Bạch đậu khấu trị phế khí trệ, tỳ vị hư, ăn uống kém

19-09-2009 08:08 | Y học cổ truyền
google news

Theo Đông y, bạch đậu khấu vị cay, tính ấm, vào 2 kinh tỳ, phế, làm tan khí trệ ở phổi, trừ đình tích ở dạ dày, lui màng mờ trong mắt, thông ợ ngược, ngừng nôn mửa, trừ sốt rét, giải độc rượu.

Đậu khấu có tên khoa học là amomum Cardamomum L., thuộc họ gừng. Đậu khấu là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây bạch đậu khấu. Đậu khấu là một loại cỏ mọc lâu năm, thân rễ có vảy. Từ thân rễ những trục mang lá, mang hoa và quả nhô lên mặt đất. Thân mang lá có thể cao 2 - 3m, lá mọc so le không cuống, phiến lá hình mác dài 23cm, rộng 7,5cm. Quả sắc tro trắng, hình cầu hơi có hình tam giác, bóp dễ vỡ. Trong quả có 3 buồng chứa 9 - 12 hạt sắc vàng nhạt có mùi thơm cay, tê, ngậm vào miệng thấy có khí ấm rất sảng khoái. đậu khấu mọc hoang. Nước ta có trồng đậu khấu. Thường hái ở những cây đã 3 năm, khi quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng thì hái về phơi hay sấy khô, loại bỏ cuống, xông diêm sinh cho vỏ trắng ra là được. Khi dùng bóc vỏ lấy hạt.

 Cây bạch đậu khấu.

Theo Đông y, bạch đậu khấu vị cay, tính ấm, vào 2 kinh tỳ, phế, làm tan khí trệ ở phổi, trừ đình tích ở dạ dày, lui màng mờ trong mắt, thông ợ ngược, ngừng nôn mửa, trừ sốt rét, giải độc rượu. Công của nó đều do khí thơm mà sinh ra. Nếu qua lửa sao thì đã giảm nửa công. Nên sắc uống hoặc nghiền nhỏ, đợi các thuốc sắc xong hòa vào uống thì tốt hơn.

Thành phần hóa học: trong đậu khấu có chừng 2,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là D.bocneola và D.campho.

Tính chất ấm vị hành khí, trị tào tạp, nôn mửa, ợ chua, không tiêu hóa, bệnh phổi.

Chủ trị: tích khí lạnh, ăn vào nôn ra, làm hạ khí, ăn uống tiêu hóa tốt.

Các danh y đời xưa đã dùng đậu khấu để chữa các bệnh như:

- Làm tan khí trệ trong phổi, khoan khoái các mô, ăn uống tốt, trừ màng che ở tròng trắng mắt.

- Trị sốt rét, lúc nóng lúc lạnh, ợ nghẹn, giải độc rượu.

- Có người nói bạch đậu khấu với súc sa nhân là một loại khí vị và công dụng không khác, hoặc cùng nhục đậu khấu tuy khác họ mà công dụng như nhau. Nhưng không đúng: súc sa nhân không có công năng trị phế vị có hỏa và phế vị khí hư suy như bạch đậu khấu. Còn nhục đậu khấu chỉ trị trung hạ tiêu không bằng bạch đậu khấu, không có vị sáp lại trị bệnh ở cả tam tiêu.

Bài thuốc có bạch đậu khấu

Trị ăn vào nôn ra hoặc do lạnh mà nôn: Bạch đậu khấu 12g, nhân sâm 6g, gừng sống 3 lát, quất bì 6g, hoắc hương 8g. Sắc uống.

Dạ dày có đờm bị lạnh làm nôn mửa: Bạch đậu khấu 12g, bán hạ 8g, quất hồng 8g, gừng sống 3 lát, bạch truật 10g, phục linh 10g. Sắc uống.

 Bạch đậu khấu.

Trị tỳ hư tròng mắt có màng che: Bạch đậu khấu 12g, quất bì 6g, bạch truật 10g, bạch tật lê 8g, quyết minh tử 8g, cam cúc hoa 4g, mật mông hoa 6g, mộc tặc thảo 6g, cốc tinh thảo 6g. Sắc uống.

Trị khí trệ ở thượng tiêu: bạch đậu khấu 12g, hoắc hương 10g, quất bì 8g, mộc hương 8g. Sắc uống. Nếu phụ nữ bị khí nghịch thì thêm các vị: ô dược 6g, hương phụ 6g, tô tử 4g.

Cuối thu sốt rét, lạnh nhiều nóng ít, nôn mửa, vị yếu, ăn kém: Bạch đậu khấu 12g, nhân sâm 6g, bạch truật 10g, gừng sống 3 lát, quất bì 6g. Sắc uống.

Trị vị lạnh, đau tim, ăn rồi nôn ra: Bạch đậu khấu 3 quả, giã nhỏ uống với rượu ấm, uống vài lần là khỏi.

Trị tự nhiên tim đau: Bạch đậu khấu giã nhỏ uống với nước nóng, hoặc nhá bạch đậu khấu rất tốt.

Trị trẻ nôn mửa do dạ dày lạnh: Bạch đậu khấu 14 quả, súc sa mật 14 quả, cam thảo nướng 8g. Tất cả giã nhỏ, cho ít nước vắt lấy nước uống, luôn luôn thấm vào miệng trẻ.

Trị tỳ hư ăn vào nôn ra: Bạch đậu khấu 80g, sa nhân 80g, đinh hương 40g, gạo tẻ để lâu năm 1.000g. Lấy gạo sao chung với đất sét, sao cháy gạo, tán nhỏ gạo. Tất cả các vị đều tán nhỏ hòa chung để dùng. Có thể hòa với nước gừng làm viên phơi khô, mỗi lần uống 8 - 12g với nước gừng.

Phụ nữ sau đẻ hay ợ, nấc: Bạch đậu khấu 20g, đinh hương 20g. Nghiền nhỏ, dùng nước đào hồng uống 4g bột trên, cách 15 - 20 phút lại uống tiếp.

Kiêng kỵ: phàm nôn mửa, phản vị, đau bụng bởi vị hỏa uất, chứng nhiệt thì cấm dùng.

Lương y Minh Chánh


Ý kiến của bạn