn dạng đồng phân kia lại gây quái thai. Xác định biết rằng, đồng phân hữu tuyền của thalidomide gây ra quái thai còn đồng phân tã tuyền có tác dụng điều trị.

Từ bài học thalidomide, nhiều công ty dược phẩm đã dùng các kỹ thuật chiral để tách riêng các đồng phân từ các thuốc racemic để chọn ra đồng phân đối hình hữu hiệu. Như thuốc albuterol dùng điều trị hen nhưng có tác dụng phụ: gây bồn chồn, làm nhịp tim không đều nếu ở dạng racemic nhưng khi tác riêng loại đồng phân tã tuyền (levalbuterol) thì hoạt tính tăng lên, chỉ cần dùng 1/8 liều so với albuterol, nên giảm được tác dụng phụ mà lại có hiệu quả.

Từ năm 1992, Hội đồng châu Âu (EC) và FDA đã yêu cầu các công ty sản xuất thuốc nghiên cứu và đặc trưng hóa từng đồng phân đối hình trong tất cả các thuốc được đưa ra thị trường dưới dạng hỗn hợp (racemic).

Sự trở lại của thalidomide và bài học thứ hai

Sau thất bại ê chề, tưởng hãng Chemic Grunenthal đi vào lụi bại, nhưng không, hãng này vẫn tiếp tục những thử nghiệm thalidomide. Giữa thập niên 1960, một bác sĩ cho bệnh nhân phong bị mất ngủ uống thalidomide và không lâu sau, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy những tổn thương trên da thịt họ lành lặn dần. Dùng thử cho một số người khác, thấy hiệu quả, ông công bố nhận xét của mình về thalidomide. Năm 1975, Cục Y tế công cộng Mỹ cho nhập khẩu thalidomide từ Đức để dùng cho các bệnh nhân phong. Đến cuối những năm 1980, tới lượt Brazil và Mexico cho phép dùng thalidomide. Tiếp tục nghiên cứu cho thấy thalidomide có thể chữa trị chứng đau nhức và loét ở miệng (thường xảy ra ở bệnh nhân bị AIDS), ngăn chặn tình trạng sút giảm thể trọng và sức lực ở những người bị AIDS. Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ đã cấp giấy phép cho dùng thalidomide trong điều trị ban đỏ nổi hủi (erythrema nodosum leprosum) và bệnh đa u tủy. Theo báo cáo của nhóm Barlogie đăng trên New England Journal of Medicine, qua thử nghiệm giai đoạn I và II (với 169 bệnh nhân), việc dùng thalidomide chữa u tủy (ung thư máu), kết quả hơn hẳn các hóa trị liệu kinh điển, bệnh thuyên giảm ngay ở tháng đầu điều trị, nếu phối hợp với corticoid, tình trạng sức khỏe được cải thiện nhanh hơn. Ngoài đặc tính chống sinh mạch, thalidomide còn có khả năng thích nghi miễn dịch, kháng viêm, gây độc tế bào trực tiếp.

Tất nhiên, theo FDA, thalidomide là một trong những loại dược phẩm được phân phối và theo dõi chặt chẽ nhất, phụ nữ khi dùng phải được kiểm tra kỹ để biết chắc là không mang thai. Các nhà bào chế cũng tạo ra phiên bản là lenalidomid, không gây ra những biến đổi gen ở người lớn song thuốc vẫn cấm chỉ định cho thai phụ.

Qua đó có nhà khoa học đã đưa ra nhận xét (bài học thứ hai): "Hầu như tất cả các loại thuốc mà chúng ta đang dùng đều tiềm ẩn nhiều đặc tính chữa bệnh khác. Việc khám phá thành công những đặc tính này giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền của. Phát hiện tác dụng mới của các loại thuốc cũ không đòi hỏi những khoản đầu tư lớn như bào chế và thử nghiệm thuốc mới”.

Phạm Tiếp


Ý kiến của bạn