Bách bộ còn có tên là dây đẹt ác, dây ba mươi. Là một loại cây leo, dài 6-8m, có khi hơn. Lá thường mọc đối, có cuống, hình trái tim. Trên mặt lá, ngoài gân chính có 6-8 gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá, có những gân ngang nhỏ và rõ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa lớn màu vàng đỏ. Bao hoa gồm 4 phiến. Nhị có tua ngắn. Quả nang có 4 hạt.
Cây bách bộ mọc hoang ở khắp nơi. Dùng củ để làm thuốc, củ càng lâu năm càng tốt. Vào mùa thu hoặc vào đầu đông hằng năm, hoặc vào lúc đầu xuân, chồi cây chưa hoạt động, trước khi thu hoạch, cắt bỏ dây thân, đào toàn bộ củ lên, rửa sạch phơi khô. Củ bách bộ đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ dần, có xếp vết nhăn teo có rãnh dọc sâu bên ngoài màu vàng trắng hoặc sám vàng. Chất cứng giòn chắc, ít ngọt, đắng nhiều, mùi thơm ngát, vỏ ngoài đỏ hay nâu sẫm là tốt.
Cây bách bộ. |
Theo y học cổ truyền, bách bộ có vị ngọt, đắng, không độc, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Thường dùng trị ho, giun đũa, giun kim,...
Trẻ em ho do nhiễm lạnh: 30g bách bộ (sao), 30g ma hoàng bỏ đốt, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, sao, nghiền nhỏ sắc kỹ lấy nước hòa với bách bộ và ma hoàng hoàn thành viên như hạt bồ kết. Mỗi lần uống 2 - 3 viên với nước ấm
Chữa ho tự nhiên không dứt: Bách bộ tươi hơ trên lửa nướng cho khô, mỗi lần lấy nước một ít ngậm nuốt nước.
Vị thuốc bách bộ. |
Chữa ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Bách bộ 16g, kinh giới 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống trong 5 ngày. Trị ho gà: Bách bộ 12g, bạch tiền 12g, cam thảo 4g, sắc uống với đường, mỗi ngày chia làm 3 lần uống liên tục 3 - 4 ngày. Ngoài ra bách bộ còn là một vị thuốc tẩy giun rất hiệu quả. Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi có ghi: - Dùng bách bộ sắc uống 10g mỗi ngày. Uống vào lúc sáng sớm, khi đói, uống trong 5 ngày có tác dụng tẩy giun. - Bách bộ tươi 40g (bằng 20g bách bộ khô), nước 200ml, sắc đun sôi trong nửa giờ, cô lại còn khoảng 30ml. Dùng nước thuốc thụt giữ 20 phút. Điều trị như vậy trong thời gian 10-12 ngày là khỏi bệnh giun kim. Chú ý: Người có tì vị hư nhược không nên dùng.