Hơn nửa thế kỷ định hình và phát triển mà đến năm 2011 mới có một cuộc liên hoan chuyên ngành bài chòi đầu tiên. Có phải vì bộ môn bài chòi “sinh sau đẻ muộn” và yếu kém như có người nhận thức mà không được hưởng những ưu đai như những ứng xử đối với các bậc trưởng lão, đàn anh? Thực tế, bài chòi đa có tuổi đời hàng trăm năm nếu tính từ trò diễn xướng dân gian “đánh bài chòi”.
Tại Hội diễn sân khấu (SK) chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội (1957), Đoàn Bài chòi LK5 đã giành được huy chương vàng với vở Thoại Khanh Châu Tuấn và hầu hết các diễn viên đóng vai chính đều giành được giải cao ngang bằng với các bộ môn tuồng, chèo, cải lương. Cũng từ đó, cái tên chòi (bài chòi) vốn bị coi thường, bị phủ định trước đó đã được khẳng định và quan trọng hơn là hàng triệu nhân dân miền Bắc đã xem bài chòi và rất hâm mộ bộ môn nghệ thuật lạ mà quen này.
Hơn nửa thế kỷ phục hồi và phát triển, bài chòi đã hình thành được nhiều đoàn chuyên nghiệp khắp các tỉnh Nam Trung Bộ, từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Bình Định, Khánh Hoà và Thuận Hải (Đoàn ca kịch Thuận Hải là tiền thân Đoàn Bài chòi LK5), ngoài ra còn có các đoàn hoặc đội bài chòi ở Quân khu 5 và ở một số địa phương khác. Nghệ thuật bài chòi đã không bị lép vế trong bất kỳ cuộc liên hoan, hội diễn SK chuyên nghiệp nào suốt nửa thế kỷ qua và nếu làm một cuộc điều tra xã hội học về SK dân tộc nói chung thì bài chòi chắc chắn sẽ đứng vào hạng nhất, nhì về yêu thích của công chúng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tiếng hát bài chòi như cơm ăn nước uống của bộ đội và nhân dân ta.
![]() Vở Thoại Khanh Châu Tuấn của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. |
Bài chòi không chỉ có khán giả miền Trung yêu thích mà cả nhân dân miền Bắc cũng hâm mộ. Suốt 20 năm, trên miền Bắc, Đoàn Bài chòi LK5 liên tục vượt mức doanh thu theo chỉ tiêu quy định của Bộ Văn hoá. Và dù đã vắng bóng 35 năm (từ 1975 - 2010) nhưng khi được phục hồi (năm 2010) thì bài chòi vẫn thu hút khán giả tới các trung tâm biểu diễn tại Hà Nội như Nhà hát Lớn, nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Kim Mã... Một điều cũng thật đáng quan tâm là cách đây 35 năm, các nghệ sĩ tuồng trứ danh như Lệ Thi, Đinh Thái Sơn, Huỳnh Thủ, Vũ Đăng Khai... đã chuyển sang diễn bài chòi rất thành công thì hôm nay các nghệ sĩ tuồng xuất sắc như Ánh Dương, Hồng Khiêm, Kiều Oanh, Lộc Huyền... đã theo bước cha anh sang diễn bài chòi rất hay. Một lần nữa họ chứng tỏ tuồng và bài chòi là cây một gốc sinh ra hai cành, tuy hoa lá có khác nhau chút ít về sắc màu, nhưng vẫn chung một “huyết thống”, sợ nhất là bài chòi diễn ra cải lương, hoặc kịch nói cũng như diễn viên tuồng vì bát cơm manh áo mà phải đi đánh trống múa lân, múa cờ và đi hát lên đồng, lên bóng...nhưng ai ngăn cản họ được! Rất tiếc là Đoàn Bài chòi xã hội hoá ở miền Bắc thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc VN sau những đợt biểu diễn thành công ở Hà Nội lại vắng mặt tại Liên hoan Bài chòi toàn quốc đầu tiên diễn ra ở TP. Quy Nhơn - Bình Định. Bởi vậy, một cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính toàn quốc mà chỉ vẻn vẹn có ba đoàn ở Nam Trung Bộ thì có phần vắng tẻ, dù mỗi đoàn diễn tới hai vở nhưng vẫn không tăng được sắc màu và việc lấy các đội bài chòi cổ không chuyên ở Bình Định đến diễn chào mừng cũng không lấp được lỗ hổng nghệ thuật của cuộc liên hoan này! Sự mỏng mảnh lực lượng biểu diễn cộng với việc tuyên truyền quảng bá yếu kém làm cho cuộc liên hoan chìm lắng trong cái thành phố sôi động ở khúc ruột miền Trung!
Về nghệ thuật, nếu không có hai đoàn Bình Định và Khánh Hoà biểu diễn vở Thoại Khanh Châu Tuấn thì làm sao thấy được bài chòi đã và đang được kế thừa truyền thống như thế nào, dĩ nhiên còn rơi rụng khá nhiều đường nét, thủ pháp của thế hệ nghệ sĩ tiền bối và nếu không có vở Huyền thoại tiếng hát của Bình Định thì làm sao chứng minh bài chòi vẫn tiếp tục phát huy khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống mới một cách trôi chảy, ngọt ngào và ngợi ca một cách khéo léo sự hy sinh vô cùng to lớn của người nghệ sĩ, chiến sĩ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vô cùng ác liệt suốt 20 năm.
Cũng phát huy thế mạnh của nghệ thuật bài chòi về biểu diễn đề tài hiện đại, Đoàn ca kịch Bài chòi Quảng Nam diễn liền hai vở: Những đứa con oan nghiệt và Trái tim trong trắng. Tập thể nghệ sĩ ở Đoàn ca kịch Bài chòi Quảng Nam đa số là diễn viên trẻ đã chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp của mình thông qua hàng loạt nhân vật tốt, xấu, thật, giả... Nói chung, họ đều hát bài chòi khá hay, chỉ tiếc là họ chưa đủ đất để dụng võ và cũng rất tiếc là vở cũ làm lại mà chưa thật mới, chưa thật chín, đồng thời việc vận dụng bài bản, hô, hát cũng chưa thật bài chòi lắm, kể cả âm nhạc cũng quá ư hiện đại, làm lu mờ bản sắc bài chòi đầy chất dân gian và trữ tình sâu lắng.
Cũng theo khuynh hướng cách tân bài chòi, Đoàn ca kịch Bài chòi Khánh Hoà lại nặng về tiếp thu âm nhạc cải lương, nhưng nếu vượt quá giới hạn cho phép thì có lẽ những người am hiểu và yêu thích bài chòi sẽ cho là mờ bản sắc. Rất may là diễn viên của đoàn này đều hát bài chòi và các làn điệu dân ca LK5 khá rõ nét. Giá như họ tăng cường điệu hô và giảm bớt điệu hát thì chất bài chòi càng rõ nét hơn.
Tại Liên hoan nghệ thuật bài chòi lần này, các nghệ sĩ bài chòi không chuyên ở Bình Định đã cho đồng nghiệp xem hai chương trình bài chòi cổ hết sức hấp dẫn bởi các nghệ sĩ đều diễn những tích tuồng cổ như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lưu Kim Đính phá tứ môn. Họ diễn cả tuồng và bài chòi cùng một lúc, tức là làm động tác, trình thức, vũ đạo tuồng và hát bài chòi cổ xen lẫn hát nam (tuồng) kết hợp rất nhiều động tác tuồng một cách điêu luyện. Đặc biệt, dàn nhạc thì hoàn toàn theo truyền thống, tất cả đều ngồi bên cánh gà SK để cho khán giả cùng lúc được nghe nhìn tài nghệ và những âm thanh quen thuộc.
Tại Liên hoan bài chòi lần này, Câu lạc bộ đánh bài chòi ở Bình Định còn cho đồng nghiệp xem một buổi diễn đánh bài chòi cổ thật vô cùng lý thú. Ở đây, tài nghệ diễn xướng bài chòi của anh hiệu (người hát những câu thai) hết sức tài tình, tức là anh hiệu phải thuộc lòng hoặc ứng tác những câu thai cho thật hay, thật trúng với từng con bài của những người chơi đang ngồi trên cái chòi.
Tấm màn nhung của cuộc liên hoan nghệ thuật bài chòi toàn quốc lần thứ nhất đã khép lại, nhưng nó mở ra bao vấn đề cần giải quyết, trước hết là đội ngũ kế thừa, kể cả diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ đang rất thiếu, thứ đến là công tác nghiên cứu bài chòi hầu như không có. Như vậy thì làm sao bài chòi tránh được nguy cơ mai một, mất bản sắc trong tương lai gần.
GS. HOÀNG CHƯƠNG