1. Bạch hầu dễ bùng phát thành dịch
Vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng lây truyền theo đường hô hấp bởi giọt bắn từ người bệnh khi nói, ho… vào không khí. Người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, sẽ mắc bệnh. Những giọt bắn này còn làm lây lan vi khuẩn ra môi trường xung quanh như: sàn nhà, quần áo, chăn màn, tay vịn cầu thang... và sẽ lây bệnh cho người lành, nhất là trẻ em nếu chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.
Điều quan trọng là ổ chứa vi khuẩn nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn nên khả năng lây truyền bệnh rất nhanh. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày hoặc có thể lâu hơn.
Thời kỳ lây truyền bệnh thường không cố định: có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất trên 4 tuần.
2. Nhận dạng bạch hầu
Bệnh bạch hầu có 3 loại:
- Bạch hầu họng.
- Bạch hầu thanh quản.
- Bạch hầu ác tính.
Hay gặp nhất là bạch hầu họng, mũi, thời kỳ ủ bệnh khoảng vài 3 ngày, sau đó có sốt nhẹ, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (còn gọi là giả mạc) xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng rất khó bóc tách, nếu bóc tách sẽ chảy máu. Giả mạc phát triển rất nhanh ở amiđan người bệnh. Lúc này, người bệnh có biểu hiện nhiễm độc tố: da xanh tái, cơ thể mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp giảm… Nếu được phát hiện và điều trị đúng, kịp thời bệnh sẽ khỏi. Nếu không, loại bạch hầu này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản. Khi ấy, niêm mạc thanh, khí quản bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp và có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong nếu không được cấp cứu mở khí quản kịp thời.
Bạch hầu ác tính (thể cấp): xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, 3 với các triệu chứng rất rầm rộ: sốt cao 39 – 40 độ C; người mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở có mùi hôi; hạch góc hàm sưng to đau làm cổ bạnh ra. Lúc này, bệnh nhân dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim, khó thở, khan tiếng, huyết áp tụt, mạch rất nhanh… Nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu.
Vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và có thể chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
- Biến chứng viêm cơ tim: có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường cao.
- Biến chứng viêm dây thần kinh: thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không có những biến chứng nặng khác.
- Liệt màn khẩu cái (màn hầu): là biến chứng khác có thể gặp ở bệnh bạch hầu và thường xuất hiện vào tuần 3 của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành… có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh bạch hầu.
- Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
- Ở trẻ em có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.
- Bệnh bạch hầu có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50% và ⅓ trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Trong trường hợp này, điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng những biến chứng vẫn cần phải điều trị kéo dài.
Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu thường khoảng 5% – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi.
5. Phòng bệnh bạch hầu hữu hiệu
Tuy bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu thực hiện các biện pháp đề phòng thì tỉ lệ mắc bệnh cũng sẽ hạn chế:
- Cần tiêm đầy đủ và đúng lịch vaccine bạch hầu, nhất là trẻ em.
- Nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
- Nên che miệng khi ho, hắt hơi.
- Giữ vệ sinh cơ thể; Vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
- Nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Nhà ở, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Cần vệ sinh thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, tay vịn cầu thang để tiêu diệt vi khuẩn.
- Khăn lau tay, khăn mặt trẻ em cần được giặt sạch, sát trùng.
Khi có những triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Ăn Cá Hay Thịt Tốt Hơn | SKĐS