Hà Nội

Bài hát thời bình mang âm hưởng thời chiến

25-06-2016 19:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong chương trình Giai điệu tự hào số 2 với chủ đề Những trang viết còn lại (phát trên VTV1 tối 25/6/2016), nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã cung cấp một chi tiết thú vị.

Kỷ niệm thành phố tuổi thơ (nhạc sĩ Hồng Đăng) tưởng hoàn toàn là  một bài hát của thời bình song lại mang tâm hồn thời chiến. Lúc bấy giờ đang có chiến tranh biên giới phía Bắc. Đó không chỉ là những miêu tả đẹp đẽ về một thành phố bình yên với tiếng ve, cành me, cành sấu như  lâu nay đa số chúng ta vẫn hiểu mà đó còn là ký ức về thành phố tuổi thơ trong tâm hồn những thanh niên thành phố lên đường ra mặt trận thập niên 80 của thế kỷ trước.

Bởi vậy mà sau những Trưa nay qua đường phố quen/ Gặp những tiếng ve đầu tiên/ Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên..Tiếng ve trên đường vắng/ Hát theo bước hành quân/ Mãi xa vẫn còn ngân/ Tiễn tôi ra mặt trận/ Đường hành quân gấp gấp/ Tiếng ve chào say sưa/ Thấy thêm yêu thành phố/ Trong sáng tuổi ngây thơ…

Nhóm 5 dòng kẻ hát bài Kỷ niệm thành phố tuổi thơ

Ca sĩ Hà Thủy nhớ lại : Kỷ niệm thành phố tuổi thơ là một trong những bài hát trong hành trang của chúng tôi diễn ở điểm nóng Vị Xuyên những năm tháng đó. Đất nước có chiến tranh, ngay cả những học sinh sinh viên cũng xếp bút nghiên để lên đường. Những kỷ niệm về thành phố tuổi thơ bình yên với tiếng ve náu trong cành me cành sấu những trưa hè đã theo họ ra chiến trường. Chiến tranh bao giờ cũng mang gương mặt của cái chết và nước mắt. Có những người lính trẻ bị thương nặng nằm nghe chúng tôi hát. Hát xong đã phải kéo vải phủ lên mặt người chiến sĩ.

Cũng thời điểm đó, bài hát Ngày mai anh lên đường của nhạc sĩ Thanh Trúc cũng khai thác tâm trạng  của những người lính lên đường xa thành phố, xa người yêu  Dù xa nhau muôn trùng mùa thu xôn xao lá vàng/ Em ơi anh xa em vẫn gần thành phố thân thương/ Bàn tay em xây nông trường, bàn tay em gieo lúa vàng/ Gửi tình lên biên giới có khoảng trời thành phố/…

Điều này có gì đó tương thích với giấc mơ của những chàng trai Hà Nội năm xưa : Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm ( Tây Tiến- Quang Dũng).

Hay là, với những chiến sĩ bảo vệ Hà Nội những năm 1970, Đôi bờ là một trong những bài hát Nga được yêu thích nhất. Nó khích lệ tinh thần các chiến sĩ. Với bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam, bài hát Nga yêu thích nhất là Cachiusa, bài hát nói về tình yêu của một thiếu nữ Nga dành cho người yêu ở ngoài mặt trận.

Đã có một thời, người ta coi những tình cảm nhớ thương trong lòng những người lính như thế là biểu hiện của tình cảm tiểu tư sản ủy mị. Trải qua năm tháng, nhiều vấn đề đã được nhìn nhận lại, những tình cảm rất “con người” được trân trọng, tôn vinh. Suy cho cùng, mỗi người lính nhất thiết đều phải chiến đấu dưới một lý tưởng nào đó. Và khi lý tưởng đó được cụ thể hóa bằng tình yêu một thành phố tuổi thơ đầy hoa mộng, một dáng huyền tha thiết nơi quê nhà… chính là động lực để họ chiến đấu và chiến thắng.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn