Vào khoảng tháng 5 - 6, thu hoạch lấy rễ củ, rửa sạch, để ráo nước, rồi xông lưu huỳnh để phòng chống mốc mọt. Sau đó sấy ở nhiệt độ 50, 60 0C. Trước khi sử dụng, đem rễ bạch chỉ ngâm rồi ủ mềm, thái phiến, lại phơi cho khô. Nếu trị cảm mạo phong hàn hoặc trị các chứng đau nhức, đau co thắt thì dùng phiến bạch chỉ sao qua. Nếu trị các bệnh mụn nhọt, đinh độc có mủ, máu thì sao cháy.
Về thành phần hóa học, rễ bạch chỉ chứa tinh dầu, coumarin: byak- angelicin, byak- angelicol, oxypeucedanin, imperatorin, isoimperatorin, xanthotoxin... Về tác dụng sinh học, nước sắc bạch chỉ có tác dụng giãn mạch vành tim, do có coumarin: byak-angelicol. Tác dụng ức chế một số chủng vi khuẩn: thương hàn (Salmonella Typhy), phó thương hàn (para Typhi), trực khuẩn than, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng (Escherichia coli), trực khuẩn lao, trực khuẩn mủ xanh...
Cây bạch chỉ
Bạch chỉ được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Trị cảm mạo phong hàn, sốt cao, rét nhiều, đau đầu, chủ yếu đau vùng trán, vùng đỉnh hoặc đau nhức phần xương lông mày, hốc mắt.
Bài thuốc: bạch chỉ, xuyên khung, đồng lượng. Hai vị tán thành bột mịn, mỗi lần uống 3-4g, ngày 2-3 lần uống, trước bữa ăn 1 giờ với nước ấm hoặc nước hãm của gừng tươi. Cũng có thể phối hợp với bột cát căn, địa liền, đồng lượng, cách dùng như trên. Hoặc phối hợp với khương hoạt, phòng phong, đồng lượng 9g, sắc uống ngày một thang, trước bữa ăn 1 giờ.
Trị chứng đau nửa đầu: bạch chỉ, tế tân, thạch cao, nhũ hương, đồng lượng, tán bột mịn, đặt một lượng nhỏ bột vào đầu của một ống giấy, rồi thổi mạnh vào lỗ mũi. Nếu đau bên trái thì thổi vào bên phải và ngược lại.
Trị phong thấp, đau răng, viêm mũi mạn tính, đau dây thần kinh ở mặt: bạch chỉ, thương nhĩ tử (sao vàng), tân di (vi sao), mỗi vị 12g; bạc hà (vi sao) 6g. Dùng dưới dạng bột mịn, uống với nước ấm, như trên.
Vị thuốc bạch chỉ (rễ khô cây bạch chỉ)
Trị nhọt độc nhiều mủ: bạch chỉ, đương quy, tạo giác (quả bồ kết, bỏ hạt, sao vàng), mỗi vị 7g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị viêm tuyến vú giai đoạn đầu: bạch chỉ, triết bối mẫu, mỗi vị 6g; đương quy 9g; nhũ hương (chế) 4,5g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền nhiều thang tới khi triệu chứng thuyên giảm.
Trị đau răng, sưng lợi: bột mịn bạch chỉ, dùng tăm bông, chấm vào nơi đau.