Hà Nội

“Bài hát Việt” khép lại sau 11 năm lên sóng: Cần lắm sân chơi tôn vinh ca khúc Việt

31-01-2016 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chương trình “Bài hát Việt” năm 2015 khép lại bằng đêm Gala trao giải ấn tượng và nhiều màu sắc vào tối 22/1 vừa qua.

Chương trình “Bài hát Việt” năm 2015 khép lại bằng đêm Gala trao giải ấn tượng và nhiều màu sắc vào tối 22/1 vừa qua. Ðây cũng là chương trình cuối cùng, khép lại chuỗi hành trình 11 năm bền bỉ lao động nghệ thuật của êkip sản xuất với mong muốn tạo động lực, tôn vinh ca khúc mới. “Bài hát Việt” kết thúc để lại nhiều điều nuối tiếc trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.

Hành trình bền bỉ 11 năm tìm kiếm ca khúc Việt

Đêm chung kết “Bài hát Việt” năm 2015 diễn ra trong sự chờ đón của công chúng yêu nhạc Việt. Ca khúc Về với Đông Vũ Minh Tâm, biểu diễn Nhật Thủy đã giành “cú đúp” giải thưởng là “Bài hát của năm” và “Giải do Hội đồng báo chí bình chọn”. Ca khúc Phai do nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Vũ Cát Tường sáng tác và biểu diễn nhận giải thưởng “Ca khúc được yêu thích nhất do khán giả bình chọn”. Đức Phúc, quán quân “Giọng hát Việt” 2015 nhận giải thưởng “Ca sĩ được yêu thích nhất”. Nhìn chung, cũng như đêm chung kết những mùa trước, cuộc chạy đua giành ngôi vị cao nhất của “Bài hát Việt” không cam go và quyết liệt. Tuy nhiên, chỉ có sự khác biệt là, đêm chung kết “Bài hát Việt” 2015 sẽ là đêm chung kết cuối cùng của chương trình được đánh giá là hiếm hoi, dài hơi nhất tôn vinh ca khúc Việt.

“Bài hát Việt” đã đi một chặng đường dài, có nhiều đóng góp tích cực cho âm nhạc Việt Nam những năm gần đây.

Ra đời năm 2005, sân chơi “Bài hát Việt” đã có cuộc hành trình dài, với mục đích tìm kiếm, tôn vinh ca khúc Việt. Mỗi năm, hàng trăm ca khúc mới được giới thiệu đến khán giả và đã có ca khúc ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Không thể phủ nhận sự bền bỉ, tâm huyết và đầy trách nhiệm của những người làm nghệ thuật với nỗ lực tạo ra sân chơi âm nhạc nghiêm túc. Sân chơi “Bài hát Việt” đã chắp cánh, giới thiệu đến công chúng hàng loạt nhạc sĩ trẻ tài năng như: Thanh Tâm, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Hải Phong, Giáng Son, Bảo Lan, Nguyễn Hồng Thuận, Sa Huỳnh, Mai Khôi, Đinh Mạnh Ninh, Nguyễn Xinh Xô, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Tạ Quang Thắng, Huyền Sambi, Phạm Hải Âu, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường, Phan Mạnh Quỳnh, Vũ Minh Tâm...

Chương trình “Bài hát Việt” đã mang đến cho nhạc Việt nhiều ca khúc hay, nhất là ở những mùa đầu tiên, như Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Thu tình yêu (Lưu Thiên Hương), 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Giấc mơ của tôi (Anh Quân), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Mong anh về (Dương Cầm), Hát một ngày mới (Lê Minh Sơn), Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), À í a (Lê Minh Sơn). Những ca khúc như Giấc mơ mang tên mình (Văn Phong), Thềm nhà có hoa (Lê Thanh Tâm), Chuông gió (Võ Thiện Thanh), Ngọn cỏ lau, Quạt giấy (Lưu Thiên Hương), Con cò (Lưu Hà An), Góc tối (Nguyễn Hải Phong), Bài ca tình yêu (Thành Vương), Em trong mắt tôi (Nguyễn Đức Cường), Phố cổ (Nguyễn Duy Hùng), Chỉ một câu (tác giả Phạm Toàn Thắng, biểu diễn Đức Phúc), Bốn chữ lắm (tác giả Phạm Toàn Thắng) Vì em nhớ anh (tác giả Phạm Hải Âu), Về với đông (sáng tác Vũ Minh Tâm), Tôi, cầu vồng và những ánh trăng (sáng tác và biểu diễn Tạ Quang Thắng), Phai (sáng tác và biểu diễn Vũ Cát Tường)...

Không thể phủ nhận sự đóng góp của “Bài hát Việt” với nền âm nhạc Việt những năm gần đây. Thế hệ nhạc sĩ trẻ được “thử lửa” qua sân chơi “Bài hát Việt” ngày càng trưởng thành cả về tư duy và cảm xúc âm nhạc. Nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ rằng, không chỉ chắp cánh cho những tác giả trẻ mà “Bài hát Việt” còn là nơi thúc đẩy những nhạc sĩ đã trưởng thành phải tìm tòi, đóng góp nhiều hơn nữa cho nhạc Việt.

Chờ đợi những sân chơi mới

Chia sẻ về quyết định dừng sân chơi “Bài hát Việt” sau 11 năm lên sóng, nhạc sĩ Quốc Trung đã nói rằng, “Trong cơn bùng nổ của các chương trình ca nhạc truyền hình thực tế, những sân chơi như bài hát Việt rất khó duy trì. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, truyền hình thực tế không phải là con đường duy nhất để nghệ sĩ đến với công chúng. Có thể đó là con đường nhanh nhất nhưng đó cũng là con đường dễ bị lãng quên nhất”. Công bằng mà nói, trên chặng đường của mình, “Bài hát Việt” không nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Ở những mùa đầu tiên, sân chơi này ít nhiều gây được tiếng vang khi được phát sóng trên VTV3, kênh thể thao giải trí có số lượng người xem cao nhất của VTV hiện nay. Tuy nhiên, do không thể cạnh tranh được với những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc lên sóng cùng thời điểm, “Bài hát Việt” chuyển sang sóng của VTV6 nên lượng người xem giảm đáng kể. “Bài hát Việt” phải đối mặt với khó khăn lớn trong việc tạo ra hiệu ứng truyền thông rộng rãi từ cộng đồng.

Chất lượng của chương trình những mùa sau rơi vào tình trạng “tụt dốc” vì vắng ca khúc hay. Ngay cả ca khúc giành giải thưởng “Bài hát của năm” vài năm trở lại đây cũng không được đánh giá cao hay có khả năng tạo “hit” trong giới trẻ. Dường như, cách cảm nhận và “gu” thẩm mỹ âm nhạc của những nhạc sĩ trẻ chưa chạm đến trái tim của người yêu nhạc. Ca khúc mới chưa thực sự đột phá, mới lạ và điều này tất yếu sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của chương trình.

Tôi cho rằng, “Bài hát Việt” khép lại là phù hợp bởi nếu không tiếp tục có sự bứt phá và những đổi mới trong format, sân chơi này sẽ hụt hơi, không đủ sức cạnh tranh với những chương trình âm nhạc có format nước ngoài mới lạ, hấp dẫn hơn. Với thị trường âm nhạc còn nhiều bất cập như hiện nay, việc phát triển những sân chơi tôn vinh ca khúc là rất cần thiết để hướng tới xây dựng lớp nhạc sĩ, ca sĩ mới, góp phần xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến. Nhiều người kỳ vọng, sau khi “Bài hát Việt” khép lại, sẽ có những sân chơi tôn vinh ca khúc mới hấp dẫn, lôi cuốn hơn ra đời. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là kỳ vọng bởi việc cho ra đời một chương trình truyền hình chuyên về sáng tác ca khúc không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, trước khi “Bài hát Việt” xuất hiện, dường như trên truyền hình không có bất kỳ một chương trình nào nhằm phát hiện, tôn vinh ca khúc ở Việt Nam.


Tường Phạm
Ý kiến của bạn