Hà Nội

Bạch cập - Vị thuốc cầm máu

30-07-2013 14:00 | Y học cổ truyền
google news

Bạch cập (Bletia hyacinthine R.Br. ex Ait), tên khác là liên cập thảo, là một cây thảo, địa sinh, sống lâu năm. Thân rễ chia nhánh hình cầu, dẹt, xếp thành chuỗi lá dài có bẹ mọc ốp vào nhau thành hai dãy.

Bạch cập (Bletia hyacinthine R.Br. ex Ait), tên khác là liên cập thảo, là một cây thảo, địa sinh, sống lâu năm. Thân rễ chia nhánh hình cầu, dẹt, xếp thành chuỗi lá dài có bẹ mọc ốp vào nhau thành hai dãy. Hoa màu hồng tím mọc thành chùm ở ngọn. Quả nang hình thoi.

Thân rễ (thường gọi là củ) là bộ phận dùng làm thuốc duy nhất của bạch cập được thu hái tốt nhất vào mùa thu đông, cắt bỏ gốc thân và rễ con, rửa sạch, đem đồ hoặc nhúng vào nước sôi cho đến khi mặt trong và thân rễ có màu trắng đục, rồi bóc vỏ ngoài phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô.

Bạch cập - Vị thuốc cầm máu 1
 Bạch cập.

Dược liệu có hình bánh dày dẹt phẳng, có ngạnh, mặt ngoài có vân nhỏ đồng tam, chất cứng chắc, khó bẻ gãy, mặt cắt giống chất sừng. Thứ củ mập dày, màu trắng đục, chất đặc rắn là loại tốt. Thành phần hóa học của bạch cập gồm tinh bột 30%, chất nhầy và ít tinh dầu.

Trong y học cổ truyền, bạch cập có vị đắng, ngọt, hơi dính, tính lạnh, không độc, có tác dụng bổ phổi, cầm máu, sinh cơ, làm tan máu ứ, hàn vết thương, được dùng trong những trường hợp sau:

Dùng trong:

Chữa chảy máu cam: bạch cập phơi khô kiệt, tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 - 8g. Đồng thời lấy bông thấm thuốc nhét vào lỗ mũi.

Chữa thổ huyết, chảy máu dạ dày: bạch cập 100g, tam thất 50g, tán bột ngày uống 6 - 12g chia làm 2 - 3 lần.

Chữa loét dạ dày, phân đen: bạch cập 40g, trầm hương 20g, hoài sơn 20g (sao). Tất cả tán thành bột mịn, mỗi lần uống 12 - 20g vào lúc đói.

Dùng ngoài:

Chữa mụn nhọt, sưng tấy, bỏng lửa: bạch cập phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, hòa vào dầu vừng bôi hàng ngày.                       

     TTƯT. DSCKII. Đỗ Huy Bích


Ý kiến của bạn