Bài 1: Đẻ thuê, mạch ngầm cứ chảy

27-06-2014 09:25 | Thời sự
google news

Việc mang thai hộ mới chỉ được Quốc hội thông qua, thì trên thực tế việc đẻ thuê đã được “giao dịch” rất sôi động. Việc những cặp vợ chồng không thể sinh con sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để thuê người khác đẻ con cho mình vẫn diễn ra từng ngày…

Việc mang thai hộ mới chỉ được Quốc hội thông qua, thì trên thực tế việc đẻ thuê đã được “giao dịch” rất sôi động. Việc những cặp vợ chồng không thể sinh con sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để thuê người khác đẻ con cho mình vẫn diễn ra từng ngày…

Chiều 19/6, ngay khi Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), trong đó có điều khoản thừa nhận việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015, nhiều bạn đọc trước đây từng bế tắc vì không thể sinh con đã gọi điện thoại đến Báo Phụ Nữ bày tỏ vui mừng, nhưng cũng không ít người lo lắng: “Luật đã “thông” nhưng chỉ cho phép người có mối quan hệ ruột thịt mang thai hộ, mà tôi không còn người ruột thịt, không lẽ tìm dịch vụ đẻ thuê…”.

Có một thị trường "mang thai hộ"

Theo thống kê của ngành y tế, cả nước hiện có hơn 700 ngàn cặp vợ chồng không có điều kiện sinh con và họ đang ước ao được làm cha mẹ. Trong đó, không ít trường hợp người vợ dù tuổi đời còn trẻ nhưng không thể mang thai vì bẩm sinh không có tử cung hay mắc bệnh. Mang thai hộ là phương cách cuối cùng để họ có thể có đứa con. Một bác sĩ sản khoa nói: “Dù luật cấm nhưng dịch vụ đẻ thuê vẫn hoạt động mạnh, vì nhu cầu thực tế quá lớn”.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định tạm giữ một trường hợp sản phụ sinh tại BV này bởi nghi do đẻ thuê. Theo thông tin từ BV cung cấp, ngày 23/5, BV tiếp nhận một sản phụ nhập viện chuẩn bị sinh; khi nhân viên BV yêu cầu nộp giấy chứng minh nhân dân để ghi vào hồ sơ bệnh án thì sản phụ này cho biết đã mất chứng minh nhân dân và cũng không có chồng, không có người thân, chỉ nhờ người quen đưa đi sinh. Sản phụ khai tên Trịnh P.C. (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Thế nhưng, trong quá trình chăm sóc, các bác sĩ của BV phát hiện sản phụ có cùng lúc hai sổ khám thai. Một sổ khám ở BV Hùng Vương mang tên Nguyễn B.Y. 20 tuổi, ngụ ở Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và một sổ khám ở BV Vạn Hạnh mang tên Trịnh P.C., 37 tuổi. Đến 13g50 ngày 25/5, sản phụ sinh bé trai nặng 2,9kg. Khi xuất viện, gia đình của sản phụ yêu cầu BV Nhân dân Gia Định cấp giấy chứng sinh, nhưng bị BV từ chối vì nghi sản phụ khai man, hơn nữa sản phụ quá trẻ so với tuổi khai trong hồ sơ bệnh án. BV chưa kịp điều tra, can thiệp thì gia đình đã lẻn mang em bé về, để lại tờ giấy chứng sinh còn dang dở vì không có tên người mẹ…

Trong vai một cặp vợ chồng đi tìm người đẻ thuê, chúng tôi đến hẻm 1A Cống Quỳnh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. Đây là con hẻm có đến vài chục phòng trọ cho những cặp vợ chồng đang chữa trị vô sinh, hiếm muộn ở BV Từ Dũ tá túc. Ở đây, chúng tôi gặp hơn chục phụ nữ tuổi trung niên áo xống lùng bùng ngồi túm tụm chuyện trò.

Một chị chỉ dẫn: “Có trữ phôi chưa? Trữ bao nhiêu cái, ở BV nào?”. Tôi đáp: “Hai phôi, bên BV A.”. Chị hớn hở: “Vậy là ngon rồi, ra bác sĩ T. ở đầu hẻm này đi, BV A. đó cho làm vô tư luôn đấy!”. Rồi chị tường tận chỉ dẫn tôi cách thức: “Cứ để người đẻ thuê vô ngân hàng phôi trình giấy tờ gốc của mình và cấy phôi vào, thế là xong!”. Nhưng khi hỏi, tìm đâu ra người đẻ thuê, thì chị nói: “Lên mạng đi, đầy nhóc! Không thì rao vặt thông tin của mình, thế nào cũng có người gọi cho coi”.

Bà Năm, người trông coi nhà trọ gần BV Từ Dũ cho biết nhiều người đến thuê ở để tìm người mang thai hộ

Nghe chúng tôi chuyện trò, chị Nguyễn Thị A.C. (31 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Thuận) rỉ tai: “Chị đến công ty Mầm Sống Việt thử đi, chỗ này đảm bảo. Nó ngay góc Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh đây thôi, đi đi, cầu may chị ạ”.

Chúng tôi thử đến chung cư 452 Nguyễn Thị Minh Khai tìm người đàn ông tên Thương để nhờ anh ta mai mối. Tòa nhà cũ kỹ, hơn một giờ đồng hồ chúng tôi vẫn không tìm ra được biển hiệu ghi tên công ty. Ba lần chúng tôi tìm đến chung cư nhưng ông Thương đều không ở nhà. Người giữ xe ở chung cư này cho biết: “Muốn tìm ông Thương phải gọi điện hẹn trước”.

Chúng tôi gõ Google tìm tên Mầm Sống Việt mới biết đây là công ty đăng quảng cáo công khai trên mạng làm dịch vụ môi giới mang thai hộ giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn lẫn những phụ nữ muốn làm nghề đẻ thuê (có hai chi nhánh, một ở Nguyễn Thị Minh Khai và một ở 390/26 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM). Tuy nhiên, suốt một tuần lễ liên lạc bằng mọi hình thức, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được người chủ công ty.

Sau nhiều ngày lang thang ở các khoa sản của một số BV trong TP.HCM và những lời rao trên mạng, chúng tôi có hàng chục số điện thoại của các cô gái muốn mang thai hộ người khác. Sau ba ngày nhận tin nhắn, Nguyễn Thị Kim N., số ĐT 0122620… vui vẻ “phản hồi”: “Chị ơi, em đang mang thai giùm người khác bốn tháng rồi, chị tìm người khác nhe”. N. khoe đã được nhận trước 100 triệu nên bây giờ chỉ có yên tâm… dưỡng bầu.

Nhưng cũng có người chịu “chào hàng”. T.T.P., 27 tuổi ở Hà Tây thì “dứt giá” 200 triệu đồng mới đồng ý mang thai hộ. P. nói: “Giá đó, nhưng đừng bắt em đi khỏi Hà Nội nhé, công việc của em ở đây rất ổn định. Nếu chị không chấp nhận điều kiện đó thì đành thôi”. Tôi hứa chắc mình sẽ trả cao hơn nếu P. chịu vào TP.HCM sinh con giúp, ban đầu cô gạt phăng, nhưng suốt những ngày sau đó, P. lại liên tục điện thoại đề nghị cho cô gặp mặt, hối thúc chúng tôi ký hợp đồng. Tối 21/6, một lần nữa, P. lại điện thoại và nói: “Nếu chị đặt giúp em một chiếc vé máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, em sẽ gặp chị ngay ngày đầu tháng Bảy tới để bàn bạc hợp đồng và đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu. Chị yên tâm, em có giấy tờ tùy thân đầy đủ” .

G. nhận lời giúp phóng viên mang thai hộ với giá 150 triệu đồng

Dễ sinh hệ luỵ

Trong khi đa phần những phụ nữ mà chúng tôi tiếp cận được qua lời rao “nhận mang thai hộ” trên mạng đều rất rành rẽ chuyện hợp đồng và kỳ kèo giá cả, thì N.T.G., ngụ P.27, Q. Bình Thạnh, TP.HCM lại rất “hồn nhiên: “Hợp đồng mang thai hộ là gì, em đồng ý mang thai hộ cho một kiến trúc sư nhưng có ký hợp đồng gì đâu, gia đình anh ấy nói nếu em đồng ý, ngay ngày bơm tinh trùng sẽ đưa 20 triệu, chích ngừa lần một đưa tiếp 50% số tiền còn lại. Trước ngày sinh trả tiếp”.

Cha bỏ đi khi chưa tròn một tuổi, G. được mẹ mang về nương nhờ nhà ngoại. 17 tuổi, G. mang thai, bị người yêu bỏ. Ba năm qua, G. làm công nhân cho một xí nghiệp may. Nhưng cách đây vài tháng, G. lang thang trên mạng thì thấy thông tin về việc mang thai hộ và quyết định dấn thân vào con đường này, với lý do "để có tiền chữa bệnh cho bà ngoại" mà không biết nhà nước cấm mang thai hộ.

Chuyện mang thai hộ phát sinh nhiều vấn đề mà bản thân người trong cuộc không ngờ. N.T.C., 29 tuổi, ở Vĩnh Phúc cho biết đang mang trong người giọt máu của người dưng. C. kể: “Nghĩ mà chua xót. Thai đã tới tháng thứ bảy, sắp tới ngày tôi phải chia tay nó. Những ngày này tôi cứ ước mình trúng số. Nếu trúng số, tôi không giao đứa bé này đâu. Ngặt nỗi, khoản tiền 100 triệu còn lại đó sẽ giúp tôi trang trải bao thứ nợ nần”.

Nhờ mang thai hộ, chị C. đã trả được món nợ ngân hàng hơn 90 triệu đồng vay từ sáu năm trước cho chồng đi tu nghiệp sinh ở Hàn Quốc để rồi anh ta trốn biệt luôn bên ấy. Lương giúp việc nhà còm cõi chẳng đủ chi tiêu, lãi mẹ đẻ lãi con, đến giờ món nợ lên gần 200 triệu đồng. Đành rằng đứa con trong bụng là của người ta nhưng vẫn cảm thấy với mình nó đã có một mối dây ràng buộc lớn. Không riêng gì C., thực tế có khá nhiều vụ mang thai hộ ban đầu vì tiền, sau đó người mang thai hộ phát sinh tình cảm với đứa trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Rất may mắn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, những người mẹ mất khả năng mang thai, bởi Quốc hội đã thông qua định chế cho phép mang thai hộ. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, đồng thời là thành viên của Hội đồng soạn thảo nghị định hướng dẫn hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ của Bộ Y tế cho biết: “Những trường hợp được chỉ định mang thai hộ khi người mang thai còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không có tử cung do dị tật bẩm sinh hoặc trước đó có đẻ một lần, hoặc phá thai dẫn đến băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… nên phải cắt tử cung. Vì không được thương mại hóa nên Luật quy định người mang thai hộ phải có mối quan hệ ruột thịt, chứ không phải ai muốn mang thai cũng được”.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, quy định chưa tính, chưa dự liệu đến trường hợp người có nhu cầu nhờ mang thai hộ không có chị, em ruột thịt. Chính vì vậy, văn bản nghị định chi tiết cần cụ thể để tránh tình trạng nhiều gia đình lén lút đi tìm người mang thai hộ.

"Nghĩ mà chua xót. Thai đã tới tháng thứ bảy, sắp tới ngày tôi phải chia tay nó. Những ngày này tôi cứ ước mình trúng số. Nếu trúng số, tôi không giao đứa bé này đâu. Ngặt nỗi, khoản tiền 100 triệu còn lại đó sẽ giúp tôi trang trải bao thứ nợ nần"

Chị N.T.C.

 

 


Ý kiến của bạn