Hà Nội

Bạch giới tử - trừ đờm, trị ho, tiêu độc

SKĐS - Bạch giới tử là còn gọi hạt rau cải canh, tên khoa học Semen sinapis albae. Là hạt già phơi khô của cây rau cải canh.

Theo Đông y, bạch giới tử vị cay, ôn; vào kinh phế. Có tác dụng ôn hóa hàn đàm (làm ấm, tiêu đờm do lạnh); lợi khí, hóa đàm, thông kinh lạc, tiêu thũng độc. Chữa các chứng hàn đàm ủng phế, đàm ẩm khí nghịch, âm thư, lưu chú, loa lịch, đàm hạch. Liều dùng: 4 - 8g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Hạt cây cải trắng cho vị thuốc bạch giới tử.

Hạt cây cải trắng cho vị thuốc bạch giới tử.

Một số bài thuốc có dùng bạch giới tử

Trừ đờm, chữa ho. Trị các chứng bệnh do đờm lạnh kéo vướng phổi, ho, hen suyễn, đờm nhiều và loãng, tức ngực. Dùng bài Tam tử dưỡng thân: hạt rau cải trắng 4g, hạt tía tô 12g, hạt rau cải củ 12g. Sắc uống.

Lưu thông các thứ bị đọng, giảm đau.

Bài 1: Thuốc bột hạt cải trắng: hạt cải trắng 4g, hạt gấc 12g, một dược 12g, quế tâm 12g, mộc hương 12g. Các vị chế thành thuốc bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, với rượu trắng hâm nóng. Chữa đờm vướng tắc, đau nhức khớp do đàm trệ.

Bài 2: Khổng diên đơn: cam toại, đại kích, bạch giới tử, liều lượng bằng nhau. Tán bột, làm viên nhỏ. Mỗi lần uống 0,5- 1g với nước sắc gừng tươi, uống sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Tác dụng: trục đàm ẩm. Trị viêm màng phổi, viêm màng bụng có nước, xơ gan cổ trướng.

Bài 3: bạch giới tử tán bột. Mỗi lần uống 4-8g với rượu. Trị ăn vào nôn ra hay ợ hơi do đàm nghịch.

Trừ độc, tiêu nhọt:

Bài 1: hạt cải trắng, hành ta, liều lượng như nhau. Nghiền hạt cải thành bột, cho hành củ vào trộn cho nhuyễn, đắp vào chỗ bị nhọt hay hạch. Mỗi ngày làm một lần cho đến khi khỏi. Chữa lao hạch.

Bài 2: Hạt cải trắng nghiền thành bột, thêm ít giấm hòa đều, đắp chỗ nhọt mới phát.

Bài 3 (trị liệt thần kinh mặt): bạch giới tử 5 - 10g; nghiền với nước thành dạng nhũ tương, gói trong miếng gạc, đắp vào vùng liệt ở má (giữa 3 huyệt: địa thương, hạ quan, giáp xa), dùng băng keo cố định, giữ 5 - 10 giờ. Cách 10 ngày đắp 1 lần

Kiêng kỵ: Người sức yếu, sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan cấm uống.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn