Bạch Long Vĩ: Cứu bệnh nhân mất máu cấp nhờ ngân hàng máu sống

11-08-2016 16:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Rạng sáng nay, 11/8/2016, ngư dân Nguyễn Thành C. (33 tuổi, quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị tai nạn với vết thương sâu vùng cổ gáy đã được truyền máu kịp thời nhờ nguồn máu từ ngân hàng máu sống tại đảo Bạch Long Vĩ.

Trước đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ lúc 2h30 phút trong tình trạng huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ, sốc do mất máu, vết thương chéo ngang gần đốt sống cổ 7 dài 15 cm, máu chảy thành tia; ước tính mất khoảng 1,5 lít máu.

Trước tình trạng nguy kịch đó, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã tiến hành hồi sức chống sốc, gây mê đặt nội khí quản, kiểm tra đáy vết thương để xử lý kẹp, thắt mạch máu đồng thời khâu bảo tồn vết thương 2 lớp. Bác sĩ Nguyễn Đức Quân – Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết: “Do mất máu cấp nên bệnh nhân luôn trong tình trạng huyết áp tụt, vật vã kích thích, nguy cơ tử vong cao. Trung tâm Y tế đã báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện về việc huy động máu từ ngân hàng máu sống của huyện đảo để truyền máu kịp thời cho bệnh nhân”.

Ngay sau 15 phút huy động, nhiều thành viên của ngân hàng máu sống đã có mặt để sẵn sàng hiến máu cho bệnh nhân. Anh Bùi Văn Thành – Liên đội Thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ, nhóm máu O –  thành viên của Ngân hàng máu sống huyện đảo từ 7/2013 đã đủ điều kiện hiến 1 đơn vị máu 250 ml. Nhờ truyền máu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, mạch, huyết áp ổn định, vết thương tại chỗ đã cầm máu. Hiện tại, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi sát sao và điều trị tích cực.

Khám sức khỏe, lấy máu xét nghiệm để tuyển chọn thành viên ngân hàng máu sống huyện Bạch Long Vĩ vào tháng 7/2013


Bệnh nhân được truyền máu kịp thời từ ngân hàng máu sống của đảo Bạch Long Vĩ

Đây là lần thứ 2 huyện Bạch Long Vĩ thực hiện truyền máu cấp cứu cho bệnh nhân nhờ nguồn máu từ ngân hàng máu sống. Trường hợp truyền máu đầu tiên vào ngày 5/8/2015, ngư dân bị tai nạn do máy tời cuốn đứt ¾ cánh tay trái khi đang tham gia đánh cá đã được phẫu thuật và truyền 1 đơn vị máu trước khi chuyển về đất liền tiếp tục điều trị.

Bạch Long Vĩ là huyện đảo xa bờ nhất của thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 140 km, trung bình phải mất từ 8 – 10 tiếng với điều kiện thời tiết thuận lợi để đi tàu ra đảo. Trong khi đó, hàng năm, Trung tâm Y tế huyện phải đảm nhận khám chữa bệnh cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân nội trú, ngoại trú và phẫu thuật hàng trăm ca bệnh, lại có nhiều trường hợp nặng, cần truyền máu như thủng dạ dày, vết thương gan, xuất huyết tiêu hóa, chửa ngoài tử cung vỡ…

Trước nhu cầu máu vô cùng cấp thiết với sinh mạng người bệnh nơi đảo xa, ngày 1/7/2013, huyện Bạch Long Vĩ đã phối hợp với Trung tâm Huyết học – Truyền máu Hải Phòng đã tuyển chọn và xây dựng được ngân hàng máu sống dựa trên lực lượng hiến máu dự bị gồm 20 thành viên nhóm máu O. Hàng năm, lực lượng này đều được khám sức khỏe định kỳ, tuyển chọn bổ sung khi có thành viên chuyển về đất liền công tác.

GS. TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khẳng định: “Cùng với Bạch Long Vĩ, chúng tôi đã triển khai nhân rộng mô hình hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả, bền vững tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như: Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Si Ma Cai (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang)… và cả huyện đảo Trường Sa. Thực tiễn đã chứng minh đây là phương án tối ưu nhất để có được nguồn máu an toàn khi cần huy động khẩn cấp ở những nơi có địa hình phức tạp, không thể cung cấp máu kịp thời hoặc vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.


Thanh Hằng
Ý kiến của bạn