1. Câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại, cách đây ít năm, 1 anh nhà báo cũng đưa tin về một câu chuyện “chấn động”, đó là bố chồng nàng dâu ở trong tận miền Tây nước ta, quan hệ tình dục lén lút với nhau, nhưng sau đó “dính” lấy nhau và để nguyên 2 người “dính” như thế đến bệnh viện để “gỡ” ra. Không chỉ có 1 tin, tôi nhớ sau đó có thêm 2 – 3 tin (bài) mà nhà báo ấy làm tiếp như kiểu “dài kỳ”.
Như một đề tài béo bở, nhiều phóng viên – nhà báo ở các báo lao vào cuộc về câu chuyện “quan hệ tình dục dính lấy nhau” đó. Bởi lẽ, chuyện bố chồng nàng dâu quan hệ bất chính như vậy đã là kinh thiên động địa, nhưng điểm thu hút nhất đó là cái sự “dính” ấy. Kết quả, các nhà báo kia bị một cú lừa ngoạn mục, vì qua xác minh cơ sở, các nhân chứng mà người viết đầu tiên đưa lên trên báo là không có thật. Các bệnh viện xác nhận không có chuyện tiếp nhận trường hợp “dính” lạ kỳ như thế, còn người dân xung quanh (theo địa chỉ) mà người viết đầu tiên đề cập tới khẳng định, họ chưa từng nghe, thấy câu chuyện nào như bài báo đã nói. Sau này, các chuyên gia y tế cũng cho biết, trên thế giới chưa từng bắt gặp chuyện nam – nữ quan hệ tình dục mà gặp sự cố dính lấy nhau bởi do cấu tạo của bộ phận xx nữ không bao giờ để tình trạng “dính cọc”.
Phóng sự "Cây chổi quét ra" đã được VTV gỡ bỏ trên hệ thống Youtube. VTV cũng đã gửi lời xin lỗi đến người dân và khán giả vì sự cố nghiêm trọng này.
Cuối cùng, bản chất sự thật của nội dung bài báo “quan hệ tình dục dính lấy nhau” được phơi bày. Đó là sự hư cấu. Tác giả bài viết đã bịa đặt hoàn toàn. Sau đó tờ báo nơi anh viết bài phải đính chính, xin lỗi độc giả. Tác giả bài viết bị kỷ luật, buộc bị thôi việc vì đưa thông tin sai sự thật và theo tôi được biết nhà báo đó bị cấm vĩnh viễn không được hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
2. Tôi cũng mới chập chững vào nghề, ngót 8 năm. Nhớ có lần một cộng tác viên trẻ tuổi gửi cộng tác 1 bài phản ánh về tình trạng lễ hội biến tướng. Tất cả đều ổn, song chỉ có đoạn không ổn, khi đọc khiến tôi “choáng”. Đó là trong bài viết, cộng tác viên nói, qua các mùa lễ hội ở nước ta có cả trăm người thiệt mạng do tình trạng xô lấn, giẫm đạp?! Cộng tác viên đưa ra số liệu cụ thể, thống kê rõ ràng. Nhưng tôi nghi ngờ thông tin đó sai, thậm chí khẳng định sai hoàn toàn. Gọi cộng tác viên để xác minh thì không nghe máy, bèn hỏi “bác sĩ Google”. Kết quả, số liệu người chết vì lễ hội mà cộng tác viên đưa ra lại là số liệu người chết do tai nạn giao thông trong năm mà cơ quan chức năng tổng hợp đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sau đó, tôi email lại nhắc nhở cộng tác viên vì thông tin đó. Vì nếu không cảnh giác, không xác thực chính xác nguồn tin mà đưa sai lệch như số liệu, thì lỡ bài đăng lên sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Ở ta, lễ hội chỉ có xô lấn, giẫm đạp, đè đầu cưỡi cổ nhau phản cảm như tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định), hay gần đây nhất là tình trạng vỡ trận ở Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) chứ để xảy ra sự cố nghiêm trọng chết người, thì tôi chưa bao giờ thấy. Vậy thì, thông tin hàng trăm người chết vì lễ hội hàng năm nếu đưa lên mặt báo, thì sẽ ra sao?
Phóng viên nữ làm phóng sự "Cây chổi quét rau" nói lời xin lỗi với người dân vì đã dàn dựng, đưa thông tin sai sự thật. VTV cũng đã đình chỉ công tác của nữ phóng viên này.
3. Nhớ có lần quay về trường cũ vào phỏng vấn thầy trưởng khoa Viết văn Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) về vấn đề “đạo đức người làm báo” cho số báo ngày 21/6. Thầy cũng thở dài với một số “con sâu làm rầu nồi canh” trong làng báo làm ảnh hưởng đến uy tín chung, với những người chân chính. Thầy bảo, người làm báo trước khi viết cần xác định rõ “viết về cái gì và để làm gì?”, trả lời được câu hỏi “để làm gì?” thì sẽ có một sản phẩm báo chí tốt. Báo chí cần hướng đến điều tốt đẹp, nhân văn, đứng về phía những người “thấp bé” trong xã hội, cần định hướng đúng tư tưởng và mang tính giáo dục.
4. Câu chuyện phóng viên trẻ tuổi dàn dựng phóng sự 'Cây chổi quét rau' cho chúng ta thấy, một số người trẻ làm nghề hiện nay kinh nghiệm còn hạn chế, đồng thời chỉ ra những lỗ hổng trong khâu kiểm định nội dung, chất lượng của đội ngũ biên tập ở phóng sự đó. Sự cố này ít nhiều làm giảm lòng tin, uy tín của người dân đối với báo chí, đặc biệt là tạo ra áp lực và khó khăn đối với người làm nghề chân chính, có tâm và có tài. Lại nhớ trước đây, tôi đã làm xong bài hoàn chỉnh, vội vàng gửi cho nhân vật để kiểm duyệt lại thông tin với mục đích sẽ đăng báo, thì nhân vật nhắn lại bài rất ổn, nhưng người đó không muốn lên báo vì họ tự nghĩ “chẳng làm được gì to tát nên cháu không đăng nhé”. Tất nhiên, tôn trọng ý kiến của nhân vật, tôi không gửi bài đó đi đâu và chấp nhận cất vào kho làm kỷ niệm (hoặc làm tư liệu nếu có lúc cần tới).
Báo chí là một nghề cũng nguy hiểm. Nguy hiểm tính mạng trong quá trình thu thập tư liệu, bằng chứng, chi tiết…để đưa những vấn đề nổi cộm, nhức nhối trong dư luận, nhân dân ra trước ánh sáng công lý – đó là những người làm về điều tra. Nguy hiểm là bởi nếu dàn dựng, đưa thông tin sai sự thật…sẽ tự bẻ ngòi bút, vứt miếng cơm manh áo của chính mình xuống nền đất. Và quan trọng hơn cả, khi thông tin sai sự thật sẽ làm cho những người vô tội, nghèo khổ dễ chìm tận đáy xã hội!