Trong bối cảnh đó, châu Á nổi lên như một châu lục với những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn so với phần còn lại của thế giới trong ngăn chặn dịch bệnh.
Hệ lụy nhãn tiền của dịch bệnh COVID-19
Tính đến sáng ngày 17/3 (giờ Việt Nam), số người mắc và tử vong vì dịch bệnh COVID-19 ở các nước ngoài Trung Quốc đã vượt xa Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài Trung Quốc lên tới hơn 100.000 trường hợp, hơn 4.000 người tử vong. Tại Italy, số người tử vong xấp xỉ 70% so với Trung Quốc. Tại Iran, có 15.000 người mắc bệnh và gần 900 người tử vong. Báo động nhất là ở các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Đức, Pháp... số mắc bệnh và tử vong tăng “phi mã”. Với tốc độ này, sớm muộn châu Âu, Mỹ sẽ gánh hậu quả nặng nề của dịch bệnh.
WHO kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn nữa để phòng dịch lây lan.
Vài ngày trở lại đây, khi số ca mắc bệnh không ngừng tăng, nhiều siêu thị ở Mỹ, Australia bị vét sạch hàng hóa. Tại các sân bay hàng nghìn người “tháo chạy” khỏi châu Âu về Mỹ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố lệnh cấm đi lại với châu Âu. Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một “ngày thứ hai đen tối”, giảm mạnh nhất trong gần 40 năm qua vào ngày 16/3. Sự hoảng loạn bao phủ từ kinh tế đến xã hội Mỹ khiến quan chức nước này phải lên tiếng trấn an người dân với dịch bệnh. Nhiều nước đã từ chối nhập cảnh người đến từ nước có dịch thậm chí đóng cửa biên giới với châu Âu.
Trong khi đó, bức tranh dịch bệnh COVID-19 ở châu Á dần bớt đi gam màu tối. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tuyên bố đỉnh dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã qua khi số ca nhiễm mới ở nước này giảm mạnh. Nhật Bản và Hàn Quốc sau một thời gian “oằn mình” chiến đấu với dịch bệnh, giờ đã có những kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc rất thấp chỉ 0,9% trong khi số người nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc rất cao, hơn 8.300 người.
Những bài học từ châu Á trong kiểm soát dịch COVID-19
Sau hơn 2 tháng chống chọi với dịch COVID-19, có thể thấy châu Á đang có những chuyển biến tích cực. Liệu châu Âu và Mỹ có thể rút ra những bài học gì trong ngăn chặn dịch từ châu Á?
Theo các chuyên gia dịch tễ, dù năng lực của hệ thống y tế khác nhau, nhưng biện pháp ngăn chặn dịch là như nhau, bao gồm xét nghiệm, phát hiện các ổ dịch, cách ly và thông tin tới cộng đồng.
Hàn Quốc đã thực hiện chiến lược xét nghiệm trên diện rộng, khoảng 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, đây là tốc độ xét nghiệm nhanh nhất trên toàn cầu. Xét nghiệm sớm trên diện rộng giúp Hàn Quốc cách ly, điều trị sớm và hạn chế sự lây lan của virus, giảm tỷ lệ tử vong. Trong khi đó, ở các nước như châu Âu và Mỹ, quy trình xét nghiệm không được triển khai phổ biến, khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh, không được cách ly, từ đó dẫn đến quá tải cho hệ thống y tế.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết, tìm kiếm các ca nhiễm, xét nghiệm, điều trị cho họ, tìm nguồn tiếp xúc gần góp phần ngăn chặn và làm chậm chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Hồng Kông đã đưa ra các biện pháp mạnh tay như không tụ tập đông người, đóng cửa trường học. Chính kinh nghiệm phòng chống SARS những năm trước đây ở Hồng Kông khiến người dân có ý thức đeo khẩu trang khi ra ngoài, điều này góp phần vào cuộc chiến chống COVID-19.
Nhiều quốc gia châu Á thành công trong việc ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh, thông tin minh bạch, kịp thời giúp người dân xoa dịunỗi lo sợ. Singapore áp dụng các biện pháp trừng phạt với những người không tuân thủ kiểm dịch bắt buộc, hoặc nói dối về lịch sử du lịch. Hàn Quốc ứng dụng công nghệ theo dõi người nhiễm, quản lý bệnh nhân, những người dương tính với COVID-19 được tự cách ly và theo dõi từ xa qua ứng dụng trên điện thoại, được kiểm tra theo dõi thường xuyên từ nhân viên y tế...