Hà Nội

Bạch cập - Thuốc chỉ huyết, tiêu thũng

SKĐS - Bạch cập còn có tên bạch căn, cam căn, liên cập thảo. Kết quả thử nghiệm cho thấy: Bạch cập có tác dụng rõ rệt lên thời gian đông máu, có tác dụng cầm máu và bảo vệ niêm mạc dạ dày ruột.

Theo Đông y, bạch cập vị đắng, tính bình; vào phế, thận. Có tác dụng: Chỉ huyết, tiêu thũng, thu liễm, sinh cơ. Trị khái huyết, thổ huyết, chấn thương bên ngoài có chảy máu, mụn nhọt sưng nề,… Ngày dùng 4 - 20g, bằng cách hãm sắc, nấu.

Liễm huyết, cầm máu. Trị các chứng xuất huyết ở phổi, mũi, dạ dày. Do có tác dụng bổ phổi, hóa ứ nên hay dùng khi ho lao ra máu, khạc ra máu.

Bài 1 - Bột độc thánh: bạch cập một lượng vừa đủ, nghiền thành bột. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước đun sôi còn ấm, uống trước khi đi ngủ. Trị phổi có hang lâu không khỏi, ho ra máu mủ.

Bài 2 - Bột bạch cập: bạch cập 8 phần, tam thất 4 phần; nghiền thành bột mịn. Mỗi lần uống 4g, ngày uống 2 lần, chiêu với nước đun sôi còn ấm. Trị ho lao đờm có máu.

Bài 3 - Hoàn bạch cập tỳ bà: bạch cập 63g, lá tỳ bà 12g, ngó sen 20g, a giao 12g. Mỗi lần 8g, ngày uống 2 lần, chiêu với nước đun sôi còn ấm. Trị ho ra máu.

Bài 4 - Thang bạch cập: bạch cập 12g, xuyên bối mẫu 6g, bách hợp 12g, ý dĩ 20g, phục linh 12g.  Sắc uống. Trị ung phổi ho ra máu.

Món ăn thuốc có bạch cập

Yến sào hầm bạch cập: bạch cập 10g, yến sào 10g, đường phèn 10g. Cho tất cả vào ca nhôm, thêm nước, đun cách thuỷ thật chín nhuyễn, thêm đường phèn khuấy tan. Chia hai lần ăn trong ngày. Dùng tốt cho người giãn khí phế quản, lao phổi, ho đờm lẫn máu tái đi tái lại, hen phế quản, viêm khí phế quản ở người cao tuổi.

Bạch cập đánh trứng gà: bột mịn bạch cập 5g, trứng gà 1 quả. Đập trứng khuấy bột bạch cập, đổ nước sôi vào hãm. Dùng cho người lao phổi ho đờm lẫn máu.

Bạch cập hầm phổi lợn: bạch cập 30g, phổi lợn 1 cái, rượu trắng 150ml. Phổi lợn làm sạch thái lát, cùng bạch cập nấu với rượu cho chín, thêm gia vị ăn. Dùng tốt cho người viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi.

Kiêng kỵ: Người khái huyết do thực nhiệt và do ngoại cảm, ung phổi thời kỳ đầu không được dùng. Không dùng chung bạch cập với ô đầu.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn