Bài học Gruzia

21-08-2008 09:07 | Quốc tế
google news

Cuối cùng cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga cũng đã được tháo ngòi nổ nhờ những nỗ lực của Mỹ và châu Âu và sau một bản thỏa thuận ngừng bắn được các bên liên quan trao đổi với nhau qua… fax.

Cuối cùng cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga cũng đã được tháo ngòi nổ nhờ những nỗ lực của Mỹ và châu Âu và sau một bản thỏa thuận ngừng bắn được các bên liên quan trao đổi với nhau qua… fax. Vấn đề là từ cuộc chiến tranh này, người ta có thể rút ra được những bài học gì về mối quan hệ giữa các quốc gia?

 
 Cả Gruzia và Nga đều cần phải rút ra những bài học. Ảnh: Reuter

Gruzia là trường hợp điển hình của việc vấn đề lãnh thổ và ly khai được sử dụng như một công cụ để các nước lớn kìm hãm sự phát triển và khống chế các nước nhỏ trong vòng ảnh hưởng của mình. Không riêng Tổng thống Saakashvili mà bất cứ vị lãnh đạo nào của quốc gia nhỏ bé bên bờ biển Đen này đều phải giải quyết. Hai vùng đất ly khai Nam Ossetia và Abkhazia giống như hai lưỡi dao thọc sâu vào lãnh thổ Gruzia, một khống chế thủ đô Tbilisi, một khống chế cửa ngõ ra biển Đen, "mặt tiền" của quốc gia này. Và ông Saakashvili đã quyết định giải "bài toán" sinh tử này. Chỉ có điều, so với người tiền nhiệm mà ông đã lật đổ sau cuộc Cách mạng hoa hồng hồi năm 2003, Tổng thống Edouard Chevardnadze, cựu Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Liên bang Xô Viết, ông tỏ ra không có nhiều kinh nghiệm về nước Nga. Chính vì vậy nên những tính toán của ông đều sai lầm.

Trong những ngày vừa qua, các nhà phân tích chính trị đã nói quá đủ về những sai lầm của ông Saakashvili khi phát động cuộc chiến tranh chớp nhoáng với người Nga: đánh giá sai khả năng gây ảnh hưởng của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ tới Nga, quá tin vào sức mạnh quân lực của chính mình và khả năng hậu thuẫn của các nước láng giềng (Ukraine và các nước vùng Ban Tích), không lường trước được phản ứng của Nga... Và hậu quả là không chỉ thất bại về mặt quân sự, ông phá hỏng toàn bộ những cơ hội mà Gruzia đang có: quân lực bị thiệt hại nặng nề; tình trạng ổn định để thu hút các dự án dầu khí bị xáo trộn; tiến trình gia nhập EU và NATO chắc chắn bị chậm lại; vấn đề hai vùng ly khai quay trở lại trạng thái ban đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn trước bởi lẽ, Nga đe dọa sẽ đóng quân sâu vào lãnh thổ Gruzia để "bảo đảm an ninh".

Sẽ là thừa khi tiếp tục nói về những sai lầm của ông Saakashvili. Vấn đề là từ trường hợp đau đớn Gruzia, những "nước nhỏ" có thể rút ra được bài học gì? Trước hết, hãy đừng làm điều gì nếu không có một khối liên minh chặt chẽ, và muốn vậy, hãy có một cái nhìn thực tế về các đồng minh. Đành rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu rất "o bế" Gruzia nhưng họ sẽ làm được gì khi bản thân Hoa Kỳ thì đang sa lầy ở Iraq và châu Âu thì đang có một lực lượng quốc tế ở Afghanistan. Hơn nữa, châu Âu lại bị phụ thuộc vào Nga trong vấn đề khí đốt và cả hai đều không có một công cụ nào thực sự hiệu quả để gây sức ép với một nước lớn như Nga. Ukraine là nước láng giềng duy nhất ra mặt ủng hộ Gruzia nhưng bản thân quốc gia này cũng không thể "làm quá" được khi hạm đội của Nga vẫn đóng ở Sevastopol, đồng thời, vùng bán đảo Crưm nơi có nhiều người Nga sinh sống cũng là một quả bom hẹn giờ về vấn đề ly khai.

Thứ hai, phải biết cách ứng xử với những nước lớn. Việc sử dụng một đòn vũ trang tấn công vào một thực thể được Nga bảo trợ chẳng khác nào một sự "xúc phạm" nước Nga. Có vẻ như ông Saakashvili vẫn chưa học được cách vừa "được việc" mình, vừa giữ được thể diện cho "nước lớn". Ngoài ra, trong mọi trường hợp, giải pháp quân sự không bao giờ là giải pháp tối ưu và nhất là không thể là giải pháp duy nhất. Chỉ nên tiến hành một biện pháp "mạnh" khi mình thực sự "mạnh". Có vẻ như những quá trình hiện đại hóa quân đội mà Gruzia tiến hành trong những năm vừa qua với sự trợ giúp của Hoa Kỳ vẫn chưa đủ để xây dựng một lực lượng quốc phòng thực sự mạnh. 2.000 quân Gruzia hiện diện ở Iraq cùng quân Mỹ tỏ ra không thấm vào đâu so với hàng vạn quân Nga được củng cố rất mạnh sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Putin và có kinh nghiệm ở chiến trường Chechnya. Hơn thế nữa, có vẻ như Gruzia đã không có được một "binh pháp" thích hợp khi đối đầu với Nga trong một cuộc chiến tổng lực và không có khả năng chặn bước tiến hoặc cầm chân các lực lượng cơ động của Nga. Và cuối cùng, chính bản thân Gruzia cũng nên học bài học ứng xử với những "nước nhỏ" hơn mình thay vì việc đều đặn nã pháo và rốc-két vào các vùng ly khai.

Nhìn từ phía người Nga, có vẻ như họ đã toàn thắng. Nhưng thực ra, không phải là Moscow không phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trước hết là vấn đề quân lực. Qua những gì được "trình diễn" ở Gruzia, có thể thấy, mặc dù Nga hiện nay là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của thế giới nhưng rõ ràng, quân lực của Nga chưa được hiện đại hóa bao nhiêu. Sức mạnh của quân đội Nga vẫn chủ yếu dựa vào quân số và sự áp đảo của hỏa lực (xe tăng, pháo tự hành) hơn là các vũ khí công nghệ cao. So với thời chiến tranh ở Chechnya, trang bị của người lính Nga vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu dù rằng tinh thần và kỷ luật của họ đã được nâng cao rất nhiều. Tất nhiên, với một quân đội như của Gruzia, người Nga không việc gì phải dùng đến những "bảo kiếm" của mình, nhưng rõ ràng việc máy bay Su 25 của Nga bị bắn rơi ở một nước mà lực lượng không quân thậm chí không có cả máy bay đánh chặn rõ ràng là một vấn đề.

Đứng về phương diện kinh tế, việc tái thiết cho một Nam Ossetia gần như chỉ còn là một đống gạch vụn và tiếp tục "bảo bọc" cho những khu vực này rõ ràng là một gánh nặng đối với Nga. Điều này càng đặc biệt trầm trọng khi biết rằng đây đều là những khu vực chậm phát triển về kinh tế.

Trên tất cả, chính bản thân Nga cũng cần phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình trong mối quan hệ với các "nước nhỏ". Việc quân đội Nga tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia, trong một thời gian ngắn, có thể có công dụng trong việc gây sức ép với quốc gia này nhưng về lâu về dài, chắc chắn sẽ gây tổn thất về uy tín cho Nga khi hiện diện quân sự trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Medvedev, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, một người chủ trương quan hệ mềm dẻo với Nga, không phải là không có lý khi cảnh báo Nga đã "sử dụng vũ lực quá mức". Rõ ràng thay vì kéo các nước láng giềng xích lại gần mình, Nga lại đang tự đẩy mình vào thế bị cô lập. Tất cả các nước đồng minh Đông Âu cũ đều đang quay lưng lại với Nga. Ngay khi quân đội Nga vẫn còn hiện diện trên đất Gruzia, thỏa thuận về lá chắn tên lửa giữa Ba Lan và Hoa Kỳ đã được ký kết. Lời đe dọa của Nga xem ra không có nhiều sức nặng lắm với quốc gia này. Chiến thắng quân sự ở Gruzia sẽ chỉ đẩy thêm quốc gia này cũng như các nước lân cận thuộc Liên Xô cũ rời xa thêm nước Nga. Điển hình là việc Ukraine công khai mời các nước Tây Âu và Hoa Kỳ sử dụng hệ thống ra-đa quân sự của mình. Và dẫu Nga có không hài lòng đi chăng nữa thì tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu và sau đó là Nato của các quốc gia này dẫu có bị chậm lại nhưng cũng không thể bị đảo ngược. Bà Merkel đã công khai tuyên bố điều đó khi thuyết phục ông Saakashvili ký hiệp định ngừng bắn với Nga.

Vậy là, rõ ràng trong cuộc chiến này, cả kẻ thắng lẫn người bại đều cần phải rút ra những bài học và những bài học đó không chỉ có giá trị cho riêng họ.

Lương Xuân Hà (Theo Reuter)


Ý kiến của bạn