Bạch tuộc (Octopus vulgaris Lamarck) thuộc họ bạch tuộc (Octopodidae), tên khác là mực tuộc, mực đầu tròn, mực phủ, là một loài động vật thân mềm, có kích thước rất đa dạng từ loài nhỏ nhất chỉ dài 10-25mm, nặng 10-15g, đến loài trung bình dài 0,5-1m, nặng 5-10kg và loài lớn nhất có thể dài 5-10m, nặng 50-250kg. Thân ngắn hình trứng hay gần tròn, da trơn nhẵn, mặt lưng hơi gồ lên màu xám mốc, mặt bùng phình to màu trắng xám. Đầu nhỏ, miệng hẹp, mắt tròn to, lồi hẳn ra ngoài như hai cục thịt sinh động. Xúc tu (vòi hay tay bám) 8 cái dài, đầu mút nhọn có thể cuộn tròn lại rất linh hoạt, mọc ở phía gần đầu và miệng, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ đầy giác bám sần sùi xếp thành hai hàng song song và đều đặn, không phân hóa thành tay bắt mồi riêng. Các giác bám không có vòng sừng và răng sừng như các loài mực.
Một số loài khác như Octopus ocellatus Gray và O.ovulum cũng được dùng với công dụng tương tự.
Bạch tuộc rất phong phú về chủng loại, có khoảng 150 loài trên thế giới và hơn 10 loài ở Việt Nam. Chúng phân bố từ vùng triều đến vùng biển ở tầng đáy sâu đến 300m, ban ngày ẩn náu trong hang đá dưới đáy biển tối tăm, đến đêm thì bò đi kiếm mồi.
Bạch tuộc.
Toàn con bạch tuộc bắt về, mổ bỏ ruột, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Thịt bạch tuộc được dùng trong thực phẩm để chế biến nhiều món ăn ngon và bổ như mực nang, hải sâm. Trong y học cổ truyền, thịt bạch tuộc, tên thuốc là chương ngư, có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, thông sữa, thu liễm, sinh cơ chữa cơ thể gầy yếu, thần kinh suy nhược, tắc tia sữa. Dạng dùng thông thường là nướng giòn, tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-10g, có thể đến 20g với nước ấm hoặc rượu. Hoặc dùng dưới dạng thức ăn - vị thuốc theo cách chế biến sau:
Thịt bạch tuộc 50-100g, thái miếng; lạc 60g ngâm nước cho tróc vỏ ngoài, lấy nhân, giã nát. Cho hai thứ vào nồi cùng với nước vừa đủ, nấu đến dừ nhuyễn, thêm gia vị và ít rượu. Ăn cái, uống nước làm một lần trong ngày.
Từ bạch tuộc, người ta đã chiết được chất octopamin có tác dụng gây mê, cường giao cảm và một hoạt chất có khả năng trị bệnh rối loạn nhịp tim.
Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta dùng bạch tuộc dưới dạng thức ăn - vị thuốc khá phổ biến trong những trường hợp sau:
- Chữa cơ thể suy nhược sau đẻ: Thịt bạch tuộc 100g, thái nhỏ, phơi khô; chân giò lợn một cái, chặt miếng. Cho hai thứ vào nước, ninh thật nhừ nhuyễn. Ăn vào hai bữa cơm hằng ngày.
- Chữa thiếu máu, chậm tiêu: Thịt bạch tuộc để tươi 100-200g, rửa sạch, thái nhỏ. Xào với dầu ăn cho săn cạnh, thêm 1-2 thìa nước gừng và 200ml nước. Nấu cho chín nhừ. Ăn làm hai lần trong ngày.
DSCKII. Đỗ Huy Bích