Hiện mới chỉ được trồng thử. Y học cổ truyền dùng thân rễ (Rhizoma Bletillae) bạch cập để làm thuốc.
Vào mùa hạ và mùa thu, thường đào lấy thân rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, luộc hoặc đồ đến khi mặt cắt ngang không còn lõi trắng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, khoảng 30 độ C. Trước khi dùng thái mỏng, vi sao.
Về thành phần hóa học, trong thân rễ bạch cập chứa chủ yếu là chất nhầy (Polysaccharid), được xác định là blatilamanan. Ngoài ra còn có các chất batatasin, methylbatatasin, biphenanthren, tinh dầu, tinh bột...
Theo Đông y, bạch cập có vị đắng, hơi ngọt, chát. Tính hơi hàn. Quy kinh phế, can, thận. Có tác dụng thu liễm, chỉ huyết (cầm máu), hóa ứ huyết, nhuận phế, hóa đàm, sinh cơ, liễm sang (làm thu se các mụn nhọt), tiêu sưng. Dùng trị các chứng ho ra máu do lao, thổ huyết, lỵ ra máu, chảy máu cam, đau mắt đỏ. Dùng ngoài, đắp vào các vết thương bị chảy máu, chữa bỏng, da nứt nẻ, nhọt độc viêm tấy. Liều dùng 6 -15g dạng nước sắc; 3-5g dạng bột. Dùng ngoài với lượng phù hợp. Bạch cập được dùng trong một số chứng bệnh sau:
Trị lao phổi, ho ra máu, hoặc trong đờm có máu: Bạch cập tán bột mịn, mỗi ngày uống 10g với nước ấm trước khi đi ngủ. Hoặc bạch cập với lượng gấp đôi tam thất tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với nước ấm.
Trị giãn phế quản, ho ra máu: bột bạch cập, ngày uống 3 lần với nước ấm, mỗi lần 2 - 4g. 3 tháng là 1 liệu trình. Có thể uống từ 1-2 liệu trình.
Trị xuất huyết dạ dày, tá tràng: bột bạch cập, ngày 10-15g, uống với nước sôi để nguội hoặc nước cơm hay nước cháo, ngày 3 lần, trước bữa ăn. Hoặc bột bạch cập, bột ô tặc cốt (mai mực) mỗi thứ 8g, trộn đều, ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 2g, uống với nước ấm, trước bữa ăn.
Trị chảy máu cam: bột bạch cập uống ngày 3g với nước ấm. Mặt khác, lấy 2g bột này, thêm một lượng nước vừa đủ, trộn đều tạo ra dạng bột sền sệt, rồi đắp lên sống mũi.
Trị nứt nẻ chân tay, nhất là vào những khi thời tiết hanh khô: bạch cập 30g, đại hoàng 50g, băng phiến (bocneol) 3g. Tất cả đều tán bột mịn, thêm mật ong, quấy thành hồ nhão, bôi vào chỗ bị bệnh, ngày 3 lần.
Trị vết thương hở do té ngã: bạch cập 20g, thạch cao (sống) 20g. Hai vị đem tán nhỏ, trộn đều. Rắc đều lên vết thương, băng lại sẽ nhanh liền miệng.
Trị bỏng lửa: bột bạch cập tán nhỏ, trộn với dầu vừng tạo dạng hồ nhão, bôi ngày vài lần.
Kiêng kỵ: không dùng chung bạch cập với ô đầu, phụ tử (tương phản).
Trị sa dạ con (kinh nghiệm cổ truyền): bạch cập và ô đầu là 2 vị thuốc tương phản nhau, không được cùng dùng uống trong. Tuy nhiên, có thể dùng ngoài bằng cách: bạch cập, ô đầu lượng bằng nhau, tán mịn. Lấy 4g bột này, gói vào bông vô trùng; đặt sâu trong âm đạo. Khi thấy cảm giác nóng lên thì lấy ra. Ngày làm 1 lần. Để tăng hiệu quả, có thể hàng ngày sử dụng thêm phương “Bổ trung ích khí” dưới dạng nước sắc hoặc các dạng thuốc khác.