Hà Nội

Bạch biến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

19-09-2024 06:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bạch biến là bệnh lý lành tính nhưng lại gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti. Hiện tại chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này. Các phương pháp chủ yếu phụ thuộc vào từng giai đoạn và từng thể bệnh lâm sàng.

Bạch biến là một bệnh da liễu thường gặp. Bệnh bạch biến gây giảm hoặc mất sắc tố ở da và niêm mạc. Bạch biến khác với bạch tạng, bạch biến là bệnh mắc phải còn bạch tạng là bệnh bẩm sinh.

1. Nguyên nhân gây bạch biến

Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bạch biến, tuy nhiên có một số yếu tố có liên quan đến bệnh như:

  • Bệnh có liên quan đến yếu tố gen và các yếu tố ngoài gen.
  • Bạch biến là bệnh tự miễn có thể liên quan đến một số bệnh tự miễn khác như viêm tuyến giáp Hashimoto; đái tháo đường type 1; rụng tóc mảng; vẩy nến; viêm khớp dạng thấp; nhược cơ
Bạch biến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Kiều Trang - Khoa Da liễu (Bệnh viện Hữu Nghị).

Bên cạnh đó còn có căn nguyên về bệnh bạch biến là do sự mất cân bằng hệ thống oxy hóa và sự gia tăng các chất oxy hóa phản ứng (ROS) – điều này do các tác động ngoại sinh, nội sinh gây tổn thương cho các tế bào sắc tố khiến hệ thống đáp ứng miễn dịch trên cơ địa nhạy cảm được kích hoạt. Chính điều này dẫn đến các tế bào hắc tố bị phá hủy.

2. Triệu chứng bạch biến

Biểu hiện của bệnh bạch biến chủ yếu liên quan đến những dát giảm hay mất sắc tố da so với những vùng da xung quanh, giới hạn rõ, không ngứa và không có vảy. Thông thường có thể chẩn đoán bạch biến bằng mắt thường. Trong một số trường hợp các bác sĩ sẽ dùng đèn Wood hỗ trợ hoặc sinh thiết da để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

Người mắc bệnh bạch biến thường xuất hiện thay đổi sắc tố da ở vùng mặt, đầu ngón, mu bàn tay, cổ tay, nách, bẹn, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, vùng hậu môn sinh dục, núm vú…

Bạch biến được chia là 2 loại: bạch biến lan toả và bạch biến thể khu trú

  • Với bạch biến thể lan toả biểu hiện sắc tố da thường đối xứng 2 bên và tiến triển mạn tính. Bệnh tăng giảm tình trạng không theo quy luật và có những giai đoạn bệnh ổn định xen kẽ với những đợt tái phát.
  • Với bạch biến thể khu trú cần lưu ý thể phân đoạn chỉ xuất hiện ở một bên của cơ thể và phân bố theo đường đi dây thần kinh (giống như bệnh zona). Tình trạng này thường gặp ở trẻ em, bệnh tiến triển nhanh trong thời gian đầu sau đó ổn định hơn và ít tiến triển.

Ngoài ra còn có bạch biến thể ổ, xuất hiện một hoặc vài đám hình tròn, bầu dục; bạch biến thể hỗn hợp: phối hợp giữa 2 loại bạch biến thể đoạn và bạch biến thể thường.

3. Bạch biến có lây không?

Bạch biến không phải là bệnh lý lây nhiễm, không thể lây từ người bệnh sang người lành.

Bạch biến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Bạch biến là một bệnh lý lành tính nhưng gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti.

4. Phòng bệnh bạch biến

Hiện chưa có cách nào để phòng ngừa bệnh bạch biến. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, mọi người có thể thực hiện những phương pháp sau:

  • Có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Với chế độ ăn uống có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D, ăn nhiều rau củ quả có các loại vitamin và chất chống oxy hóa.
  • Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
  • Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống.
  • Điều trị các bệnh lý tự miễn nếu có.
  • Ngay khi có biểu hiện bất thường về da, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.

5. Cách điều trị bạch biến

Bạch biến là bệnh lý lành tính nhưng lại gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti. Do vậy có rất nhiều người bị bạch biến mong muốn được điều trị. Hiện tại chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này. Các phương pháp chủ yếu phụ thuộc vào từng giai đoạn và từng thể bệnh lâm sàng. 

Một số phương pháp được áp dụng trong điều trị bạch biến là:

  • Nội khoa: thuốc bôi, thuốc corticoid toàn thân/tại chỗ, các loại thuốc ức chế miễn dịch
  • Chiếu ánh sáng.
  • Phương pháp phẫu thuật hiện đại cấp ghép da mỏng, ghép tế bào thượng bì tự thân không nuôi cấy, ghép punch…

Tuy nhiên để việc điều trị bệnh hiệu quả, ngoài việc cá thể hóa người bệnh trong quá trình điều trị người bệnh cũng cần được theo dõi định kỳ. Ngoài ra, nếu người bệnh có một số bệnh đồng mắc liên quan tới bạch biến cũng cần phối hợp điều trị để hiệu quả bệnh tốt hơn.

Với bạch biến thể phân đoạn, bệnh tiến triển không theo quy luật, người bệnh cần có tinh thần lạc quan và xác định sống chung với bệnh. Có một số trường hợp bệnh bạch biến tự khỏi.

Tất cả những phương pháp điều trị trên đều cần có chỉ định của bác sĩ và tùy thuộc vào từng người bệnh sẽ có những phác đồ khác nhau. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị hoặc sử dụng các phương pháp chiếu ánh sáng tại các cơ sở y tế chưa được cấp phép.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh bạch biếnCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh bạch biến

SKĐS - Bệnh bạch biến là một rối loạn sắc tố da mắc phải, gây ra cả khiếm khuyết về thể chất và tâm lý ở bệnh nhân, thường xảy ra nhiều hơn ở những người có da sẫm màu.


ThS.BS Nguyễn Kiều Trang
Khoa Da liễu – Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn