Bài ca trên đỉnh Hòn

10-09-2017 14:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ban mai biển. Ðảo Hòn Chuối mùa gió chướng xôn xao bóng thuyền vào lộng sau một đêm giăng lưới ngoài khơi xa.

Những ngư phủ trên đảo tất bật chuyển cá vào bờ. Những ngôi nhà dựng sơ sài bằng cừ tràm, lá dừa nước trên ghềnh đá cao đều không cửa, nhà mở toang đón gió, tiếng người gọi nhau lao xao rộn một vùng biển vắng.

"Một, hai, ba, bốn, năm..., hai mươi mốt, hai mươi hai...”, ở một góc tĩnh lặng hơn đầu này của đảo, thầy trò của lớp học tình thương trên đỉnh Hòn đang trên đường đến lớp chuẩn bị cho năm học mới. Gần 20 đứa trẻ từ 6 đến 14 tuổi mặc đồng phục nắm tay nhau trèo từng bậc thang, vừa đi vừa đếm... Thượng úy Trần Bình Phục - cán bộ vận động quần chúng Đồn biên phòng Hòn Chuối cõng trên lưng đứa trẻ nhỏ nhất, hai tay dắt hai em lớn hơn chút xíu chậm rãi bước cuối cùng, vừa nói chuyện với bọn trẻ cạnh mình, vừa ngó chừng bọn trẻ đằng trước. Đứa bé trên vai anh thủ thỉ: “Thầy ơi, thầy ở đây hoài với tụi con nghe thầy”. Trần Bình Phục trả lời: “Thầy sẽ còn ở đây hoài. Nhưng mấy đứa phải ráng học giỏi, rồi vào đất liền học lên cao nữa. Nghen!”. Bọn trẻ dạ ran rồi líu tíu chạy nhanh về phía trước.Thượng úy Trần Bình Phục cõng học trò tới lớp.

Thượng úy Trần Bình Phục cõng học trò tới lớp.

Cơ duyên đưa Phục đến với hòn đảo nhỏ này là vào năm 2008. Khi ấy, Trần Bình Phục trong một lần vào viện điều trị, anh được bác sĩ thông báo mắc bệnh K bạch huyết do nhiễm phóng xạ. Suốt một năm chống chọi với tử thần, trong lòng còn nhiều hoang mang vô định và sức khỏe còn chưa kịp hồi phục sau một năm điều trị căn bệnh ung thư máu, vậy mà khi bệnh tạm lui Phục lại viết đơn xin ra công tác tại đảo Hòn Chuối. 6 lá đơn đầy tâm huyết gửi chỉ huy đơn vị thì có đến 5 lần Bộ Chỉ huy Biên phòng Cà Mau không đồng ý với lý do Phục đang ốm mệt, không nên ra nơi khó khăn, gian khổ như Hòn Chuối để công tác. Nhưng rồi trước quyết tâm của Phục, lá đơn thứ 6 đã được chấp nhận. Từ đây, Phục đã bén duyên với đảo và nghề thầy giáo một cách đầy tâm huyết và trách nhiệm.

Buổi sáng chủ nhật biển động, ghe nằm bờ nhiều vì chủ ghe biết đi biển không thuận. Thượng úy Trần Bình Phục cùng chúng tôi tranh thủ thời gian ghe nằm bờ để đến thăm một số gia đình trong xóm đảo. Trong căn nhà tuềnh toàng lúc nào cũng lồng lộng gió, phụ huynh hai em Ngô Tường Vi và Ngô Vĩnh Kỳ là chị Nguyễn Thị Lê rót nước mời thầy, còn hai đứa trẻ ríu ran trò chuyện. Gia đình chị đã ba thế hệ mù chữ, đến đời bọn trẻ là thứ tư.

Chị Lê thật thà tâm sự: “Vậy mà khi được thầy Phục đến vận động cho con đến lớp, tôi thẳng thừng nói rằng: “Đi học làm chi cho mất công. Học đâu có gạo ăn, tôi không biết chữ nhưng mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm ngàn” rồi mời thầy giáo Phục ra khỏi nhà. Vậy mà thầy giáo không nản, chiều nào cũng xuống giúp gia đình tôi phụ gỡ mồi và rủ rỉ chuyện trò. Rồi thầy trích tiền lương cho tôi vay vốn gửi vào đất liền mua tạp hóa ra đảo bán lấy lời để dành thời gian cho con đi học. Giờ thì công chuyện làm ăn dần khấm khá, hai đứa trẻ mới học hết lớp 2 nhưng đã có thể đọc hóa đơn, tính tiền hàng giúp mẹ”.

Hành trình của chúng tôi ra đến sát cuối làng đảo, nơi có một căn nhà đơn sơ của bà cháu em Thùy Dung nằm khuất sau ghềnh đá. Dung là một cô bé có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bố em mất sớm, mẹ bỏ đi không rõ nên từ nhỏ em đã sống cùng bà nội đã già yếu trong cảnh nay đây mai đó. Bé lũn chũn mà phải theo bà đi nhặt rác dưới ghềnh... Nếu không có tình thương yêu, đùm bọc của người dân trên đảo và tinh thần trách nhiệm của những chiến sĩ biên phòng, có lẽ tương lai của em còn mờ mịt lắm. Ba năm nay, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã nhận đỡ đầu Dung để em có thể tiếp tục được đến trường cho tới khi học xong đại học. Số tiền 500.000 đồng mỗi tháng mà thầy giáo Trần Bình Phục mang tới trao cho bà cháu em hôm nay sẽ là nguồn động viên quý giá để Dung có thể tiếp tục đến trường.

Vừa vá lưới, vừa trò chuyện, bà Ngô Thị Nhịn - một ngư dân đã có mặt ở đảo từ đầu những năm 80 bảo: “Hiếm có người tốt bụng như thầy giáo Phục. Ở đảo, có “ngã ba bắt trẻ”, “con nợ tự nguyện” hay “học bạ ma”... ai nghe cũng sẽ chỉ luôn thấy sự ái ngại, ác cảm. Nhưng ở Hòn Chuối này, những từ ngữ đó chính là biểu hiện của sự yêu thương, tận tụy của thầy Phục mà không phải ai đứng trên bục giảng cũng làm được điều đó. “Ngã ba bắt trẻ” là ngã ba đường duy nhất trên đảo, là nơi 7 năm qua, khi trời vừa sáng rõ, thầy giáo Trần Bình Phục đã vượt 1km đường từ đồn đến đây để chờ và “bắt” học sinh vào lớp”.

Còn cô chủ hàng quà sáng dưới chân dốc thì cho chúng tôi xem một quyển sổ ghi nợ, nhanh nhảu chỉ từng dòng: “Đây đã là cuốn sổ thứ 7 mà “con nợ” chính là thầy Phục biên phòng. Bọn trẻ ăn món gì, hết bao nhiêu tiền tôi đều ghi cẩn thận từng khoản vào sổ. Cuối năm, cuốn sổ ghi nợ sẽ được cộng dồn thành một khoản từ 6 đến 7 triệu đồng để thầy Phục trả một lần”.Dù căn bệnh ung thư máu còn đang rình rập, song thầy giáo Trần Bình Phục vẫn ngày ngày lên lớp.

Dù căn bệnh ung thư máu còn đang rình rập, song thầy giáo Trần Bình Phục vẫn ngày ngày lên lớp.

Nghe vậy, thầy Phục chỉ cười rồi nhìn các học trò nhỏ của mình ăn sáng với vẻ trìu mến. Thầy tâm sự: “Một lần trong giờ ra chơi, tôi đã đứng lặng sau tấm liếp chứng kiến cảnh học sinh của mình vì đói quá mà bày nhau cùng chơi trò giả vờ ăn mì tôm sáng. Rồi có lần tôi thấy một em bị thương ở mặt, gặng hỏi mãi em mới nói bố mẹ em đi biển từ sáng tới tối chưa về, do đói quá, em đã lao vào dành ăn với con chó nhà hàng xóm, rồi bị nó cắn rách mặt. Vậy là tôi xuống nói với cô chủ quán là mỗi sáng làm cho các em ăn lót dạ chút ít trước khi vào lớp. Tiền thì cho tôi ghi nợ trả vào cuối năm, khi có thưởng Tết. Thấm thoắt mà đã 7 năm.”

Còn những cuốn “học bạ ma” chính là những học bạ mà thầy Phục phải nhờ Trường tiểu học thị trấn Sông Đố hỗ trợ hoàn tất thủ tục về học bạ, có lưu ý đặc thù biển, đảo vì những năm qua, điểm trường trên đỉnh Hòn này mới chỉ được coi ở mức độ xóa mù chữ, chưa được công nhận là lớp học giáo dục quốc dân. “Tôi đã nhiều lần vào đất liền để gửi hồ sơ học bạ cho các em vào học tiếp ở điểm trường tại đất liền, lần nào cũng nghe cán bộ Phòng Đào tạo bảo: “Nể học sinh ở đảo lắm đó nghe, tin vào thầy trò, nhưng cái này là học bạ “ma”. Nghe mà đau nhói tâm can và ít nhiều tự ái. Nhưng rồi lại tự bảo mình dằn lòng xuống, vì tương lai của bọn trẻ. Và chính từ những quyển “học bạ ma” như thế, đã có hàng chục em được vào đất liền học tiếp cấp 3...” - Phục chia sẻ.

Chúng tôi rời Hòn Chuối khi năm học mới đang đến với đảo nhỏ. Mái lá nhỏ dựng tạm dưới gốc cây bàng trước đây giờ đã thành một ngôi trường khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng mới được xây dựng và đưa vào hoạt động từ giữa năm 2016 nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng. Năm học mới này, tất cả học sinh trên đảo đã được trang bị đầy đủ sách giáo khoa, nhờ các tổ chức và cá nhân trong đất liền hỗ trợ. Sau nhiều năm, lớp học từ 5 học trò ban đầu đã tăng lên 22 em và cũng từ lớp học tình thương này, đã có 4 em vượt biển vào đất liền học cao hơn, nay đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Năm 2015, lớp học miền đảo xa này được Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng trao tặng danh hiệu “Địa chỉ nhân văn” trong chương trình “Con đường Việt Nam nhân văn”.

Nhìn ngôi trường mới khang trang, Trần Bình Phục bảo: “Bảy năm ở đảo, từ chỗ lạ lẫm giờ đã thấy thân quen như quê mình. Bà con thương cho từ trái cà, trái mắm, con cá... Học trò cũng mến thầy, chịu nghe lời. Đó là nguồn động viên tôi. Tôi đến với bọn trẻ chính bởi tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi trong chúng, và tôi biết nếu không có tri thức, cuộc sống của chúng sẽ chỉ gói gọn trên hòn đảo nhỏ này. Tôi mong muốn, chừng nào còn sống trên đời, tôi sẽ giúp những trẻ em nghèo trên đảo không chỉ biết con chữ mà còn biết đạo lý để có thể thay đổi tương lai, để Hòn Chuối bớt nghèo, bớt khổ. Mỗi lần định giao lớp cho người khác, tụi nhỏ mếu máo bảo thầy ơi, đừng bỏ tụi con. Mặc dù căn bệnh ung thư vẫn còn đang rình rập nhưng tôi quyết tâm sẽ gắn bó với lớp học đến khi nào không công tác ở đây nữa hoặc phải “đi xa”.


Bài, ảnh: Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn