Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ninh, toàn tỉnh có hơn 20 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh và huyện cần đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng. Đến năm 2002, chỉ có Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng; Trung tâm y tế Cẩm Phả có hệ thống xử lý chất thải lỏng. Đơn vị nào khá hơn thì có hệ thống bể lắng, rồi mới thải ra môi trường. Còn với chất thải rắn, các đơn vị tổ chức thu gom, phân loại...
Vì đâu nên nỗi?
Từ năm 2003 đến nay, một loạt các bệnh viện, trung tâm y tế đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư hệ thống chất thải lỏng và rắn. Cho đến thời điểm này, trong tổng số 21 đơn vị y tế bắt buộc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hiện có 16 đơn vị có hệ thống xử lý chất thải rắn, 14 đơn vị đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng... Mặc dù số tiền đầu tư cho việc xử lý rác thải y tế không nhỏ, song nhiều bệnh viện vẫn cố gắng làm tốt công việc này. Với đơn vị nào có nguồn thu thấp, việc vận hành hoạt động của hệ thống xử lý chất thải chắc chắn sẽ khó khăn. Khi hệ thống xử lý chất thải rắn bị hỏng hóc thì việc sửa chữa, mua phụ tùng máy móc thay thế rất khó.
Thu gom, xử lý chất thải y tế rất cần quan tâm và giám sát chặt chẽ. |
Phải khẳng định rằng, việc xử lý chất thải y tế của BVĐK huyện Yên Hưng là sai với quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân ở khu vực xung quanh của bệnh nhân và cả cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Trung bình mỗi ngày, BVĐK huyện Yên Hưng có khoảng 30kg rác thải y tế độc hại cần phải đốt, xử lý. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng bị hỏng hệ thống xử lý rác, bệnh viện đã chôn trong khuôn viên khoảng 1.000kg rác thải y tế độc hại.
Bài học không chỉ riêng Quảng Ninh
Ở giai đoạn đầu, khi mới được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế, cũng có tình trạng một số đơn vị không quan tâm, nên lò đốt lúc vận hành, lúc không. Sau các đợt thanh, kiểm tra của Sở Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường, nhiều đơn vị đã chấn chỉnh lại hoạt động của hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng. Để giảm chi phí cho việc xử lý chất thải, các bệnh viện, trung tâm y tế đã có biện pháp sàng lọc, phân loại kỹ và chỉ đốt những loại rác độc hại. Loại rác như vậy được gom, lưu trong tủ bảo ôn khoảng 3 - 4 ngày mới đốt một lần nhằm tránh phải vận hành máy thường xuyên gây lãng phí nhiên liệu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải bệnh viện, song nhiều đơn vị vẫn nỗ lực khắc phục. Sở Y tế Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế cho những đơn vị còn lại. Tuy nhiên, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, lãnh đạo ngành y tế Quảng Ninh cùng với ngành tài nguyên - môi trường, chính quyền địa phương cần có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên và kịp thời uốn nắn những thiếu sót tránh những trường hợp tự như đã xảy ra tại Bệnh viện Yên Hưng.
Thu Nguyệt