Hà Nguyễn (Hà Nội)
Bệnh bạch biến hiện nay chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Bệnh nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình gây biến đổi và làm phục hồi màu da. Nguyên nhân gây bệnh bạch biến hiện vẫn chưa được xác định.
Bệnh bạch biến là hậu quả của sự biến mất loại tế bào ở da được gọi là manocytes có chức năng sản sinh ra melanin - sắc tố quyết định màu da. Bệnh bạch biến không phải là bệnh ung thư và không lây.
Người nào cũng có thể bị bệnh bạch biến, nhưng thường gặp nhiều hơn ở người có da sậm màu, người trẻ tuổi. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch biến, bao gồm: Yếu tố di truyền: những người có tiền sử gia đình bị bệnh bạch biến hoặc tóc bạc sớm thường có nguy cơ mắc bệnh bạch biến cao hơn; Những yếu tố khác bao gồm: các bệnh tự miễn dịch, yếu tố rối loạn thần kinh, xúc động, căng thẳng thần kinh, rối loạn giao cảm. Một số trường hợp liên quan tới chức năng tuyến giáp, thượng thận, tuyến yên, tuyến sinh dục... cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạch biến.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh bạch biến, cần giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, vận động thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sức khỏe, đồng thời có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi.