Có một thực thế rất rõ nhận thấy, mặt bằng chung của thị trường âm nhạc không có nhiều khởi sắc trong vài năm trở lại đây, các nhà chuyên môn có vị trí riêng và cho mình quyền đánh giá, khán giả âm thầm nghe thứ nhạc mà họ thích. Chúng ta đang không có một bức tranh, hay biểu đồ thể hiện sức sống của một nền âm nhạc đang phát triển.
2011 được cho là một năm có tính đột biến với âm nhạc thưởng thức và cả âm nhạc sân khấu. Sự sống lại của khán giả Hà Nội từ đầu năm được cho là một cuộc cách mạng của các sân khấu.
Nhiều địa điểm biểu diễn vốn “heo hút”, hay chỉ được mở cửa phục vụ các chương trình nghệ thuật nay được mở cửa bán vé thường xuyên và có dấu hiệu “làm ăn” tốt, như Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ, Kim Mã, Cung Hữu Nghị Việt Xô.
![]() Biểu diễn trong liveshow tháng 1 chương trình "Bài hát yêu thích" sẽ có cả những ca sĩ hàng đầu và những ca sĩ mới |
Đó chính là điểm chạm hiếm hoi của khán giả và người làm chuyên môn. Nói một cách vui vẻ, những người làm nhạc đã “thả lỏng” mình hơn để tìm hiểu và nói chuyện với khán giả bằng một thứ âm nhạc khác.
Nói chuyện với khán giả bằng một thứ âm nhạc khác
Nhìn thử bảng đề cử của Hội đồng tuyển chọn chương trình Bài Hát Yêu Thích trong tháng 1/2012, ai cũng biết nhạc sĩ Nguyễn Cường vốn tôn trọng và ủng hộ các nghệ sĩ trẻ, nhưng không ai nghĩ một nhạc sĩ vốn nổi tiếng với các ca khúc về Tây Nguyên lại đề cử Thuỳ Chi và Hoàng Rapper trong 2 ca khúc mới tinh của họ.
“Nếu như anh đến” của Văn Mai Hương nhận được sự đồng thuận cao khi có tới 2 nhà báo và 3 nhạc sĩ đề cử, “big hit” của năm 2011 hoàn toàn không phải là một ca khúc tồi xét trên quan điểm âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung của “Đường xa vạn dặm” “đột nhiên” thích Rock khi có tới 2 đề cử của ban nhạc Rock và 1 ca khúc Rock Alternative của Pha Lê.
Một số hiện tượng khác nổi lên như “Nơi ấy” của Hà Okio, “Người hát tình ca” của Uyên Linh hay “Anh mơ” của Anh Khang. Hội đồng tuyển chọn luôn có quan điểm đứng về phía công chúng của riêng họ và khi cùng đưa ra quan điểm ấy trong một sân chơi mới như Bài Hát Yêu Thích, họ đã tìm được tiếng nói chung.
Ở một nửa sân khấu còn lại, các nhạc sĩ, ca sĩ cũng có quyền tự đề cử cho ca khúc của mình. Đây là một đối đãi tốt và “tử tế” đối với một vài tên tuổi trẻ muốn giới thiệu ca khúc của mình tới công chúng, khi họ không có được nhiều sự trợ giúp từ các mối quan hệ trong nghề hoặc truyền thông.
Bảng xếp hạng sẽ được quyết định bởi khán giả nghe nhạc ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, bao gồm Hội đồng bình chọn gồm 100 người ở các ngành nghề khác nhau, qua tin nhắn với mức phí thấp 500đ/tin, và qua hệ thống bình chọn trên website chính thức. Đây là 3 cách tiếp cận cơ bản của công chúng với âm nhạc đương đại và là một công thức trung bình cộng tương đối chính xác.
Kì vọng về sân chơi công bằng và minh bạch
Quy định của cuộc chơi như vậy là đã khá rõ ràng và hợp lý, nhưng liệu Bài Hát Yêu Thích có thành công được như kì vọng của nhà Đài và các đơn vị đồng tổ chức?
Trước tiên, thời điểm xuất hiện của Bài Hát Yêu Thích có một sự may mắn tự nhiên. Các trang nghe nhạc online kéo theo một sức hút khổng lồ cho việc ra mắt các ca khúc mới, lại trong đúng thời điểm một loạt tên tuổi quay trở lại. Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần, Hồng Nhung, người có dự án mới, người quay trở lại sân khấu trình diễn. Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương có một năm thành công, hay một màu sắc nữ tính khác là Thu Minh cũng thâu tóm gần hết những phần thưởng trong năm. Như vậy, Bài Hát Yêu Thích có thể tạm yên tâm về mặt đầu vào, đồng nghĩa với việc những ca khúc vốn bị đánh giá là nhạc thị trường sẽ giảm dần đất sống và bị loại bỏ như một kết cục tất yếu.
Tiếp theo, vấn đề minh bạch bình chọn luôn là một câu hỏi đau đầu của mọi cuộc thi được giải quyết bằng nguyên tắc sẽ công khai mọi chi tiết về chương trình và sự tham gia của 1 công ty kiểm toán uy tín. Các biện pháp kỹ thuật cũng được tận dụng tối đa. Mỗi máy tính/mỗi thuê bao chỉ được tính 10 lượt nghe/10 tin nhắn một ngày cho một bài hát. Sau hàng loạt những tin hậu trường không mấy lành mạnh của các chương trình âm nhạc tương tác, tính năng công khai và minh bạch của một hệ thống bình chọn thông suốt được đánh giá cao.
Mắt xích cuối cùng của việc bình chọn chính là ảnh hưởng của các ngôi sao. Một ca khúc đang được yêu thích thực sự có được tôn vinh thay vì một ca khúc tầm tầm của một ca sĩ ngôi sao có lượng fan hùng hậu? Đây là một câu hỏi không đơn giản khi tâm lí số đông vốn vẫn luôn tồn tại trong các cuộc bình chọn tại Việt Nam.
Nếu tại Mỹ, Anh và cả một số nước Châu Á, nơi khán giả có tầng nghe nhạc cao và đồng đều, phát hiện một ca khúc hay thực sự hay chỉ là hay do “áp lực” là không khó khăn. Nhưng thị trường Việt Nam thì rất dễ lẫn lộn hai tiêu chí đó. Để làm nổi bật các ca khúc hay và đạt được mọi yếu tố trình diễn là một cuộc đi đường dài, không dám chắc được thành công đến đâu, nhưng đây là chặng đường nên đi và phải đi. Nó góp phần tiên phong tạo nên một thị trường thưởng thức âm nhạc lành mạnh và trong sạch hơn.