Bạch chỉ cây thảo sống lâu năm, cao 1 - 2m. Thân hình trụ, tròn, rỗng màu tím hồng tía hay trắng. Lá xẻ 3 lần lông chim, mép có răng cưa; cuống lá dài phình ra thành bẹ; hoa tự tán kép, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, màu trắng. Quả bế đôi thường gọi nhầm là “hạt”.
Tên khoa học: Angelica Dahurica Benth. Et Hook. F; họ: Apiaceae. Bạch chỉ được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng hay các vùng núi phát triển rất tốt. Các tỉnh, thành có trồng nhiều bạch chỉ là Hà Nội (thị trấn Văn Điển); Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Lào Cai (Sa Pa)...
Tác dụng của bạch chỉ theo y học hiện đại:
Tác dụng kháng khuẩn: trong thí nghiệm, bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (Trung dược học), có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu (Diplococcus Pneumoniae), liên cầu (Streptococus Hemoleticus), tụ cầu vàng (Staphylococus Aureus), Bacillus Subtilis, Shigella Sonnei, Shigella Flexneri, Shigella Shiga, Shigella Dysenteriae, Enterococus, Vibrio Cholerae và Bacillus Typhi. Ngoài ra, bạch chỉ còn có tác dụng kháng vi rút.
- Giảm đau: làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt; tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh. Dùng trong nhãn khoa: pommade làm từ bạch chỉ có tác dụng tăng khả năng trị liệu và tránh được loét giác mạc do bỏng ánh sáng gây ra.
- Tác dụng chống viêm: dùng trong tai mũi họng: hít bột làm từ bạch chỉ và băng phiến có tác dụng trị đau đầu, răng đau, đau dây thần kinh sinh ba.
Theo Đông y, bạch chỉ có mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng, tính tân ôn; vào các kinh phế, vị, đại tràng. Thường dùng bạch chỉ để chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, mụn nhọt sưng đau, phong thấp, xích bạch đới, cầm máu, viêm tuyến vú, thông kinh nguyệt, dùng ngoài để chữa tràng nhạc, ghẻ lở… Bột bạch chỉ được dùng làm nguyên liệu chế ra các mỹ phẩm, trang điểm, làm đẹp như phấn, kem bôi mặt… có tác dụng hoạt huyết, làm mềm và trắng da, trừ các vết nám đen, chống nếp nhăn.
Làm giảm bớt các vết nám đen ở mặt: bạch chỉ 30g, hoa đào tươi 250g ngâm với 1 lít rượu trắng; sau 1 tháng thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần.
Chữa rụng tóc: dùng bạch chỉ 60g, hậu phác 30g, sắc lấy nước gội đầu ngày 2-3 lần.
Bạch chỉ 30g, bạch liễm 30g, bạch truật 30g, bạch cập 15g, bạch phụ tử 9g, bạch linh (bỏ vỏ) 9g, bạch tế tân 9g. Các vị này sấy khô, tán thành bột mịn, đem hòa với lòng trắng trứng gà rồi nặn thành viên to bằng đầu ngón tay út, đựng trong lọ sứ dùng dần. Mỗi tối sau khi rửa mặt dùng nước ấm hòa với thuốc thành chất lỏng sệt bôi lên mặt thành một lớp mỏng, để khoảng 1 giờ rồi rửa sạch. Công dụng: khu phong hoạt huyết, làm mềm và trắng da, phòng chống các vết nhăn trên da mặt.
Mặt nạ dưỡng da giúp da trắng mịn: 3 thìa mật ong rừng 3 thìa bột bạch chỉ 3 thìa sữa tươi nguyên chất.Trộn đều, đắp mặt nạ 3 lần/tuần. Hoặc 5 thìa cà phê bột bạch chỉ và 1 quả trứng gà trộn đều với nhau, đắp mặt nạ 30 phút rồi rửa lại mặt bằng nước ấm.
Bài thuốc đắp mặt của danh y Tuệ Tĩnh, gồm 4 vị thuốc sau: bạch chỉ 6g; bạch linh 6g; hạnh nhân 6g; cao ống xương dê 6g. Các vị thuốc này được sấy khô, tán mịn, pha với nước sôi, sau đó để ấm, đắp lên mặt. Mỗi lần đắp khoảng 5g, trong vòng 20 phút. Các vị thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, tăng cường độ ẩm cho da.