Hà Nội

Bạch cập - vị thuốc giúp trị một số tình trạng ngoài da

SKĐS - Vị thuốc bạch cập là thân rễ (còn gọi là củ) của cây bạch cập, có công dụng chữa bệnh về da, hóa ứ, cầm máu...

1.Đặc điểm và công dụng

Bạch cập thuộc loại cây thảo sống lâu năm, cao chừng 1m. Cây có rễ phát triển mạnh và phình lên thành củ. Có khoảng 3 – 5 lá mọc từ rễ. Lá cây hình mác có chiều dài khoảng 18 – 40cm, chiều rộng khoảng 5cm, màu đỏ tím. Cây có quả hình thoi.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ. Dược liệu là những khối màu trắng, khô, có vị đắng, dẹt, cứng, rất chắc và có vân như vỏ ốc. Khi dùng rửa sạch, hấp cho mềm sau đó thái phiến, phơi khô, có thể dùng sống hoặc tán thành bột mịn hoặc hoàn viên.

Theo y học cổ truyền, bạch cập tính bình, vị đắng, không độc, lợi vào kinh phế, thận vị, can có công dụng trị chân tay nứt nẻ, điều trị mụn nhọt lở loét; trị chân tay tổn thương do té ngã, điều trị bỏng lửa hoặc bỏng nước sôi…

photo-1671031517937

Cây và vị thuốc bạch cập

2. Bài thuốc từ bạch cập trị da khô nứt nẻ

2.1 Dầu vừng bạch cập

Bạch cập 15g, tán thành bột mịn trộn với 60ml dầu vừng (dầu mè), cho vào lọ thủy tinh, bảo quản dùng dần, ngày bôi 2 lần lên chỗ da khô hoặc nứt nẻ.

2.2 Thuốc bột bạch cập đại hoàng

Thành phần : Bạch cập 30g, đại hoàng 50g, băng phiến 3g.

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, hòa với mật ong, quấy thành hồ nhão, bôi vào chỗ bị bệnh.

Công dụng: Trị nứt nẻ tay chân.

photo-1671031521597

Vị thuốc đại hoàng

2.3 Thuốc bột bạch cập thạch cao

Thành phần: Bạch cập 20g, thạch cao (sống) 20g, tán nhỏ trộn đều, rắc lên vết thương.

Công dụng: Dùng trong trường hợp chấn thương phần mềm do té ngã, vết thương hở.

2.4 Thuốc bột bạch cập bông ổi

Thành phần: Bạch cập 20g, lá bông ổi 30g, gừng khô 10g. Tán bột mịn, rắc vào nơi tổn thương.

Công dụng: Dùng trong trường hợp vết thương chảy máu, giúp cầm máu, hàn vết thương.

Mời bạn xem thêm video:

Mùa lạnh đừng để viêm phổi 'tấn công" | SKĐS


BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn